Sa Huỳnh 'nóng rẫy' vì… chị em

Vụ việc người dân ở cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) chặn đường Công ty xử lý rác MD từ ngày 29.7 đến nay khiến rác ùn ứ khắp nơi. Bà con nhất định đòi Công ty này đi nơi khác, dù chính quyền đã giải thích hết lời.

Những ý kiến của chị em được số đông phụ nữ vỗ tay hoan hô... một cách cảm tính

Cửa biển Sa Huỳnh nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, gần giáp ranh với tỉnh Bình Định. Đang vào ngày mùa lưới, nên phần lớn đàn ông làng chài đều đi biển và việc nhà, đối nội, đối ngoại đều nằm trong tay chị em phụ nữ. Làng chài âm ỉ câu chuyện nhà máy rác MD xây dựng trên khe núi sẽ gây ô nhiễm. Khoảng 20 cụ già độ tuổi từ 60 đến 80 dựng lều giữa con đường lên nhà máy giữa lúc trời nắng như đổ lửa. Một dãy lều dựng phía bên kia trục đường đối diện và mỗi khi có thông tin xe rác thì hầu hết tiểu thương kinh doanh ở chợ Sa Huỳnh bỏ hàng quán, kéo lên đường, hình thành một đám đông rất nhanh.

100 hay 50?

Một chị phụ nữ gặp tôi với vẻ hồi hộp, lo lắng: “Nghe nói nay mai nhà máy đưa 100 tấn rác nữa về xử lý hả em”. Tôi giật mình và nhủ thầm, đúng là “nghe đầu ra đuôi”. Câu chuyện 100 bắt nguồn từ buổi tiếp xúc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng với bà con tại hội trường vào sáng 15.8 vừa qua. Chiếm khoảng 90% phụ nữ tham gia đối thoại. Ý kiến của chị em nhất định đòi chuyển nhà máy đi chỗ khác, hoặc nhà máy chỉ nên xử lý rác của một xã. Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT phát biểu: “Tỉnh rất khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư vì các doanh nghiệp ra điều kiện là được tiếp nhận xử lý 100 ngàn khối rác/ngày đêm thì họ mới bỏ tiền xây nhà máy tại địa bàn, trong khi nhà máy MD thì chỉ xử lý 25 tấn rác/ngày, đêm”.

Khi nghe ông Hải nhắc đến từ 100 ngàn thì đám đông phụ nữ lại tiếp tục la ó. Bên ngoài hội trường, một số phụ nữ nghe không rõ và đã nhắc lại rằng, “Sa Huỳnh cho nhà máy mỗi ngày chở 100 ngàn khối rác về địa phương!”. Vậy là mọi thứ trở nên không có đầu đuôi và cụm từ 100 được lan khắp xóm thành 100 tấn rác chở về Sa Huỳnh.

Chị em nghe chị em

Suốt buổi đối thoại có 12 ý kiến của người dân. Phụ nữ thường đưa ra ý kiến lặp lại hoặc cắt ngang những lập luận từ phía chính quyền. Còn một số người dân là đàn ông thì đưa ra ý kiến rõ ràng, đề nghị xem lại khoảng cách nhà máy, nhà máy nên xử lý hết đống rác tồn của người dân Sa Huỳnh bỏ lại từ 13 năm trước, vì đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn dịch bệnh.

Buổi đối thoại có lúc trở nên khá hài hước vì phụ nữ mượn đám đông để la ó và nhất định đòi theo ý kiến cảm tính, không nắm rõ pháp luật. Ví dụ như cứ đòi mỗi xã một nhà máy rác, để người dân tự xử lý và đốt hơn 22.000 mét khối rác. Chị em cũng không hiểu hết ý nghĩa “chia sẻ” mà chính quyền giải thích, ví dụ như nhà máy rác Lilama E.M.E ở xã Bình Nguyên xử lý rác của cả huyện Bình Sơn và khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi, vì đây là nơi tạo ra 90% ngân sách cho tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương khác hoạt động. Còn ở Sa Huỳnh thì cũng chia sẻ với huyện Đức Phổ, nếu nhà máy rác vi phạm thì sẽ bị cấm hoạt động.

Ông Nguyễn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ hạ thấp giọng, nói rất nhẹ nhàng về nỗi lo lắng với đống rác hơn 22.000 mét khối của người dân Sa Huỳnh trút trên khe núi và giờ phải xin công ty MD xử lý. Chị em tiếp tục cắt ngang lời và la ó, phản đối khi nghe vị Phó chủ tịch này nhắc cụm từ “nhà máy là nơi tiếp nhận xử lý rác của địa bàn huyện Đức Phổ”. Còn cụm từ quan trọng nhất mà chị em không hề đặt câu hỏi và không nghe, đó là để xử lý hết đống rác của nợ của người dân thì Nhà nước phải è cổ ra gánh chịu số tiền khoảng 10 tỉ đồng. Nhà nước lo cho dân, nhưng khi từ “lo” được nói ra thì bị đám đông ồn ào che khuất.

VĂN CHƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/9984/sa-huynh-%E2%80%9Cnong-ray%E2%80%9D-vi%E2%80%A6-chi-em