Sa mạc Taklamakan, nổi tiếng là nơi có đi mà không có về

Người xưa tin rằng một khi đã vào vùng đất này thì sẽ không còn đường trở về. Từ rất xa xưa đã có nhà cửa, đền đài ở đây. Ngày nay, mọi thứ bị chôn vùi trong cát.

Sa mạc Taklamakan, còn được biết đến với cái tên “Biển Chết”, ẩn chứa trong lòng nó một những di tích cổ vô cùng độc đáo và quý giá về mặt khoa học khảo cổ và lịch sử.

Có đi không có về

Cho đến nay, các nhà khảo cổ học mới chỉ khám phá được một phần nhỏ những bí ẩn liên quan đến vùng đất hoang vu và ngập chìm trong bầu không khí huyền thoại.

Sa mạc Taklamakan, tên theo Hán tự là Tháp Khắc Lạp Mã Can, từ xa xưa đã nổi tiếng là chốn có đi không có về. “Takla makan” theo ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) có nghĩa là “cứ vào đi rồi ngươi sẽ không bao giờ trở ra”. Nó là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc với diện tích hơn 33.700 km2.

Một người dân sinh sống ở huyện Toa Xa (Yarkhand), thuộc Khu tự trị Tân Cương (Wiki)

Tuy là sa mạc, Taklamakan có ý nghĩa rất quan trọng với người dân địa phương, là vùng đất chứa đầy những điều bí ẩn và huyền sử, theo tạp chí Ancient Pages. Theo một truyền thuyết địa phương có từ xa xưa, một vị thần chứng kiến nỗi vất vả của người dân trong vùng và nghĩ rằng ông có thể giang tay cứu vớt họ bằng việc sử dụng hai bảo bối là chiếc rìu vàng và chiếc chìa khóa cũng bằng vàng.

Vị thần trao cho tộc người Kazakh chiếc rìu vàng và người Kazakh đã dùng nó xẻ đôi dãy núi Altai, dẫn nước từ trên núi về đồng ruộng.

Vị thần định trao chiếc chìa khóa vàng cho người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) để họ có thể mở cánh cửa kho báu của vùng lòng chảo Tarim, nhưng thật không may, con gái út của vị thần đã làm mất chiếc chìa khóa. Vị thần nổi giận, giam cô gái vào vùng lòng chảo Tarim và từ đó sa mạc Taklamakan hình thành.

Tất nhiên đó là huyền thoại. Nhưng có một thực tế là vùng sa mạc Taklamakan từ xa xưa đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thương Á-Âu.

Để vượt qua sa mạc rộng lớn bằng con đường ngắn nhất có thể, các thương nhân đã vạch ra hai con đường, đều men theo vành đai Taklamakan và những ốc đảo dọc đường đi đóng vai trò là các trung tâm thương mại trên Con đường Tơ lụa.

Đã từ rất lâu, với những dấu tích khảo cổ vẫn còn đến ngày nay, người ta biết rằng trong sa mạc Taklamakan tồn tại rất nhiều nhà cửa, đền đài, giữa mênh mông biển cát. Tuy nhiên, tất cả, bao gồm cả nhưng di tích cổ quí giá, đều bị cát bao trùm, và những đô thị cổ này bị lãng quên hoặc thậm chí là không còn trong suy nghĩ của dân gian. Cho mãi đến thời hiện đại, các nhà khảo cổ học dần khám phá những điều bí ẩn liên quan đến “Biển Chết”.

Và giới khoa học dần nhận thấy bên dưới lớp cát dày kia là cả một thế giới cổ xưa. Nhà cửa, đền miếu của thành cổ Loulan (Lâu Lan) dần hiện hình sau các đợt khai quật và những xác ướp có niên đại gần 4.000 năm cũng được tìm thấy ở vùng này.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người ta tìm thấy nhiều xác ướp trong tình trạng được bảo quản rất tốt, đã tồn tại ít nhất 3.000 năm tuổi, tại sa mạc Taklamakan. Các xác ướp này có những đặc điểm nhân chủng rất khác lạ: họ có tóc màu hung, cơ thể mang những đặc điểm của người châu Âu. Và có thể chắc chắn một điều: họ không thể là tổ tiên của người Trung Quốc hiện đại.

