Đưa văn hóa giao thông đến với người lao động

Hiện nay, trước cổng một số khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng họp chợ buôn bán tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện mỗi khi lưu thông qua khu vực này, nhất là vào khung giờ cao điểm. Điều đáng nói, cổng một số KCN đều nằm cạnh tuyến Quốc lộ có lưu lượng xe tải, xe container đi qua liên tục mỗi ngày.

“Chợ cóc”, hàng quán bủa vây

Giao thông tại các KCN là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của công nhân lao động. Vừa qua tại Hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và công nhân lao động các Khu công nghiệp và Chế xuất cho thấy, qua khảo sát từ công nhân lao động trước buổi đối thoại có 55 ý kiến, kiến nghị về giao thông trong đó tập trung vào một số kiến nghị.

Cụ thể như: Đề nghị Thành phố có các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Cụm Công nghiệp Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, khu vực Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh; có giải pháp ngăn chặn tình trạng xe tải nặng đỗ tràn lan trên tỉnh lộ 80 và đường vào KCN Thạch Thất - Quốc Oai và tình trạng ngập úng tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai; lắp đặt nhà chờ xe buýt tại KCN Phú Nghĩa phục vụ công nhân lao động thuận tiện đi lại.

Hàng quán bủa vây bên lòng đường trước cổng Công ty TNHH K + K Fashion

Hàng quán bủa vây bên lòng đường trước cổng Công ty TNHH K + K Fashion

Trước những ý kiến, kiến nghị đó khảo sát cụ thể tại một số KCN trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm chung là hầu hết các KCN được quy hoạch gần hoặc tiếp giáp với các tuyến đường lớn để thuận tiện về lưu thông hàng hóa. Việc mở cửa hướng ra mặt đường lớn vừa tạo thuận lợi, mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây va chạm và mất an toàn giao thông ngay tại cửa ngõ của các KCN.

Dạo quanh một số tuyến đường trong các KCN trong giờ cao điểm vào ca, tan ca, có thể nhận thấy nguy cơ tai nạn giao thông luôn trực chờ. Tại KCN Phú Nghĩa vào giờ tan ca, hàng nghìn công nhân ùn ùn kéo ra cổng và cùng nhau di chuyển ra tuyến đường Quốc lộ 6, một trong những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô. Lòng đường của tuyến Quốc lộ này vốn chật hẹp, không phân làn đường, cùng đó mỗi ngày tuyến đường trên có hàng trăm lượt xe khách, xe buýt, xe tải chở hàng hóa lưu thông chạy qua.

Lòng đường Quốc lộ trước cổng KCN Phú Nghĩa chật hẹp, không được phân làn nên vào giờ cao điểm thường xuyên rơi vào cảnh lộn xộn

Điều đáng lo ngại tại khu vực này, vào những giờ cao điểm khi lượng công nhân tập trung đông thì cũng là lúc chợ tự phát, người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường bắt đầu hoạt động với đầy đủ mặt hàng, từ thức ăn sáng, rau quả, thực phẩm đến quần áo, đồ gia dụng... rất lộn xộn, tạo nên cảnh nhếch nhác. Kèm theo đó là tình trạng công nhân “vô tư” dừng xe dưới lòng đường mua hàng gây ra ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Chị Lê Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH K+K Fashion cho biết, con đường này khi nào cũng đông xe qua lại, xe tải chở hàng hóa, xe khách chạy tuyến đường dài về Hòa Bình nhiều vô kể trong khi hệ thống biển báo, đèn tín hiệu hầu như không có. Bởi vậy mỗi khi di chuyển từ cổng công ty ra phía đường Quốc lộ chị phải đứng đợi rất lâu mới dám đi qua đường vì từng đoàn xe cứ nối nhau, có xe còn phóng nhanh rất nguy hiểm.

Cùng chung tâm trạng lo lắng đó, chị Nguyễn Thị Hương (công nhân KCN Phú Nghĩa) bày tỏ: Vào giờ tan ca ở khu vực quanh KCN, ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ mạnh ai nấy chen nên mỗi khi qua nút giao thông này ai cũng sợ. Nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập, chỉ cần người tham gia giao thông không chú tâm quan sát là sẽ xảy ra va chạm. Thực tế, cảnh lộn xộn ở những nút giao thông dẫn vào các nhà máy ở nơi đây đã xảy ra một số vụ va chạm nhưng không gây thiệt hại quá lớn, các bên thường tự thỏa thuận với nhau.

