Sa Pa ngập sắc đào phai ngày Tết

Tết ở Sa Pa vui. Thị trấn vẫn đông đúc nhộn nhịp hàng quán người xe như ngày thường. Khắp nơi ngập trong sắc đào phai.Hồi đầu xuân Kỷ Mão (1999), tôi và mấy người bạn đáp tàu đêm đi Lào Cai, rồi từ ga Lào Cai lên ô tô đến Sa Pa. Bận ấy đi tàu ghế ngồi. Tiết trời đêm mùa xuân rét cắt da cắt thịt, ghế gỗ cứng và lạnh. Chúng tôi gần như thức trắng đêm. Tang tảng sáng, tàu vào ga, chúng tôi kéo lê túi hành lý lên một chiếc ô tô để lên núi. Bụng đói lả và cảm nhận đầu tiên về thị trấn sương mù là cái lạnh như cầm nắm được.

Người, xe đi trong mờ mờ ảo ảo trắng trời

11 năm sau, tôi cũng lên tàu đêm đi Lào Cai vào mùng 2 Tết, nhưng lần này là trên chuyến tàu Express Victoria giường nằm chăn ấm nệm êm. Từ Lào Cai, xe “bò” chậm chạp trên những triền dốc quanh co chìm lỉm trong sương mù để leo lên thị trấn Sa Pa.

Dường như lái xe điều khiển vô lăng bằng… cảm giác chứ không phải thị giác. Người, xe cứ thế mà đi trong mờ mờ ảo ảo trắng trời, đoạn nào sương hơi tan loãng mới nhìn ra đáy vực sâu ngút phát rùng mình. Nhưng sương mù cũng là một đặc sản của Sa Pa.

Từ khu vực nhà thờ đi xuôi xuống dốc, thấy chợ Sa Pa vẫn nguyên như hơn 10 năm về trước, vẫn những cô gái Dao đỏ rực đứng chen chúc cùng các chàng trai người Mông quần áo đen chàm, dưới chợ vẫn bán hoa bất tử tươi và những mẹt su su, ngồng cải biết chắc luộc lên sẽ ngọt lịm.

Nhưng ngoài chợ ấy ra, cảnh sắc và không khí đã thay đổi nhiều. Các nhà hàng, quán bar, những cửa hàng bán đồ lưu niệm và khách sạn mọc lên, thiết kế rõ Tây. Có đoạn tưởng chừng đang đứng giữa một thị trấn ở châu Âu nếu không thấy những bộ quần áo chàm qua lại rao bán các món đồ thổ cẩm, từ một bãi cát hoang sơ (tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại là Sa Pả (bãi cát).

Trên nền đất của thị trấn Sa Pa sầm uất bây giờ, trước chỉ là một bãi cát để dân bản địa họp chợ), giờ vô khối người bỏ tiền đầu tư vào các hạng mục thu hút khách du lịch. Đầu tiên là những cửa hàng lưu niệm bán các sản phẩm làm bằng lụa và thổ cẩm với mức giá từ bình dân đến “cắt cổ”. Các quán bar thiết kế theo phong cách miền Tây nước Mỹ, nhìn từ ngoài giá rét qua cửa kính thấy trên chiếc ghế cao ngất ngưởng, những cô gái người Mông còn mặc nguyên váy và mũ đội đầu thổ cẩm ngửa cổ tu cạn bình rượu Tây.

Tết ở Sa Pa vui. Thị trấn vẫn đông đúc nhộn nhịp hàng quán người xe như ngày thường. Khắp nơi ngập trong sắc đào phai. Cành đào thế đánh gốc từ Nhật Tân về ở nhà vẫn quý hóa, mang lên đây thì thấy phát ngượng. Sa Pa thừa đào.

Chẳng cần đức cao vọng trọng, dân thường cũng có thể sở hữu một cành đào khủng nguyên gốc đánh từ trên núi, to chình ình hết cả gian khách. Trên những con đường phủ sương, trai gái bản tụ tập, vừa đi chơi, vừa buôn bán. Cảnh tượng những người dân bản địa mặc quần áo tua rua lúc lỉu với chiếc gùi sau lưng đi bộ kìn kìn qua những dãy phố Tây san sát quán bar, biệt thự là những hình ảnh độc nhất vô nhị chỉ có ở nơi này.

