S&P Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Vietcombank lên mức tích cực

Sau khi nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+, S&P Ratings thông báo cập nhật xếp hạng tín nhiệm của Vietcombank lên mức tích cực. Trong khi đó, triển vọng của Eximbank vẫn được tổ chức này duy trì ở mức ổn định.

Với Vietcombank, triển vọng của ngân hàng được nâng lên mức tích cực từ mức ổn định trước đó, với dự báo nhà băng này có thể được hưởng lợi từ các nguồn lực bên ngoài khi Việt Nam có xếp hạng tín nhiệm quốc gia cao hơn trong vòng 12 - 24 tháng tới. Theo đó, xếp hạng tín nhiệm của Vietcombank được duy trì ở mức BB-.

Là một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Việt Nam, Vietcombank được đánh giá có khả năng cao sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ từ Chính phủ trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính.

S&P Ratings cho biết việc điều chỉnh triển vọng xếp hạng với Vietcombank sẽ phụ thuộc vào xếp hạng quốc gia của Việt Nam trong vòng 12 - 24 tháng tới.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022 của Vietcombank, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 18,8% đạt 11.976 tỷ đồng. Lũy kế cả kỳ, Vietcombank lãi trước thuế 9.950 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2021 sau khi trừ đi khoản trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 2.274 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu lãi trước thuế 30.675 tỷ đồng đặt ra trong năm 2022, nhà băng này đã thực hiện được hơn 32% sau quý đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Vietcombank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức hơn 1,46 triệu tỷ đồng. Chủ yếu do khoản cho vay khách hàng tăng 7% đạt gần 1,03 triệu tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 4%, ghi nhận gần 1,18 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu của Vietcombank đã tăng mạnh gần 37% trong quý đầu lên 8.372 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 0,81%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh gần 96% lên 1.459 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh 75% lên 1.693 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn lên 5.220 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm.

Với Eximbank, S&P Ratings cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Eximbank ở mức B+, với triển vọng ổn định.

Việc duy trì xếp hạng với Eximbank dựa trên kết quả chất lượng tài sản ít suy giảm, nguồn vốn ổn định của ngân hàng này. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank đã tăng lên mức 2,5% vào năm 2020 từ mức 1,7% của năm 2019.

Các khoản vay được cơ cấu lại của ngân hàng này vẫn ở dưới mức trung bình của ngành, trong khi phải giải quyết các vấn đề tài sản tồn đọng trong quý I/2021. Eximbank đã mất thị phần trong vài năm qua do ưu tiên kế hoạch tái cơ cấu.

Triển vọng ổn định của Eximbank phản ánh kỳ vọng của tổ chức xếp hạng về việc ngân hàng này sẽ tiếp tục nỗ lực tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và duy trì mức vốn hóa trong 12 - 18 tháng tới.

S&P Ratings cho biết có thể hạ xếp hạng của Eximbank nếu ngân hàng này suy yếu, có thể do bất kỳ bước đi chiến lược sai lầm nào, hoặc thị phần kinh doanh liên tục suy giảm.

Eximbank cũng có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp tỷ lệ vốn sau khi điều chỉnh rủi ro giảm xuống dưới mức 3%, hoặc chất lượng tài sản xấu đi đáng kể, có thể xuất phát từ việc kinh tế Việt Nam phục hồi không đồng đều.

Trong khi đó, việc nâng hạng Eximbank trong thời gian tới khó có thể xảy ra, do ngân hàng này chủ yếu hoạt động trong nước với môi trường hoạt động có nhiều biến động và rủi ro kinh tế cao.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022 của Eximbank, theo báo cáo tài chính công bố, Eximbank lãi trước thuế tăng 2,8 lần, lên hơn 809 tỷ đồng, tương đương 32% kế hoạch năm. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 52%, lên mức 1.244 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tăng 4% so với đầu năm, lên mức 172.343 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 7% lên 122.553 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 8% ghi nhận gần 2.421 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,96% đầu năm lên 1,98%.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/s-p-ratings-nang-xep-hang-tin-nhiem-cua-vietcombank-len-muc-tich-cuc-post6873.html