Sa thải lao động ngoài 35 tuổi: Làm gì để ngăn doanh nghiệp 'vắt chanh bỏ vỏ'

Để hạn chế tình trạng sa thải lao động lớn tuổi, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính phòng ngừa, giúp người lao động có thể chuyển nghề khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất.

Thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 35 là nỗi lo không phải của riêng ai

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 7 năm 2018 toàn ngành đã giải quyết gần 457.000 hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong đó riêng tháng 7 có 80.469 người.

Bình quân mỗi năm, có khoảng 700.000 người làm thủ tục nhận trợ cấp hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đa số người lao động xin nghỉ việc và nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần ở độ tuổi từ 35-40, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc sa thải lao động ngoài 35 tuổi là có thật, diễn ra khá nhiều ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việc dùng từ "vắt chanh bỏ vỏ" hay "thải loại" thì doanh nghiệp không đồng tình nhưng bản chất đúng là như vậy.

Khi lợi ích nhận được từ người lao động kém hơn so với chi phí tiền lương bỏ ra thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm cách sa thải họ. Lao động lớn tuổi thì bậc lương cao hơn kéo theo các chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... gia tăng. Trong khi đó, lực lượng lao động dồi dào, sẵn sàng tham gia thị trường lao động khiến doanh nghiệp không ngần ngại đẩy công nhân lớn tuổi ra đường.

Bàn về giải pháp bảo vệ nhóm lao động này, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên tập trung làm tốt về an sinh xã hội gồm: thị trường lao động, bảo hiểm xã hội và trợ giúp, trợ cấp xã hội. Nếu làm tốt các vấn đề này thì ít nhiều người lao động vẫn còn "một tấm lá chắn" để người lao động có thể bấu víu vào khi chủ doanh nghiệp tìm mọi cách đẩy họ ra khỏi dây chuyền sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung hiện vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu kết nối, nặng về giải quyết hậu quả.

Chẳng hạn, khi người lao động thất nghiệp thì chúng ta chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo các kỹ năng mới cho họ để đáp ứng được yêu cầu công việc của thị trường, trong khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn rất nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả của thất nghiệp. Cần phải thấy rằng, bất kỳ một chính sách bảo hiểm nào, thì các giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tới đây bộ này sẽ nghiên cứu các giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động như xây dựng phương án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân khi họ thất nghiệp. Chính sách cũng bao gồm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo chuyển nghề cho lao động khi doanh nghiệp đó thay đổi cơ cấu sản xuất.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/sa-thai-lao-dong-ngoai-35-tuoi-lam-gi-de-ngan-doanh-nghiep-vat-chanh-bo-vo/777857.antd