Thảng hoặc người ta lại bắt gặp vài chàng trai người Mông thổi khèn trong vũ điệu rất đặc trưng trước cửa nhà thờ. Trong quán bar, những thanh niên tóc vàng ngồi hút shisha tỏa mù mịt khói thơm trộn lẫn âm thanh ngàn ngạt của Funk Rock bịt kít giữa bốn bức tường đá. Và tôi thì ngồi trước chiếc bàn phủ khăn trải kẻ caro đỏ trong một nhà hàng xế bên nhà thờ, chờ đợi món súp kem bí đỏ và gà tây quay được mang ra thay cho bánh chưng, canh măng ngày Tết.

Tận hưởng cảnh quan tuyệt đẹp

Sa Pa có khá nhiều điểm đi lại như thác Bạc, cầu Mây, cổng Trời. Gần có bản Cát Cát, vườn hoa Hàm Rồng, xa hơn chút nữa, nằm về phía Tây Nam có đỉnh Fansipan là một tour du lịch mạo hiểm mà không mấy ai dám khám phá vào thời tiết này. Với khí hậu tự nhiên như châu Âu, ngoài lợi thế nuôi cá hồi (loài cá chỉ sống được ở những vùng biển đóng băng), thì người Sa Pa còn trồng được cả một vườn lan vô cùng đắt giá. Ngày xưa đường lên cổng Trời vắng tanh heo hút với vài đứa trẻ người Mông phong phanh trong lớp áo chàm mỏng lang thang theo khách làm vui, giờ đông đúc người, đông đúc dịch vụ chụp ảnh, đồ lưu niệm, tắm lá thuốc, massage chân, cho thuê quần áo dân tộc Mông, Dao, Sa Phó để ghi hình…

Leo lên đỉnh Hàm Rồng để ngắm 400 loài hoa lan, người ta còn được tận hưởng cảnh quan tuyệt đẹp của những cánh rừng thông, rừng samu, rừng đào, lê, mận… chen lẫn giữa sương mù và băng tuyết. Chỉ riêng cái lạnh thôi cũng lại là một “đặc sản” nữa của thị trấn sầm uất nhưng vô cùng lãng mạn này. Nhà văn Đặng Thiều Quang không biết trọ lại Sa Pa được bao ngày mà đã ra đời được cuốn tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi”. Mùa đông, nhiệt độ âm của Sa Pa lôi kéo nhiều lữ khách thị thành lên đây chờ ngắm băng tuyết. Người chưa có cơ hội được ngắm tuyết trời Âu bao giờ thì nhìn tuyết Sa Pa ắt cũng hình dung ra được. Nhiều nhiếp ảnh gia áo tơi áo kép, ăn chực nằm chờ rồi cũng chớp được mấy bức ảnh độc đặc tả những cành cây khẳng khiu đóng băng vào buổi sớm, lấp lánh và huyền ảo đến nao lòng.

Thực không may cho tôi, cả hai lần lên Sa Pa, nắng chẳng có, tuyết cũng không. Chỉ còn mỗi cái lạnh thấu vào tận trong xương. Giá rét nơi đô thị sẽ được xua đi tức thì nếu ta vội vã chui vào bốn bức tường ấm cúng sực hơi bếp. Lạnh nữa thì chui vào chăn mà ủ. Nhưng rét nơi này thật kinh hoàng. Ngồi trong sảnh thấy vẫn thênh thênh như đang chơ vơ giữa hẻm núi. Vào tận phòng, đóng cửa lại, đắp chăn lên người vẫn nghe sương giá từ đâu mò vào lẩn quất tận kẽ răng. Không lò sưởi thì nửa tiếng sau giường nệm còn lạnh như nước đá. Hơi ấm dần dần bị những ngọn núi quanh năm mây phủ rút kiệt khỏi cơ thể rồi thổi tan biến vào trong giá rét. Vì thế khách sạn “không sao” ở Sa Pa cũng phải được trang bị lò sưởi. Những ngôi nhà dưới bản Cát Cát không có lò sưởi điện thì đốt lò củi suốt cả mùa đông. Người Mông quanh năm tay “nhuốm chàm” vì bị thôi ra từ những bộ quần áo nhuộm bằng chất liệu truyền thống từ hàng bao thế kỷ, giờ còn bị ướp thêm khói củi và muội than thành ra lúc nào cũng đen nhẻm như bồ hóng.

