S-400 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ UAV Anh, nhắm vào F-16 Mỹ

'Zafer' của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành quảng cáo tốt nhất cho vũ khí Nga trên thị trường thế giới, bất chấp những lời đe dọa của Mỹ.

Trong ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumph" (Ảnh: Denis Belyaev / RF Bộ Quốc phòng / TASS)

Trong ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumph" (Ảnh: Denis Belyaev / RF Bộ Quốc phòng / TASS)

Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng cũng đã thử nghiệm trong điều kiện thực tế S-400 “Triumph” mua của Nga, bất chấp những lời đe dọa của Mỹ. Trước đây, chưa có cuộc tập trận nào sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không này lại thu hút được nhiều sự chú ý đến như vậy.

Và, như Ankara đã báo cáo, trong quá trình thử nghiệm “Zafer” (chữ “Triumph” tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), có 3 mục tiêu đã bị bắn hạ, đó là máy bay không người lái Meggitt Banshee do Anh sản xuất, có tốc độ 200 km/h với độ cao bay lên tới 7.000 mét.

Các cuộc diễn tập của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây được tiếng vang - chúng được nhắc đến ở nhiều quốc gia và với những cách hiểu khác nhau.

Với bản thân Nga thì mọi thứ đều rõ ràng: Trong thành phần quân đội Nga đã có 33 trung đoàn đang phục vụ, bao gồm 69 tiểu đoàn với tổng số 552 bệ phóng tên lửa phòng không S-400 (tên gọi trong phiên bản xuất khẩu là "Triumph", theo mã hóa của NATO là SA-21 Growler, nghĩa đen là "Grumpy").

Lực lượng phòng không thường xuyên luyện tập bắn từ các hệ thống này, chẳng hạn như các khẩu đội S-400, được triển khai ở vùng Volga, đã tiến hành các cuộc tập trận với các cuộc phóng tập hồi tháng 8 tại thao trường Ashuluk ở tỉnh Astrakhan.

Các cuộc thao diễn phóng này không còn thu hút sự chú ý nhiều bởi điều đó đã trở nên phổ biến, vì mỗi tiểu đoàn phòng không phải tổ chức tới 30 sự kiện huấn luyện chiến đấu lớn.

Cuộc tập trận “Slavic Shield-2019” ở Serbia là một ngoại lệ, vì đây là lần đầu tiên S-400 của Nga ra mắt tại sân tập nước ngoài Pasulyanske-Levade và tại căn cứ không quân Batainitsa. Các cuộc diễn tập đó đã gây cho NATO những lo ngại nhất định.

“Triumph” cũng được ca ngợi ở Trung Quốc. Vào tháng 12 năm 2019, Trung Quốc đã nhận được hệ thống phòng không thuộc trung đoàn thứ hai của Nga và 120 tên lửa dẫn đường mới nhất thuộc hai loại.

Ở Trung Quốc, S-400 được gọi là "biểu tượng của hòa bình quốc gia", mặc dù thực tế là trong thập kỷ qua, bản thân họ cũng đã tích cực quảng bá hệ thống phòng không "Huntsi-9" của riêng mình ra thị trường.

Sau lần bắn tập “Triumph” đầu tiên, các chuyên gia Tân Hoa xã đã viết: “Những tờ quảng cáo cho “Almaz-Antey” (nhà phát triển và sản xuất hệ thống phòng không Nga - ND) không hề nói dối! Trung Quốc rất hài lòng".

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 “Triumph”, được thực hiện từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 10 tại bãi thử gần thành phố Sinop (tỉnh Samsun) trên bờ Biển Đen, đã được thông báo từ trước.

Người ta thậm chí còn nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm việc đó như một cách thể hiện trước hết là đối với Hoa Kỳ, quốc gia không ngừng “chế giễu” Ankara về việc mua các hệ thống phòng không của Nga.

Và Washington ngay lập tức phản ứng đối với các cuộc tập trận hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Morgan Ortegus, người đứng đầu cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 “Triumph” của Nga.

Theo lời của bà, Washington hy vọng rằng các tổ hợp sẽ không được sử dụng. Bà Ortegus còn nói: “Chúng tôi cũng hiểu rất rõ ràng về những tác động nghiêm trọng có thể xảy ra đối với mối quan hệ an ninh của mình”.

Hoa Kỳ thực sự đã gây áp lực to lớn lên Thổ Nhĩ Kỳ về việc họ đã lựa chọn để có được hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất. Cũng có những tranh luận về sự không tương thích của S-400 với các tiêu chuẩn của NATO, và yếu tố hợp tác quân sự-kỹ thuật với một quốc gia đang đi ngược với liên minh về mặt quân sự.

Số tiền khá cao của bản thỏa thuận cũng đóng một vai trò nào đó - Mỹ đã mất một hợp đồng rất béo bở khi họ nhận ra rằng những chiếc “Patriot” của họ bị bỏ qua một cách công khai vì bị cho là yếu hơn và đắt hơn.

Ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không S-400

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đưa ra lựa chọn vũ khí Nga. Vì các lý do chính trị và kinh tế, việc cung cấp S-400 rẻ hơn “Patriot”. Nhiều khả năng ông ta có thể do dự trước những tiếng la hét từ Washington, nhưng cuối cùng vẫn kiên định giữ đường lối đã chọn.

