Sa Pa thời 'tăng trưởng nóng': 'Mất văn hóa là cái mất đau lòng nhất'

'Để giữ được văn hóa, ruộng bậc thang, ngôi nhà cổ, bài hát điệu múa truyền thống thì người dân cần sống được từ những điều đó. nếu không, chỉ một thời gian nữa, tất cả sẽ xô bồ và chạy theo cái mới', đó là trăn trở của cô gái Tẩn Thị Su (thị trấn Sa Pa, Lào Cai), một người làm du lịch có tình yêu da diết và gắn bó với quê hương.

Sinh năm 1986 ở Sa Pa, với “thâm niên” 20 năm làm du lịch, Tẩn Thị Su có tuổi thơ giống như hầu hết những đứa trẻ ở miền sơn cước này là đi bán hàng rong, chèo kéo du khách và... nói tiếng Anh “bồi”. Sau này, khi đã trở thành một giám đốc du lịch nổi tiếng, cô gái có khuôn mặt tròn và đôi mắt một mí đặc trưng của người Mông đã tự tin nói rằng: “Sa Pa cần một người như em”.

Tẩn Thị Su (bìa phải) và các cộng sự

Dân bản địa là “mỏ vàng du lịch”

Với cách làm du lịch là tạo cầu nối cho bà con có điều kiện giới thiệu văn hóa bản sắc của Sa Pa với du khách, ví như việc đưa khách nước ngoài đến ở những homestay của dân hay giới thiệu các món đồ truyền thống của người dân bản địa đến với du khách, Tẩn Thị Su đã vừa học hỏi trau dồi kiến thức về du lịch, vừa tự học tiếng Anh và giúp đỡ những người phụ nữ bản địa làm hướng dẫn viên du lịch một cách bài bản.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm, Su cũng không khỏi lo lắng bởi cô cho rằng, những người dân bản địa không thể bắt kịp nhịp phát triển du lịch ngày càng “nóng” ở nơi đây. 10 năm trở lại đây, du lịch ở Sa Pa đã rất phát triển, 5 năm gần đây thì phát triển mạnh mẽ hơn nhưng sẽ tạo ra cả 2 mặt tích cực và tiêu cực.

Nụ cười hồn nhiên của các em bé dân tộc thiểu số ở Sa Pa

Tích cực là tạo điều kiện hơn cho bà con, mang tới công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, thu hút nhiều nhà đầu tư vào Sa Pa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặt tiêu cực đang “phủ sóng” khá nhiều vì Sa Pa đang phát triển quá nhanh nên đồng bào chưa bắt kịp được nhịp cầu phát triển du lịch một cách mạnh mẽ như thế.

Ví dụ người bản địa có sẵn một “mỏ vàng du lịch” là homestay nhưng họ lại không biết khai thác, bởi họ vốn chỉ làm ruộng, làm nương, sẽ hướng con cái mình làm ruộng, làm nương. Nhưng giờ ruộng nương hạn hẹp, càng ngày đất đai càng hiếm, lại không có điều kiện cho con cái đi học để nắm bắt và hiểu biết hơn. Nhiều người có tiền, bán đất được mấy trăm triệu đồng nhưng họ không biết đầu tư vào đâu. Có những người bán đất, có tiền chỉ để uống rượu lại càng làm cho cuộc sống rối ren, nhiều hệ lụy hơn.

Cần có chiến lược để người dân sống được với văn hóa của họ

Theo Tẩn Thị Su, cái mất nhiều nhất và đau lòng nhất chính là mất đi nét văn hóa truyền thống của đồng bào, ngay như cách ăn mặc, nếp sống đang bị mai một.

Chính vì sự lo lắng, trăn trở ấy mà Tẩn Thị Su quyết tâm tạo dựng một đội ngũ làm du lịch hiểu biết, chọn lọc, với mục tiêu hướng du khách đến với giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc bản địa, giúp người dân sống được với văn hóa của chính mình để không bị mai một, mất đi bản sắc riêng.

Từ năm 2010 đến nay, Tẩn Thị Su đã hỗ trợ hơn 200 người trở thành những thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch, đào tạo những kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách và hỗ trợ cho họ học cao hơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trên chính quê hương mình.

“Em sẽ là cầu nối giữa du khách với đồng bào chính gốc ở đây. Ví dụ đưa khách vào các homestay để cho bà con có thêm thu nhập. Từ những cái sẵn có, bà con sẽ dần dần cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, chúng em còn giới thiệu những bài thuốc của người Dao, nghệ thuật thêu thùa của từng dân tộc... đến với du khách”, Su cho biết.

Với cách làm này, Su tin rằng sẽ phần nào giữ được những nét văn hóa truyền thống của Sa Pa, bởi nếu muốn giữ được những nét văn hóa đó thì phải có được chiến lược để người dân sống được với văn hóa của họ, nếu không họ sẽ theo những cái mới như đến khách sạn lớn, công ty lớn làm công việc phục vụ, bưng bê hay lễ tân... và sẽ cải biến theo hướng hiện đại, từ trang phục đến tác phong, cách sống.

