S-400 Nga trao Trung Quốc chưa dùng đã hỏng vì bão

'Rồng lửa' của Nga bị phá hủy ngay trên đường vận chuyển tới Trung Quốc.

Hãng thông tấn RIA Novosti hôm 19/1 trích dẫn lời bà Mariya Vorobyova, phát ngôn viên của Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và Kỹ thuật Liên bang cho biết, một số bộ phận của hệ thống tên lửa đất đối không S-400 đã bị bão phá hủy trong lúc chúng được vận chuyển bằng đường biển đến Trung Quốc.

Con tàu chở hệ thống S-400 củ Nga tới Trung Quốc. Ảnh: Maritimebulletin.com

Để thực hiện một hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc, một tàu chở thiết bị hỗ trợ rời cảng Ust Luga ở khu vực Leningrad vào cuối tháng 12/2017.

Thông báo của Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và Kỹ thuật Liên bang nêu rõ: "Trong lúc di chuyển đến Trung Quốc, con tàu này đã bị bão mạnh tấn công. Một phần thiết bị hỗ trợ đã bị phá hủy. Tàu đã phải quay lại cảng khởi hành".

Theo trang Maritime Bulletin chuyên theo dõi hải trình các con tàu, S-400 được đưa lên tài chở hàng tổng hợp mang tên NIKIFOR BEGICHEV, khởi hành từ Ust-Luga vào ngày 30/12/2017, điểm đến là Trung Quốc.

Con tàu đã gặp bão vào đêm ngày 3/1 ở gần Anh và gặp khó khăn với các kiện hàng cồng kềnh trên boong. Con tàu đã bị trôi dạt một thời gian và vào khoảng 5 giờ sáng ngày 3/1 (giờ quốc tế, khoảng 12h trưa cùng ngày giờ Việt Nam) mới quay lại hành trình.

Mức độ thiệt hại của tàu tất nhiên vẫn chưa rõ ràng và con tàu đã trở lại khu neo đậu của Ust-Luga vào ngày 9/1.

Ngày 17- 19/1, con tàu NIKIFOR BEGICHEV vẫn còn được nhìn thấy đang neo đậu tại Ust-Luga của Nga.

Đại diện cơ quan chuyển giao thiết bị kỹ thuật của Nga - bà Mariya không tiết lộ chi tiết thiệt hại mà chỉ cho biết chúng là những thiết bị không quan trọng.

Nguồn tin giấu tên thuộc FSMTC cho biết tàu chở hàng gặp bão này chở theo đài chỉ huy, các hệ thống radar, xe cấp điện và hậu cần kỹ thuật của hệ thống S-400.

Cũng theo bà Vorobyova, công tác đánh giá thiệt hại đang được tiến hành để có thể bù đắp những tổn thất theo bảo hiểm.

Sau quá trình đánh giá, những thiết bị không bị hư hại sẽ được chuyển đến Trung Quốc.

Vụ việc sẽ không gây ảnh hưởng đến thời gian bàn giao S-400 như đã nêu trong hợp đồng, bà Vorobyova khẳng định.

Đây là chuyến giao hàng đầu tiên trong hợp đồng mua 6 tổ hợp S-400 được Trung Quốc ký với Nga hồi năm 2014, có trị giá lên tới 3 tỷ USD. Quá trình bàn giao dự kiến hoàn tất trước năm 2020, nhưng không kèm điều kiện chuyển giao công nghệ.

Nga cũng đã ký hợp đồng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017.

Hiện tại, chỉ quân đội Nga được trang bị S-400 và Moscow đã lên kế hoạch cung cấp chúng cho 4 quốc gia khác là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ả Rập Saudi.

Mỹ cũng phải kiêng sợ S-400.

Tạp chí National Interest đánh giá hệ thống phòng thủ S-400 của Nga là loại vũ khí làm thay đổi "quy tắc trò chơi" với sự vượt trội hơn hẳn những mẫu tương tự của phương Tây về nhiều tham số như: phóng cùng lúc nhiều tên lửa có điều khiển với tầm xa khác nhau, trang bị radar diệt máy bay hiện đại tầm thấp...

Dù đánh giá S-400 rất cao nhưng việc tạp chí Mỹ so sánh S-400 với Patriot khiến giới chuyên gia Nga không thực sự hài lòng bởi Patriot thậm chí còn kém cả S-300 nên cách so sánh như vậy không thật sự thỏa đáng.

Chuyên gia quân sự Viktor Litovkin cho rằng, S-400 có thể bắn hạ bất cứ mục tiêu đường không nào, trong đó có các tên lửa đạo đạo và hành trình, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay tấn công...

"S-400 là hệ thống phòng không và phòng thủ tiên tiến hàng đầu không chỉ của Nga. Đây là hệ thống hiện đại, công nghệ cao và rất hiệu quả. Hiện trên thế giới không có loại tương tự, ngay cả người Mỹ cũng không phải là ngoại lệ" - ông Litovkin nói.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-400-nga-trao-trung-quoc-chua-dung-da-hong-vi-bao-3351291/