Khởi nghiệp ĐMST logistics: Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để cạnh tranh

Các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ.

Trong khuôn khổ “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) Việt Nam 2019”, diễn ra từ 4-6/12, tại Quảng Ninh, các hội thảo về thương mại, logictic, nền tảng số đã được diễn ra.

 "Kết nối nguồn nhân lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics"

"Kết nối nguồn nhân lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics"

Chia sẻ tại tọa đàm "Kết nối nguồn nhân lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics", ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định chi phí dịch vụ của logistics Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ.

Ngoài ra, các đại biểu đều nhìn nhận chung, Việt Nam có 53% dân số sử dụng internet, gần 50 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ thời gian tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Trước đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định rằng thương mại điện tử và logistics là lĩnh vực mà các tập đoàn lớn cũng như các bạn trẻ rất quan tâm. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, những nhà hỗ trợ khởi nghiệp sẽ chia sẻ, trao đổi và gợi mở cho các nhà làm chính sách những đề xuất với chính phủ về các quy chế, quy định, thí điểm để mở đường cho trí tuệ, sức sáng tạo cho các bạn trẻ khởi nghiệp của Việt Nam phát triển.

Cũng bình luận về vấn đề này, ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc quỹ Vina Capital cũng bày tỏ nhận định, vấn đề vốn nằm ở doanh nghiệp nhiều hơn, đòi hỏi startup thể hiện những ý tưởng sáng tạo, Về phần quỹ, quỹ luôn mong muốn tìm cơ hội đầu tư phù hợp và rộng mở đầu tư.

Techfest Việt Nam 2019 được tổ chức tại thành phố Hạ Long từ ngày 4-6/12 thu hút khoảng 6.000 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 300 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 300 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chuyên gia đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2019 còn có các buổi tọa đàm về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 - Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát huy lợi thế; Cơ hội và thách thức cho khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số… thu hút đông đảo diễn giả, doanh nghiệp, sinh viên tham dự. Ngoài ra, tại Techfest 2019 còn có hoạt động triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới của các Làng khởi nghiệp; Lễ tôn vinh tài năng khởi nghiệp sáng tạo Techfest 2019.

Để mọi nguồn lực được “hội tụ” về Techfest quốc gia năm 2019, Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện Techfest tại 4 vùng kinh tế trọng điểm như: Vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc; vùng ĐBSCL; vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ KH&CN đã tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore trong tháng 11 vừa qua.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/khoi-nghiep-dmst-logistics-can-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-canh-tranh-d166655.html