Nhiều xác ướp như thế này đã được tìm thấy trong sa mạc Taklamakan

Khuôn mặt một xác ướp được tìm thấy, mang nhiều nét của người châu Âu

Hơn nữa, nhiều chuyên gia khảo cổ học tin rằng các xác ướp này từng là thành viên của một nền văn minh cổ tồn tại tại những giao lộ trên con đường nối Trung Quốc và châu Âu.

Mặc dù điều này xem ra có vẻ rất logic, nếu chiếu theo sự hình thành và phát triển của Con đường Tơ lụa, các nhà khảo cổ học vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để giải mã nhiều điều bí ẩn, nhiều câu hỏi chưa thể trả lời liên quan tới một thế giới cổ xưa bên dưới lớp cát của sa mạc Taklamakan.

“Vương quốc Lâu Lan”

Hãy quay trở lại thời điểm hình thành Con đường Tơ lụa. Trong số các loại hàng hóa giao dịch, có lẽ lụa là sản phẩm đáng kể nhất của Trung Quốc đối với người châu Âu. Năm 1896, nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Hedin phát hiện ra một điều gây ngạc nhiên tại thị trấn ốc đảo Dandan Oilik, ở vùng trung tâm của sa mạc Taklamakan.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân nhật báo, Trương Vũ Trung, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Tân Cương nói: “Ngày xưa, các chuyên gia ở Trung Quốc và cả quốc tế đều tin rằng không có dấu hiệu của con người trong sa mạc Taklamakan”. Nhưng Sven Hedin đã tìm thấy nhiều tàn tích của nhà cửa. Và rồi Aurel Stein, một nhà thám hiểm khác, đi đầu trong các khám phá liên quan đến Con đường Tơ lụa, đã thực hiện một chuyến điền dã trong hai tuần và tìm thấy thêm dấu tích của 18 ngôi nhà và một số đền thờ. Ông cũng tìm thấy các tài liệu từ thời Đường và Hán.

Năm 1900, Hedin lại tới Taklamakan. Lần này ông tìm thấy phần phế tích của thành cổ Lâu Lan, chìm trong lớp cát dày.

Trương Vũ Trung nói: “Thành cổ Lâu Lan là kinh đô của vương quốc Lâu Lan, có từ trước khi thị trấn Dandan Oilik hình thành. Hai phát hiện khảo cổ học này, thành cổ Lâu Lan và thị trấn Dandan Oilik là những sự kiện khảo cổ quan trọng của vùng Tân Cương”.

Năm 1910, một thợ săn địa phương tìm thấy một ngôi mộ cổ gần một con suối, cách khu vực thành cổ Lâu Lan 175km. Người ta sử dụng hơn 100 cột gỗ dựng đứng để xây dựng ngôi mộ trong một đụn cát và đây được coi là một trong những bí ẩn kỳ thú của vùng đất này. Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1979, một xác ướp phụ nữ có niên đại gần 4.000 năm được tìm thấy gần Lâu Lan. Người ta đặt tên cho xác ướp này là “Người đẹp Lâu Lan”.

Năm 2003, khai quật khu mộ cổ bên suối, các nhà khảo cổ lại tìm thấy một xác ướp phụ nữ cũng với niên đại 4.000 năm. Xác ướp có những nét thanh tú trên khuôn mặt, lông mi rậm, môi mỉm cười.

Họ là ai? Từ đâu tới? Có liên hệ gì với châu Âu hay không? Tất cả cho tới nay vẫn nằm trong màn bí ẩn bởi chưa có đủ bằng chứng để kết luận điều gì về một nền văn minh nơi hoang mạc Taklamakan.

Hình ảnh người đẹp Lâu Lan được các nghệ sỹ phục dựng

NGUYỄN XUÂN THỦY (Kiến thức gia đình số 36)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sa-mac-taklamakan-noi-tieng-la-noi-co-di-ma-khong-co-ve-post225414.html