Nguyên nhân của một số vụ tai nạn giao thông, lỗi không chỉ đến từ việc dòng xe cộ qua lại đông đúc mà phần lớn cũng có lỗi bắt nguồn từ chính ý thức chưa tuân thủ pháp luật giao thông của một số công nhân.

Có mặt tại cây cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường được dựng ngay sát cổng vào của KCN Phú Nghĩa, theo quan sát của phóng viên cây cầu thường trong tình trạng thưa thớt người qua lại trong khi đó dưới lòng đường bên làn xe cộ đông đúc từng tốp người vẫn thờ ơ, bất chấp luồn lách băng qua đường. Thậm chí nhiều trường hợp không chấp hành đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, lượn lách lấn làn đường, rú còi inh ỏi...

Đưa an toàn giao thông về từng nhà máy, xí nghiệp

Trước thực trạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên, hầu hết công nhân tại KCN Phú Nghĩa đều bày tỏ mong muốn được cải tạo, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ để con đường được thông thoáng, rộng rãi, phân làn theo đúng quy định, được lắp hệ thống đèn tín hiệu, gờ giảm tốc độ… tạo sự an toàn cho chính công nhân cũng như tất cả các phương tiện khi lưu thông qua khu vực.

Cùng chung tình trạng giao thông nhốn nháo như tuyến đường Quốc lộ 6, dọc tuyến đại lộ Thăng Long trên tuyến đường đoạn từ Km4 đến Km20 (hướng Hà Nội đi huyện Thạch Thất) qua KCN Thạch Thất vào giờ tan ca cũng rơi vào cảnh tương tự. Nguy hiểm hơn, nơi đây còn xuất hiện những chiếc xe kẹp ba, kẹp bốn, đầu trần đi ngược chiều vô cùng nguy hiểm.

Chỉ trong một thời gian ngắn quan sát, phóng viên đã ghi nhận được hàng chục trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều phương tiện từ KCN đi ra còn bất chấp nguy hiểm, luồn lách qua những xe ô tô, đi ngược đường ra phía hầm chui để sang đường, tránh phải đi vòng hàng trăm mét.

Tương tự, tình trạng mất an toàn giao thông cũng diễn ra tại KCN Thăng Long. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Sơn, công nhân Công ty SWCC cho biết tại vòng xuyến khu cổng A, KCN Thăng Long (dưới gầm cầu vượt cao tốc) khi tan tầm rất đông phương tiện, giao thông lộn xộn, nguy cơ tai nạn rất cao. Do đó các công nhân làm việc tại khu vực này mong muốn chính quyền các cấp xem xét, giải quyết, lắp đèn tín hiệu giao thông hoặc có những biện pháp cụ thể phù hợp ở ngã tư này để hạn chế các vụ tai nạn xảy ra.

Trước những thực trạng đó, thời gian qua nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông tại các KCN, LĐLĐ các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức một số hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong công nhân, viên chức lao động, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền được các cấp công đoàn tiến hành thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức đa dạng với nội dung sinh động, phong phú, nhằm mục tiêu hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động.

Trong đó trọng tâm là phổ biến các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người lao động; các biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ sang đường, đi xe đạp, xe điện; phổ biến những kinh nghiệm, mô hình hay…

Anh Nguyễn Văn Bắc (KCN Thăng Long) cho biết, trước đây anh đã từng tham gia buổi tập huấn về an toàn giao thông được tổ chức tại KCN, qua buổi tập huấn bản thân anh đã được tích lũy thêm kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông. Qua những ý nghĩa thiết thực đó, anh Bắc mong muốn các công nhân lao động sẽ được tham gia nhiều hơn nữa những buổi tuyên truyền như vậy ngay tại chính công ty của mình.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dua-van-hoa-giao-thong-den-voi-nguoi-lao-dong-91280.html