Sa Pa thời 'tăng trưởng nóng': 'Cháu không sợ lạnh, chỉ sợ đói thôi!'

So với khoảng 10 năm trước, Sa Pa (Lào Cai) hiện nay đã thay đổi nhiều. Nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên như nấm. Có thời điểm Sa pa như 'đại công trường' với những công trình hối hả thi công. Song, phía sau sự hiện đại của một Sa Pa 'tăng trưởng nóng' là những câu chuyện đời xót xa và nhiều nỗi lo.

“Bác mua cho cháu/cô mua cho cháu đi! Cháu chưa bán được gì từ tối...”, tiếng của cô bé nhỏ dần khi thấy mấy người khách du lịch bước qua không dừng lại. Trên lưng là cậu bé đầu trần đang ngặt nghẽo mút tay khóc đòi ăn. Cô bé địu em lê những bước mệt mỏi đi về phía Nhà thờ đá, rồi lại vòng ra phía hồ dưới cái lạnh buốt của đêm Sa Pa. Những món đồ nhỏ nhưng nặng trĩu trên tay và lưng thì oằn xuống bởi sức nặng của đứa bé địu trên lưng. Đêm đã khuya mà hai chị em chưa có gì bỏ vào bụng.

Tối nào hai chị em Mẩy cũng đi hàng nghìn bước chân chạy theo khách du lịch để bán hàng

Cô bé ấy tên Mẩy, người dân tộc Mông, tuy mới 11 tuổi nhưng đã làm nghề bán hàng rong ở mảnh đất mù sương này được ngót 2 năm. Điều kỳ lạ là gần 1 năm nay, ngoài công việc đan túi, làm đồ lưu niệm để bán cho khách du lịch, Mẩy còn kiêm thêm công việc của một “người mẹ nhí”, khi cô bé phải địu trên lưng đứa em trai từ lúc nó mới được... 4 tháng tuổi.

Theo chân Mẩy trong cái lạnh và mưa phùn lất phất, trong bóng tối chập chờn của ánh đèn đường xiên qua làn mây ẩm ướt, tôi thấy đôi gò má rám nắng nhem nhuốc của em tím lại.

Xem clip cô bé Mẩy địu em đi bán hàng rong trong đêm:

“Em có sợ lạnh không?”, tôi hỏi. “Không sợ lạnh, chỉ sợ đói thôi”. Trò chuyện với tôi bằng thái độ dè dặt, nhát gừng, Mẩy kể em đã quen với cái lạnh, bởi tuổi thơ của em là những đêm buốt lạnh, dầm mình trong màn sương đặc quánh trên những triền núi cao.

Sinh ra ở một ngọn núi vùng Lao Chải (Lào Cai), Mẩy sống trong căn chòi trên nương rẫy cùng bố mẹ và 4 đứa em nheo nhóc. Cũng như những đứa trẻ vùng sơn cước này, Mẩy phải đi bán hàng cho khách du lịch Sa pa để kiếm tiền mua thức ăn, đi học, nuôi gia đình. Gánh nặng như đè trên đôi vai gầy của cô bé lớp 6.

“Hàng ngày, tầm 2 giờ chiều, khi em học xong ở trường thì bố đến đón và đưa xuống Sapa, vừa địu em vừa bán hàng tới 11 giờ đêm. Bán hàng đến khi không còn khách nữa thì hai chị em ngủ lại trên vỉa hè ở chân núi Hàm Rồng cùng các bạn bán hàng rong. Sáng hôm sau, Mỷ thức dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ qua nhà để em lại rồi mới lại đến trường đi học. Trước đây chỉ có mình em còn đỡ, nhưng từ khi mẹ sinh em trai, em phải mang em trai theo và cho nó ăn”, Mẩy tâm sự bằng giọng nói thản nhiên như thể câu chuyện cực nhọc ấy là của một ai khác.

Hôm nay, có mẹ cùng đi bán hàng nên chắc chắn hai chị em Mẩy sẽ không phải nhịn ăn dù “ế” hàng

Nhìn đứa trẻ 8 tháng tuổi ngằn ngặt trên vai Mẩy, tôi cảm thấy nghẹn đắng nơi cổ. Mẩy mới 11 tuổi mà đã địu em trên lưng nửa năm, cô bé vừa phải bươn chải kiếm tiền vừa phải làm một người mẹ. Mẩy đã làm thế nào để vượt qua được những ngày đêm với đứa em trai bé bỏng trong cái đói, cái khát, cái lạnh của vùng núi khắc nghiệt này?