Đậm đà hương vị núi rừng

Đường xuống bản Cát Cát cách đây một thập kỷ còn hoang sơ mấy nếp nhà tranh tồi tàn, giờ đầu dốc san sát những quán cà phê thơ mộng. Quán dựng trên vách núi. Bên ngoài khung kính chỉ còn là một không gian mờ ảo. Đôi tình nhân có thể ngồi bên cửa sổ mà ngắm mây bay, sương tràn trong mùi cà phê Espresso ngào ngạt và những bản nhạc jazz cũ kỹ của Ray Brown, tưởng đâu quên mất tấm kính ngăn cách, ngỡ như đang bồng bềnh giữa sương mù. Bản Cát Cát là nơi quần tụ sinh sống của người Mông, đã từ lâu biến thành điểm du lịch không thể thiếu trong lịch trình lưu lại Sa Pa. Nhiều ngôi nhà trong bản cũng mở ra hình thức kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm mà phổ biến nhất vẫn là khăn quàng, vỏ gối và túi đeo. Ai vào những ngôi nhà ấy tham quan chẳng nỡ từ chối mua vài món đồ giá rẻ từ bà cụ chủ nhà người Mông phúc hậu, chân tay mặt mũi lúc nào cũng nhôm nhem chàm và bồ hóng.

Dưới chân núi Hàm Rồng, thẳng hướng dẫn lên nhà thờ đá có một cái chợ trời rất thú vị. Ấy là những gian bán đồ nướng quây tạm lúc nào cũng nghi ngút khói bốc lên từ những vỉ than củi. Trời rét cắt da cắt thịt như thế mà ngồi thu lu trong chợ đồ nướng chờ đợi người bán hối hả quạt than cho chín những món ăn đã chọn thực là một hạnh phúc tột đỉnh của những người ham mê ẩm thực. Người ta bán cơm lam nướng, trứng gà nướng, hạt dẻ nướng, cá nướng, thịt lợn rừng nướng, chim rừng nướng, khoai lang nướng…

Thức gì cũng có thể nướng lên được. Gió cứ vù vù thốc xuống từ đỉnh núi, còn đây than hồng cứ hồng, sưởi ấm sực những gò má đã cóng lạnh. Đồ nướng được mang ra, xuýt xoa mà bóc mà tách, mà nhấm nháp hương vị vừa ngọt ngào, vừa đậm đà se sắt của núi rừng, có kèm thêm hũ rượu táo mèo cho ấm người nữa thì càng tốt. Thử hết một lượt các món nướng trong quán hàng thì cũng coi như xong bữa, vào nhà hàng Pháp chỉ còn biết chống mắt ngồi nhìn món súp kem nấm thơm ngậy và chú gà tây quay béo ụ.

Bữa lâu về Hà Nội, tôi lại nhìn thấy trên vỉa hè một khu chung cư sang trọng trong Làng Quốc tế Thăng Long dựng chình ình cái biển “Đồ nướng Sa Pa”. Đang phóng xe vội vàng trong giá rét, tôi phanh kít lại rồi lò dò quay đầu, tần ngần đứng trước tấm biển mà ngó vào quán hàng “không bốc khói”, riết rồi thất vọng quay đi. Người Việt mình rất khôn ngoan trong chuyện buôn bán, hay copy phiên bản đặc sản ở xứ này rinh về xứ kia, nhưng trong vụ này thường thất bại.

Tôi chưa bao giờ thấy ngon miệng khi thử phở Hà Nội, cao lầu Hội An ở Sài Gòn, hay bánh cuốn Lạng Sơn, bún cá Hải Phòng ở Hà Nội. Lần này cũng nhất định không muốn thử đồ nướng Sa Pa trên vỉa hè xi măng lộng gió của một tòa nhà cao tầng trong Làng Quốc tế. Thôi thì đành nuốt thầm nước miếng mà hoài niệm.

Ký sự của Di Li

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/sa-pa-ngap-sac-dao-phai-ngay-tet/796312.antd