S-400 nhường Pantsir-S1 bắn tên lửa LORA ở Syria

Việc Syria dùng Pantsir-S1 bắn hạ tên lửa đạn đạo LORA của Israel làm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vũ khí được sử dụng trong vụ bắn hạ này.

Theo thông tin được trang Al-Masdar News dẫn nguồn tin từ phòng không Syria cho biết, lực lượng này đã dùng hệ thống pháo - tên lửa tự hành Pantsir-S1 bắn hạ ít nhất 2 quả tên lửa đạn đạo thế hệ mới LORA của Israel khi chúng tấn công vào các vị trí quân sự ở thành phố Al-Kiswa, gần Damascus.

Được biết, đây không phải là lần đầu phòng không Syria bắn hạ tên lửa của Israel nhưng vụ đánh chặn này được coi là sự kiện với phòng không Syria bởi đây là lần đầu dòng tên lửa đạn đạo tối tân bậc nhất của Israel bị bắn hạ bằng hệ thống Pantsir-S1 chứ không phải S-400 khi hệ thống tầm cao này luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu kể từ khi được Nga triển khai tại Syria.

Israel phóng tên lửa LORA trên hạm.

Israel phóng tên lửa LORA trên hạm.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến S-400 "nhường" cho Pantsir-S1 khai hỏa? Để có câu trả lời thỏa đáng cần hiểu rõ tuyên bố về mục đích Nga triển khai S-400 tới Syria là không nhằm mục đích bảo vệ Syria trước các mũi tấn công của Isreal nhằm vào Damascus.

Mục đích duy nhất Nga triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến sang Syria là chống khủng bố và các lực lượng hỗ trợ khủng bố có mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad chứ không hoàn toàn chỉ bảo vệ các lợi ích quanh chính quyền ông Assad.

Và điểm mấu chốt của vấn đề bởi ngay từ khi hệ thống S-400 được triển khai tại Syria, Nga từng công khai tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả các phương tiện bay nào đáng ngờ kể cả không người lái khi chúng tiếp cận đến các binh sĩ và lợi ích của Nga tại Syria.

Người Israel cũng đã nổi cáu và lo lắng khi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được bố trí gần họ trên khu vực của Ai Cập, Syria và Iran. Sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga đã làm thay đổi cục diện bản đồ Trung Đông, và các sự kiện liệt kê trên sẽ làm tăng khả năng va chạm gữa các Lực lượng của Israel và Nga.

Nhưng giữa Nga- Israel còn có những ý tưởng chính trị khác. Ngay từ cuối năm 2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm Moskva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ về một mối quan ngại rằng Iran và Syria đang tự trang bị cho các nhóm Hồi giáo Hezbollah với vũ khí tiên tiến nhằm vào Israel.

Người Nga đã trấn an các mối lo này bởi Syria đang bận rộn chiến đấu cho một nhà nước của chính họ.

Sau đó, Nga- Israel có thể đã tạo ra một trò chơi mà Moscow chấp nhận yêu cầu của Israel để phản đối việc tạo ra một “mặt trận thứ hai” trên cao nguyên Golan được tạo nên bởi Iran và Hezbollah.

Đồng thời Nga chấp nhận hoạt động quân sự tiếp tục của Israel để ngăn chặn điều này. Moscow công nhận và chấp nhận các hành động tự do của Israel trước mọi nguồn cung vũ khí từ Syria cho Hezbollah.

Không quân và tên lửa Israel bay vào không phận Syria nhằm triệt tiêu những vũ khí chĩa vào quốc gia mình là sự đối đầu với Iran, Hezbollah và cả những mục tiêu quân sự của Syria chứ không ảnh hưởng tới các lợi ích của Nga ở quốc gia Trung Đông này.

Vì vậy, S-400 không thể khai hỏa để đánh chặn tên lửa LORA của Israel là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Và đây chính là nguyên nhân khiến Pantsir-S1 của Syria (được Nga chuyển giao từ cuối năm 2015) "làm nên lịch sử" khi đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tối tân này.

Clip Israel phóng tên lửa LORA trên hạm

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-400-nhuong-pantsir-s1-ban-ten-lua-lora-o-syria-3348623/