Sa đà 'chuyện trên trời'!

Mới đây, liên quan đến việc Facebook mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2019 – 2022 (EPL) tại Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á, mở ra khả năng người Việt được xem miễn phí giải thể thao này, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ cần có các công cụ quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Trong vụ việc này, VnPayTV không hài lòng với Facebook là điều đương nhiên. Bởi nếu Facebook phát trên mạng xã hội, không còn cách ngăn biên giới, đương nhiên nhiều người sẽ chọn lựa xem bóng đá không phải trả tiền. Miếng bánh của các nhà đài truyền hình truyền thống vì thế sẽ nhỏ lại.

Trên thực tế, tại Việt Nam thời gian qua, sự thâm nhập và mức độ sử dụng các dịch vụ số rất sôi động. Điển hình như Gmail, Yahoo Mail, Hotmail hay Outlookmail... giúp người dùng làm việc và kết nối; Skype, Viber, Whatsapp, Zalo, Messenger đóng góp một phương tiện liên lạc hiệu quả. Linkedin, Freelance.com... biến thị trường lao động từng quốc gia dần trở thành thị trường lao động toàn cầu... Những xung đột lợi ích cũng vì thế mà hình thành. Điển hình trong câu chuyện xung đột này chính là trường hợp của Uber, Grab với các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam suốt thời gian qua.

Thời gian gần đây, từ Trung ương tới địa phương, câu chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0 được đề cập, bàn thảo tới khá nhiều. Không ít hội nghị, hội thảo mở ra, không ít ý kiến bày tỏ quan điểm về cơ hội, thách thức của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp này. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, nhiều ý kiến trong những ồn ào luận bàn ấy dường như vẫn đề cập tới "chuyện trên trời", có phần vĩ mô, thậm chí viển vông. Trong khi đó, các nội dung cụ thể, sát sườn, gắn với "cơm, áo, gạo tiền", hồi đáp sự âu lo, quan tâm của không ít bộ phận DN, người dân, điển hình như câu chuyện VnPayTV yêu cầu "cấm cửa" phát sóng bóng đá trên Facebook chưa có câu trả lời cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước hay câu chuyện về quản lý Grab, về Facebook, về Youtube... lại thiếu vắng.

Rõ ràng, thay vì có phần quá sa đà "chuyện trên trời", đã đến lúc Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá cụ thể để kịp thời đưa ra điều chỉnh khung pháp lý cho nền kinh tế số- kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo sự phù hợp, hài hòa, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sa-da-chuyen-tren-troi.aspx