Vất vả là thế nhưng thu nhập mỗi ngày bán hàng của Mẩy cũng được vài chục nghìn đồng, có hôm được nhiều hơn nhưng khá bấp bênh vì phụ thuộc vào lượng khách đến Sa pa. Mẩy bảo, thường thì em lấy tiền bán hàng mua cháo cho đứa em nhỏ ăn. Nhưng khi được hỏi nếu không bán được thì làm thế nào, em sẽ ăn gì? Mẩy chỉ lặng im không nói.

Nhớ lại câu nói của Mẩy ban nãy, tôi không khỏi quặn lòng: “Không sợ lạnh, chỉ sợ đói thôi”. Tôi chợt liên tưởng đến những đứa trẻ thành phố, cảm thấy cuộc đời của Mẩy như chỉ là một câu chuyện hư cấu về sự nghèo khổ. Nhưng không, Mẩy vẫn ở đây, ngay trước mặt tôi với khuôn mặt cháy nắng, lem nhem và đôi mắt rực sáng, khát khao như thách thức với những khó khăn của cuộc mưu sinh.

Số tiền có được mỗi ngày, Mẩy đều đưa cho mẹ để mua vải và hạt nhựa, rồi em lại khâu túi, làm vòng đem bán. Mỗi ngày Mẩy làm được 4 -5 chiếc và bán với giá 20 ngàn đồng/chiếc, thế nhưng vẫn có khách mặc cả trả thấp hơn, lúc ế hàng em vẫn phải bán rẻ.

Khi mưa gió, 2 chị em lại trú tạm dưới Nhà thờ hay trong chợ, tạnh mưa thì ra bán tiếp. Nhiều lúc địu em đi mỏi chân từ chiều đến đêm cũng chẳng bán được gì, hai chị em nhịn đói tới khuya rồi tính toán mãi, Mẩy mới dám bỏ tiền mua cháo trắng cho 2 chị em. Thỉnh thoảng cuối tuần, mẹ sẽ đi bán hàng cùng với 2 chị em Mẩy. “Có mẹ thì sẽ được ăn, dù không bán được hàng”, Mẩy hào hứng khoe.

Mẩy thật thà kể, thường ngày ăn cơm ở nhà thì chỉ có rau do nhà trồng được trên rẫy chứ không có thịt. Nếu tối bán được nhiều hàng, Mẩy sẽ mua ít thịt ở chợ về để mẹ nấu ăn. Còn những hôm hàng bị ế, cả nhà sẽ ăn cơm chan với nước suối.

Hơn 11h đêm, Mẩy cùng các bạn về nằm ngủ nhờ trước các quán hàng ở chân núi Hàm Rồng

Nhiều hôm không có tiền mang về cũng bị mẹ mắng nên Mẩy rất buồn và khóc, vì thế cô bé lại càng phải cố bán hàng để có tiền đưa cho mẹ nuôi em. Nhìn khuôn mặt Mẩy đăm chiêu trong màn sương mà xót xa.

***

Không chỉ có Mẩy, nhiều đứa trẻ ở mảnh đất du lịch được ca ngợi này cũng trong hoàn cảnh tương tự, hàng ngày lê những bước chân trần qua những con phố Sa pa, trên lưng chúng là những đứa bé mới vài tháng tuổi cùng dầm mưa dãi nắng và ngủ đêm trên những vỉa hè lạnh lẽo khi màn sương buông trên những khuôn mặt già trước tuổi.

Có hàng trăm đứa trẻ như Mẩy bán hàng mỗi tối ở Sa Pa

“Vài năm nữa nó cũng đi lấy chồng sớm thôi”, mẹ của Mẩy nói thế! Câu nói buông nhẹ nhàng như những hạt sương rơi ở xứ sở sương mù này nhưng lại làm ướt đẫm tim người nghe. Rồi Mẩy sẽ đi lấy chồng, rồi sẽ lại sinh con đẻ cái trên nương rẫy và có thể một số sẽ trải qua cảnh sống như của Mẩy bây giờ...

Bài sau: “Mất văn hóa là cái mất đau lòng nhất”

Theo thông tin từ Hội LHPN Việt Nam, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục diễn ra. Tính từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2018, có 221 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1 cặp cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn xảy ra tại 8/9 huyện, thành phố, 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người dân tộc Mông.

Ngày 6/12/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai để đánh giá, cho ý kiến về đề xuất thành lập thành phố Sa pa gắn với Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Cái cuối cùng phải giải quyết được vấn đề người dân. Anh chuyển đổi tức là anh phải nâng cao mức sống của người dân địa phương lên, chứ không phải chuyển đổi để người ta bần cùng hóa, thiếu việc làm hoặc mất đi tính văn hóa của người địa phương thì Sa Pa cũng không còn nữa”.

Bài, ảnh: Kiều Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/sa-pa-thoi-tang-truong-nong-chau-khong-so-lanh-chi-so-doi-thoi-post51252.html