Bóc trần thủ đoạn giả mạo hàng Việt của một doanh nghiệp vốn đầu tư Trung Quốc

Mới được cấp phép đầu tư vào Việt Nam từ cuối năm 2018, một doanh nghiệp vốn đầu tư Trung Quốc đã làm 'phi vụ' xuất khẩu hàng trăm chiếc xe đạp giả mạo xuất xứ Việt Nam và vừa bị cơ quan Hải quan ngăn chặn kịp thời.

Xe đạp xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam bị lực lượng Hải quan Bình Dương phát hiện, ngăn chặn. Ảnh: T.D.

Xe đạp xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam bị lực lượng Hải quan Bình Dương phát hiện, ngăn chặn. Ảnh: T.D.

Hơn 300 chiếc xe đạp giả mạo xuất xứ

Cục Hải quan Bình Dương vừa phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan kiểm tra, ngăn chặn kịp thời một lô hàng xe đạp Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ. Lô hàng này gồm 313 chiếc xe đạp với trị giá trên 26.000 USD, tương đương khoảng 603 triệu đồng do Công ty TNHH xe đạp E. mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là xe đạp thực hiện lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc. Tờ khai được hệ thống phân luồng Vàng. Tuy nhiên, qua thông tin nắm được từ Đoàn kiểm tra Cục Kiểm tra sau thông quan tại Quyết định số 738/QĐ-KTSTQ của Cục trưởng cục KTSTQ về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần đã thiết lập tiêu chí chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa. Qua soi chiếu và kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói sản phẩm cũng như trên sản phẩm xe đạp đều được ghi chữ “Made in Việt Nam”.

Được biết, Công ty E. đăng ký doanh nghiệp thực hiện 2 loại hình XNK là gia công và sản xuất xuất khẩu. Theo đó, công ty này nhập khẩu toàn bộ sản phẩm linh kiện xe đạp từ Trung Quốc. Tại Việt Nam doanh nghiệp chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn ở công đoạn cuối cùng, không phải thực hiện một công đoạn gia công nào. Với sai phạm trên, Cục Hải quan Bình Dương đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ lô hàng để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc lắp ráp xe đạp được thực hiện tại công ty E. Ảnh: T.D.

Sản phẩm lắp ráp đơn giản

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty E., có vốn đầu tư 100% từ Trung Quốc, được cấp phép đầu tư tại Bình Dương vào ngày 27/11/2018 và đi vào hoạt động sản xuất từ đầu năm 2019, với số lượng công nhân chỉ có 48 người.

Theo giải thích của Công ty E., vì mã hàng xe đạp trên khai báo tại công ty mẹ ở Trung Quốc bị đánh thuế phòng vệ 25% nên công ty quyết định mở rộng đầu tư vào khối ASEAN, trong đó có thị trường Việt Nam. Đây là giai đoạn đầu thăm dò thị trường và huấn luyện tay nghề công nhân. Theo đó, công ty nhập khẩu nguồn linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp giai đoạn cuối thành một chiếc xe đạp thành phẩm và hoàn toàn xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty có dây chuyền lắp ráp và thực tế xuất khẩu 100% nên đã xin chứng nhận 8 bộ Certificate (Giấy chứng nhận lắp ráp tại Việt Nam). Công ty cho biết thêm, do chưa nắm vững quy định của pháp luật, công ty hiểu rằng sản phẩm hoàn tất tại Việt Nam nên thực hiện việc khai báo mã số, loại hình sản xuất xuất khẩu là “Made in Việt Nam” (!?)

Có mặt tại Công ty E., qua quan sát khu vực nhà xưởng của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để thực hiện việc lắp ráp sản phẩm khá đơn giản. Theo đó, toàn bộ các linh kiện được nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về nhà máy, công nhân kỹ thuật chỉ thực hiện lắp rắp theo các công đoạn như khung sườn, bánh xe… để cho ra sản phẩm chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Đây là chỉ là khâu lắp ráp giản đơn ở giai đoạn cuối cùng và hoàn toàn không có khâu sản xuất, gia công diễn ra tại Việt Nam và làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa để được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, nhiều lô hàng gian lận xuất xứ Việt Nam đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm. Việc gian lận xuất xứ Việt Nam không những gây mất uy tín hàng Việt Nan trên thị trường quốc tế, gây mất lòng tin của người tiêu dùng mà nó còn dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị các nước khác điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng và bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường quan trọng.

Cục Hải quan Bình Dương cho biết, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương đã chỉ đạo sát sao các đơn vị tăng cường phối hợp, trao đổi chia sẻ thông tin để phục vụ công tác phân tích, xác định đúng lô hàng trọng điểm cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ, áp dụng quản lý rủi ro, phân luồng kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trong thông quan và kiểm tra sau thông quan đối với những trường hợp nghi vấn giả mạo xuất xứ...

Cũng theo Cục Hải quan Bình Dương, đơn vị đã khẩn trương ban hành Kế hoạch để triển khai hoạt động chống gian lận xuất xứ hàng hóa, đồng thời tổ chức buổi quán triệt, tập huấn nâng cao thêm kỹ năng chống gian lận xuất xứ qua công tác kiểm tra đánh giá năng lực doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu cho các công chức được phân công nhiệm vụ.

Qua buổi tập huấn, công chức Cục Hải quan Bình Dương nhận diện rõ các phương thức thủ đoạn gian lận về xuất xứ; nhận diện các nhóm đối tượng có rủi ro cao; đề ra các giải pháp tăng cường kiểm tra phát hiện gian lận, trong đó có đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất… Ngoài ra, công chức cũng đã trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về nghiệp vụ phát hiện sai phạm với các Phòng Tham mưu để kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình công tác.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/boc-tran-thu-doan-gia-mao-hang-viet-cua-mot-doanh-nghiep-von-dau-tu-trung-quoc-113899.html