Dịch tả lợn châu Phi: Trang trại chăn nuôi kêu cứu vì bị 'ngăn sông, cấm chợ'

Tại vùng dịch và vùng chịu uy hiếp bởi dịch với bán kính 3km, việc buôn bán, vận chuyển lợn ra ngoài sẽ bị cấm. Cụ thể, việc giết, mổ, tiêu thụ thịt lợn chỉ được diễn ra tại khu vực đó.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 29 tỉnh, thành ở khắp miền Bắc, Trung, Nam. Nếu cộng cả 2 tỉnh mới xuất hiện là Khánh Hòa và Hậu Giang, con số này đã được phát triển lên 31 tỉnh, thành có dịch bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong những ngày gần đây số thôn, xã có dịch, số lợn bị buộc phải tiêu hủy tăng nhanh. Dịch bệnh đã xảy ra ở 175 thôn/64 xã/7 huyện, thành phố và số lợn đã tiêu hủy là 5.966 con, có trọng lượng 318 tấn.

Trong khi đó, tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tình trạng xác lợn chết vứt thả trôi trên kênh vẫn tiếp tục diễn ra. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa, từ đầu tháng 4 đến nay trung bình mỗi ngày địa phương này vớt được khoảng 2 tới 2,5 tấn xác lợn, cá biệt cao điểm có ngày vớt được khoảng 4 tấn.

Toàn tỉnh Ninh Bình đã tiêu hủy 5.966 con lợn bị nhiễm dịch.

Toàn tỉnh Ninh Bình đã tiêu hủy 5.966 con lợn bị nhiễm dịch.

Theo quy định của Luật thú y và hiện các địa phương, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đang phải nghiêm túc tuân thủ, khi xảy ra dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi), tại vùng dịch và vùng chịu uy hiếp bởi dịch với bán kính 3km, việc buôn bán, vận chuyển lợn ra ngoài sẽ bị cấm. Cụ thể, việc giết, mổ, tiêu thụ thịt lợn chỉ được diễn ra tại khu vực đó.

Điều này đang được cho là biện pháp “cực đoan”, song cũng không ngăn nổi dịch bệnh lây lan ra các địa phương khác. Chính vì vậy, rất nhiều trang trại lớn đang bị tồn lợn do quy định cấm buôn bán, vận chuyển lợn ra bên ngoài trong bán kính 3km tại khu vực xảy ra dịch và chịu uy hiếp bởi dịch tả lợn châu Phi.

Việc cấm vận chuyển lợn như biện pháp trên đã khiến các trang trại lớn, các nhà máy giết mổ tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi với những trang trại lớn lên tới cả vài nghìn con, địa bàn đó sẽ không thể tiêu thụ hết số lợn đó.

Nhiều công ty và các trang trại lớn rất mong các giải pháp để tháo gỡ, giúp tiêu thụ thịt lợn an toàn được lưu thông bình thường trên thị trường.

Như tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở NNPTNT TP. Hà Nội, tính đến ngày 13/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi của thành phố, chiếm 9,6% tổng số hộ chăn nuôi và TP đã phải tiêu hủy trên 120.000 con lợn với trọng lượng gần 8.200 tấn.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho biết: “Hà Nội hiện có 1,9 triệu con lợn, đứng thứ hai cả nước chỉ sau Đồng Nai. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi 120.000 vạn con, tương đương 8.100 tấn, thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp cấp bách, quyết liệt ngay lúc này thì có thể thiệt hại còn lớn hơn nữa”.

Do đó, theo ông Đăng, chúng ta xác định phải sống chung với loại dịch bệnh này, Tây Ban Nha phải mất đến 5 năm mới khống chế thành công vì không có vaccine, không có thuốc điều trị, nếu không làm tốt vấn đề an toàn sinh học là rất dễ mắc. “Chúng tôi kiến nghị, Bộ NNPTNT phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền người dân không quay lưng với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi”, ông Đăng nói.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm ổn định thị trường thịt lợn.

Đại diện một công ty cung cấp thịt lợn cũng cho biết, việc “ngăn sông, cấm chợ” như hiện nay, chẳng những không làm cho dịch bệnh bớt lây lan, mà còn khiến các trang trại, nhà máy giết mổ quy mô lớn, đúng quy trình bị vạ lây.

Kể từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, đã xuất hiện tình trạng tồn lợn tại một số trại. Có nhiều con đã đạt trọng lượng 120-130kg, thậm chí 160-170kg, nhưng chưa tiêu thụ được. Đây là áp lực rất lớn của công ty, cũng như các trang trại, nên đang rất cần các giải pháp để tháo gỡ, giúp tiêu thụ thịt lợn an toàn được lưu thông bình thường trên thị trường.

Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Bộ NNPTNT, cơ quan này đang hoàn thiện văn bản để trình Chính phủ ban hành một loạt các giải pháp nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả; trong đó có biện pháp về tháo gỡ tiêu thụ thịt lợn an toàn…

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dich-ta-lon-chau-phi-trang-trai-chan-nuoi-keu-cuu-vi-bi-ngan-song-cam-cho-20190516172015291.htm