Tiếp bài ngăn cản triển khai dự án tại phường Phú Lương (Hà Đông): Luật sư nói gì về vụ việc ở Bắc Lãm – Phú Lương?

Như đã phản ánh, mấy ngày gần đây, trên địa bàn từ tổ dân phố 17 đến tổ 22 cụm dân cư Bắc Lãm 8, Bắc Lãm 9, phường Phú Lương, quận Hà Đông một số người dân tự ý đứng ra kêu gọi 'đòi đường dân sinh', quyên góp tiền và tự ý thi công, san đường trên diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án đã thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB)? Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc trao với Luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội xung quanh vấn đề này.

 Luật sư Bùi Quang Thu.

Luật sư Bùi Quang Thu.

Pv: Thưa Luật sư, 2 năm vừa qua, một số hộ dân Bắc Lãm 8 và 9, phường Phú Lương thường xuyên cản trở chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 thi công Dự án, gây sức ép để đòi mức giá bồi thường cao. Khi không được, một số đối tượng đã lôi kéo, đứng ra kêu gọi đòi “con đường dân sinh”, cố ý thi công, san lấp lại con đường nội đồng với chiều dài khoảng 800 m đã bàn giao cho Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Những việc làm này vi phạm pháp luật như thế nào?
- Luật sư: Việc người dân lấn chiếm đất thuộc quyền quản lý hợp pháp của của một doanh nghiệp, cụ thể trong trường hợp này là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 đã được UBND TP Hà Nội và chính quyền sở tại có Quyết định giao đất cho chủ đầu tư thì đó là sai phạm. Bởi vì, việc người dân lấn chiếm khu đất đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5. Điều này quy định rất rõ trong Luật Đất đai và Luật Dân sự về việc nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm đất của người khác cũng như lấn chiếm đất công.
Tuy nhiên, vì chưa có kết luận nào được đưa ra nên chúng ta cũng cần xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được quy định trong Luật Dân sự. Nếu khu đất, con đường đó tiếp giáp với khu đất liền kề không có lối đi nào khác thì người dân có thể thỏa thuận với chủ sở hữu khu đất là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 để tạo lối đi chung cho người dân.
Pv: Việc một số đối tượng, một số phụ huynh không cho con em mình đi học, điều này có vi phạm pháp luật như thế nào, thưa Luật sư?
- Luật sư: Việc một số đối tượng, phụ huynh ép học sinh nghỉ học, trước tiên đây là hành vi duy ý chí và không có đạo lý. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, trẻ con cũng như học sinh có quyền được đi học, có quyền được đến trường. Trong các văn bản, cơ chế, chế định của Việt Nam quy định rất rõ quyền trẻ em cũng như Luật Giáo dục là trẻ em và học sinh đều có quyền được tới trường, đi học. Việc cha mẹ không cho con em đến trường là sai đạo lý, không thực hiện được nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ với các con và phản ứng này là tiêu cực. Mặt khác việc không cho con em đi học là xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em được đi học, được đến trường. Theo Mục 2, Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi”; cũng tại Điều 7, Mục 8 cấm các hàng vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”…
Pv: Thưa Luật sư, trong trường hợp này thực tế chủ đầu tư đã làm cho dân một con đường đi gần như song song với đường mà người dân Bắc Lãm chiếm đất của dự án. Một số người lấy cớ đòi “đường dân sinh” mà có hành vi lôi kéo người khác vào những việc làm kể trên thì vi phạm những điều luật nào?
- Luật sư: Việc lôi kéo người khác có hành vi vi phạm pháp luật chúng ta cần phải xem xét cụ thể. Nếu hành vi lôi kéo người khác có hành vi vi phạm pháp luật như hủy hoại tài sản của người khác, gây mất trật tự công cộng, thì hành vi đó đã vi phạm Luật Hành chính về việc xâm phạm trật tự công cộng.
Nếu hành vi phạm đó trở thành một hệ thống, có tổ chức, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc gây mất trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì hành vi đó vi phạm Luật Tố tụng Hình sự. Do đó, người dân cần tỉnh táo trước những việc làm của mình. Có một bài học gần đây là ở Bình Thuận, nhiều người dân quá khích đã xông vào trụ sở đập phá, hủy hoại tài sản gây rối trật tự công cộng một cách vô lý.
Pv: Thưa Luật sư, theo quy định của pháp luật, những sai phạm trên sẽ bị xử lý ra sao?
- Luật sư: Việc xử lý các sai phạm tùy thuộc vào kết luận của các cơ quan chức năng. Nếu là vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu xâm phạm, gây thiệt hại tài sản, đất đai, hoặc bất cứ tài sản nào đó thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác thì hành vi đó có dấu hiệu của vụ án hình sự. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự và qua đó sẽ tiến hành điều tra, xem xét, truy xét từng cá nhân, người cầm đầu tổ chức liên quan đến vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Pv: Được biết, một nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 đã bị đánh đập dẫn đến nhập viện. Người gây ra sự việc này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa Luật sư?
- Luật sư: Việc một bảo vệ đang làm nhiệm vụ bị đánh gây thương tích phải nhập viện là hành vi cố ý gây thương tích có tổ chức của một số cá nhân, cần khởi tố vụ án theo hành vi cố ý gây thương tích quy định trong Luật Hình sự. Tuy nhiên, trước khi khởi tố vụ án, các cơ quan chức năng phải xem xét vụ án, giám định thương tật cho bảo vệ đó về thiệt hại sức khỏe như thế nào; việc gây án, đánh người có tổ chức hay không; đánh người có dùng hung khí hay không;… tùy trường hợp mới xem xét có khởi tố hình sự hay chỉ xử phạt hành chính. Trong việc cố ý gây thương tích mức độ nhất định, bị hại có thể làm đơn yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn yêu cầu khởi tố theo quy định của pháp luật.
Pv: Thưa Luật sư Bùi Quang Thu, trong vụ việc này Luật sư có khuyến cáo nào để người dân thực hiện đúng pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân?
- Luật sư: Nếu người dân có căn cứ cho rằng con đường đó là thuộc sở hữu của cha ông họ từ nhiều đời nay, họ cần có kiến nghị và đưa ra căn cứ. Kể cả khi nhà nước đã cấp đất cho công ty Cienco 5 rồi mà người dân cho rằng có căn cứ là tài sản của họ và xóm làng của họ hoặc cá nhân ai đó thì cần làm đơn kiến nghị lên UBND TP Hà Nội lập đoàn kiểm tra, thanh tra xem việc kiến nghị đó có căn cứ hay không.
Nếu không có căn cứ con đường đó thuộc sở hữu của người dân, xóm làng thì sẽ không được chấp nhận. Nếu có căn cứ có thể sửa đổi hoặc xem xét lại việc cấp đất cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có đúng hợp pháp hay chưa.
Mặt khác, nếu việc chính quyền cấp đất cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 khiến người dân không có đường đi thì; Luật Dân sự quy định rất rõ về việc người dân có quyền có lối đi nhưng phải được sự đồng ý hợp pháp của chủ khu đất; hoặc người dân có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu theo quy trình tố tụng chứ không nên hành động một cách tự phát như ngăn cản người khác làm việc, hoạt động đầu tư xây dựng của CĐT Dự án.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Nhóm tác giả: Hồng Nhung – Thạch Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luat-su-noi-gi-ve-vu-viec-o-bac-lam-phu-luong-341844.html