Có thể nói rằng Moscow đã quyết định nhanh chóng việc bắt đầu bàn giao hệ thống tên lửa phòng không để Ankara không thể thay đổi ý định. Và máy bay vận tải quân sự hạng nặng An-124 “Ruslan”, loại máy bay duy nhất trên thế giới có khả năng chở loại hàng hóa cồng kềnh và quá khổ như vậy, có thể đã được sử dụng cho mục đích này.

Trên thực tế, chúng ta đã biết gì về các cuộc tập trận hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ gần Sinop? Như đã thông báo trước đó của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ phóng sẽ diễn ra để kiểm tra mức độ sẵn sàng của hệ thống S-400, khả năng phát hiện và theo dõi radar, cũng như khả năng của các hệ thống liên lạc và phương tiện điều khiển hỏa lực.

Người ta cho rằng các cơ sở phòng không của Nga phải tiêu diệt ít nhất 10 mục tiêu huấn luyện, là các máy bay không người lái Meggitt Banshee được sử dụng làm mục tiêu.

Đây là loại phương tiện cỡ nhỏ, tùy theo sửa đổi mà được trang bị động cơ quay hoặc động cơ phản lực và được thiết kế đặc biệt để huấn luyện tính toán phòng không.

Hơn 5 nghìn chiếc loại này đã được sản xuất ở Anh, và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hàng chục chiếc máy bay không người lái đặc biệt này để thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 “Triumph”.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, giai đoạn đầu của cuộc tập trận đã thành công tốt đẹp. Đồng thời, người ta ghi nhận rằng ba mục tiêu trên không đã bị bắn hạ bởi ba tên lửa.

Nhiều khả năng các vụ phóng vẫn có thể tiếp tục, hoặc là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cảm thấy hài lòng với kết quả trên và quyết định tiết kiệm cả tên lửa (có thể giả định rằng đây là tên lửa 40N6E hoặc 9M96M) lẫn máy bay không người lái.

Ít nhất thì người ta cũng đã biết rằng những tổ hợp “Zafer” –“Triumph” đã được thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Ankara.

Được biết, đây không phải là những cuộc thử nghiệm đầu tiên trên S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào cuối tháng 11 năm 2019, các hệ thống phòng không của Nga đã hoạt động nhắm vào các máy bay chiến đấu F-16 Fighting Faicon và F-4E Phantom II của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực căn cứ quân sự Kahramkazan (Mürted) ở khu vực Ankara.

Radar của các tổ hợp đã được thử nghiệm. Các radar đã “tóm” được máy bay chiến đấu ở các độ cao khác nhau và các cuộc thử nghiệm được coi là thành công.

Ấn phẩm thông tin Thổ Nhĩ Kỳ Haber7 đã đăng một bài báo nói về các vụ thử nghiệm của hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua của Nga.

Tác giả bài báo kể lại rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, trong các cuộc thử nghiệm diễn ra vào hồi tháng 7, đã nhắm hệ thống phòng không vào máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ khiến các đại diện của Nhà Trắng vô cùng tức giận.

Và vào hồi tháng 8, trong cuộc tập trận Eunomia-2020 của NATO trên biển Địa Trung Hải, trong đó có sự tham gia của đại diện Italy, Pháp, Cyprus và Hy Lạp, hệ thống tên lửa phòng không S-400 “Triumph” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại “sáng đèn”.

Mặc dù Lầu Năm Góc không chính thức tham gia các cuộc diễn tập này, nhưng Không quân Mỹ đã nhiều lần điều máy bay đến khu vực tập trận để quan sát. Theo trang Military.com, lực lượng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ theo dõi các cuộc tập trận của đồng minh mà còn tiến hành các hoạt động chuẩn bị thực sự cho vụ phóng tên lửa phòng không S-400 vào máy bay của liên minh.

Ở Mỹ, người ta cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ làm mục tiêu cho "cuộc huấn luyện" này.

Sau khi một số chính trị gia Mỹ biết được sự cố này từ các nhà quân sự, họ đã chuyển sự việc sang Bộ Ngoại giao Mỹ và yêu cầu Ankara phải báo cáo chi tiết về công việc của các nhà điều hành phòng không Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận Eunomia-2020.

Rõ ràng là, sau cuộc huấn luyện vừa rồi của Thổ Nhĩ Kỳ, phóng tên lửa phòng không từ các bệ phóng S-400, nhiều người mong đợi Mỹ sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với Ankara và trừng phạt nghiêm khác nước này vì đã phớt lờ "những lo ngại của Mỹ".

Nhưng ở Ấn Độ, quốc gia cũng có kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 “Triumph”, đã có phản ứng dữ dội. Các chuyên gia New Delhi lưu ý rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kích hoạt các hệ thống tên lửa phòng không mua của Nga, thì Ấn Độ cũng cần phải "có thái độ triết lý đối với các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ".

Danh sách các quốc gia quan tâm đến việc mua S-400 còn có Ả Rập Saudi, Qatar, Morocco, Ai Cập, Việt Nam và Iraq. Nói chung, Erdogan, sau khi tung ra vũ khí “Zafer” của mình, đã quảng bá rất tốt cho “Triumph” của Nga trên thị trường vũ khí thế giới.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-400-tho-nhi-ky-ban-ha-uav-anh-nham-vao-f-16-my-3420996/