Ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc đối mặt với mức án nào?

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tội tham ô tài sản là tội danh có mức hình phạt được phân theo giá trị tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc giá trị thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra, mức án cao nhất có thể lên tới tử hình.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Mức án có thể lên tới chung thân, tử hình

Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) để điều tra về tội danh "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Với 2 tội danh này, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tội tham ô tài sản là tội danh có mức hình phạt được phân theo giá trị tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc giá trị thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra. Nếu chiếm đoạt tài sản giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ thuộc khoản 4, hình phạt cao nhất có thể lên tới tử hình.

Cụ thể, theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, với mức án từ 2-7 năm, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục 1, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội 2 lần trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng...

Với mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm là chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Trường hợp tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này''.

Tội gây thất thoát, lãng phí xử lý thế nào?

Tội vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định, nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Với tội danh này, ông Hùng cho rằng bản chất về hành vi và điều kiện để định tội danh khác với tội tham ô. Thứ nhất: Người phạm tội phải có hành vi vi phạm chế độ quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, cơ quan điều tra phải chứng minh được rằng trong quá trình công tác họ đã vi phạm các quy định về quản lý.

Thứ hai, hành vi đó phải gây ra sự thất thoát và lãng phí (tiêu hao tài sản một cách vô nghĩa) và phải thỏa mãn các điều kiện về giá trị sự thất thoát, lãng phí đó, hoặc thấp hơn nhưng thuộc trường hợp luật định. Mức án cao nhất đối với tội danh này là 20 năm tù, nếu thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Công ty thẩm định giá MHD có bị xử lý?

Bên cạnh đó, Cơ quan thanh tra cũng đã kết luận Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá MHD đã thẩm định giá không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC và vốn Nhà nước.

Theo ông Hùng, với thẩm định viên, căn cứ theo khoản điều 19 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, phí, hóa đơn, quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá;

Làm sai lệch hồ sơ tài sản, thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá; Thực hiện thẩm định giá cho đơn vị mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.

Phạt bổ sung là tước có thời hạn từ 70 ngày đến 90 ngày Thẻ thẩm định viên về giá đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền do thông đồng với khách hàng, khoản tiền thu lợi bất chính (nếu có) đối với hành vi vi phạm tại Điểm b Khoản 1, Khoản 2, Điểm a Khoản 3, Khoản 4 Điều này.

Ngoài ra có thể xử phạt theo điều 13 của nghị định này. Điều 13 này được hiểu rằng, tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp hết thời hạn giải trình về giá đã đăng ký, hoặc kê khai nhưng vẫn không nộp bản giải trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tăng giá theo giá đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mặc dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới hoặc yêu cầu đăng ký lại mức giá theo quy định của pháp luật.

Căn cứ để xác định mức độ vi phạm là tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được tính bằng giá bán thực tế của đơn vị có hành vi vi phạm về tăng giá bất hợp lý nhân với số lượng hàng hóa, dịch vụ đã bán tăng giá bất hợp lý tính từ thời điểm đơn vị bắt đầu tăng giá bất hợp lý tới thời điểm xử phạt vi phạm. Nếu sau khi điều tra hành vi của tổ chức thẩm định giá có dấu hiệu vi phạm điều 13 thì có thể áp dụng điều 13 để xử lý.

Ngoài ra, theo ông Hùng, tùy tính chất hành vi, mục đích và động cơ của hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi nếu trong quá trình điều tra cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu tội phạm.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/goc-luat-su-c-114/ong-te-tri-dung-ba-ho-thi-thanh-phuc-doi-mat-voi-muc-an-nao-113200.html