“Dựa vào văn hóa để kinh doanh sẽ bền vững”

“Văn hóa của quê mình độc đáo, tại sao mình không làm cho nó đẹp hơn? Nếu bạn thích thêu thùa, sao không giới thiệu cách thêu? Nếu bạn thấy dân tộc mình có bản sắc hấp dẫn, sao không khiến người xem phải mê hoặc? Nhiệm vụ của chúng em là phải đưa đến cho họ cách hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa”, Su chia sẻ thêm.

Sau những phút suy tư, Su nói: “Cách đây hơn 20 năm, mọi người rất thân thiện, ít khách du lịch nhưng mọi người đến với Sa Pa vì tình yêu Sa Pa, yêu con người bản địa ở đây. Bây giờ chủ yếu người ta đi check-in hoặc đi du lịch chứ thật sự họ chưa hiểu được văn hóa hoặc chỉ muốn đến Sa Pa một lần thôi, tình yêu đối với Sa Pa cũng ít hơn ngày xưa. Tuy nhiên, em mong muốn tạo được một thế hệ làm du lịch thật sự mến khách, biết quý trọng, trân trọng văn hóa của mình, cũng như giới thiệu văn hóa đó tới bạn bè quốc tế nhiều hơn”.

Tẩn Thị Su khẳng định, nếu người chồng ngoại quốc không ở lại Sa Pa thì cô cũng không bỏ quê hương mình

Khi được hỏi về người chồng ngoại quốc hiện tại, Tẩn Thị Su khẳng định, nếu chồng không ở lại nơi này thì cô cũng không bỏ quê hương mình.

“Em gặp anh ấy khi đang làm du lịch. Chồng em ít nói và không tiếp xúc với nhiều người nhưng anh ấy rất thích giúp đỡ người khác, đó là những điểm chung của em và anh ấy. Em nghĩ Sa Pa cần một người như em. Bản thân em thật ra không có nhiều cơ hội để đi mọi nơi nhưng em rất yêu quê hương của mình, yêu bản sắc văn hóa dân tộc của mình và em cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé gìn giữ và lưu truyền bản sắc ấy”, đó là những lời tâm sự tận đáy lòng của cô gái 8x luôn trăn trở với việc giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương mình, khi Sa Pa mỗi ngày lại phát triển nhanh hơn, nguy cơ mai một bản sắc truyền thống nhiều hơn.

Xem clip chia sẻ của Tẩn Thị Su:

Bài sau: “Hãy đặt tình thương, lòng trắc ẩn đúng chỗ”

Tờ Daily Mail tháng 11/2016 khi đăng tải bài viết với tựa đề “Bùng nổ du lịch đe dọa nóc nhà Đông Dương của Việt Nam” đã dẫn lời của một hướng dẫn viên du lịch người Mông Đen - chị Giang Thị Lang: “Nếu xây dựng nhiều hơn, chúng tôi sẽ dần mất Sa Pa, trong khi chúng tôi lại không có thêm núi”.

Dẫn chứng cho điều này, Daily Mail đưa ra một vài số liệu cụ thể. Tại thị trấn Sa Pa, số phòng nghỉ tăng từ 2.500 (năm 2010) lên 4.000 phòng (2015).

Không ai có thể phủ nhận sự bùng nổ khách du lịch mang lại cơ hội để phát triển các điều kiện thiết yếu về điện đường trường trạm với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên “sự phát triển không bền vững và có chiến lược cụ thể ở Sa pa chẳng khác gì tự bắn vào chân mình” - theo nhận xét của ông Hubert de Murad, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge. Ông Hubert de Murad lo ngại các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt để thu hút càng nhiều du khách càng tốt chứ chưa tính tới tương lai lâu dài cho du lịch Sa Pa và nhấn mạnh rằng, cần thận trọng hơn trong việc phát triển du lịch đại trà ở Sa pa nhằm tránh những sai lầm đáng tiếc.

Năm 2016, lượng khách du lịch đến Sa Pa là 1 triệu lượt, tăng 35% so với năm trước đó. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2016 đạt trên 2.500 tỷ đồng.

Năm 2017, Sa Pa đón 2,5 triệu lượt khách. Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch như hiện nay, dự kiến lượng khách vào năm 2020 là khoảng 4 triệu lượt, đến 2030 là trên 8 triệu lượt. Đây là áp lực lớn đối với hạ tầng của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa.

Dự kiến năm 2018 đón 4,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, doanh thu từ du lịch đạt 12.000 tỷ tăng gấp 2,7 lần so với năm 2015.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Lào Cai

Bài, ảnh: Kiều Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/sa-pa-thoi-tang-truong-nong-mat-van-hoa-la-cai-mat-dau-long-nhat-post51316.html