S-400 Nga bán cho Ấn Độ bị chỉ trích tính năng thua xa quảng cáo

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 mà Ấn Độ sắp mua từ Nga được kỳ vọng sẽ giúp cho quốc gia Nam Á này xây dựng nên lưới lửa bảo vệ bầu trời bất khả xâm phạm, nhưng thực tế có vẻ lại chẳng được như vậy.

Chuyên gia quân sự Ấn Độ - Đại tá Vinayak Bhat mới đây trong một bài viết trên Tạp chí The Print, ông đã chỉ ra những điểm hạn chế lớn của S-400 mà người Nga không bao giờ nói đến trong các quảng cáo về vũ khí của mình.

Đầu tiên là thời gian triển khai trong vòng 5 phút của S-400 bị Đại tá Vinayak Bhat cho rằng chỉ đúng đối với trường hợp các khí tài đặt trên xe hoạt động ngay trên phương tiện mang phóng của mình.

Trong khi đó với địa hình nhiều đồi núi như Ấn Độ, các đài radar cảnh giới 96L6 và radar điều khiển hỏa lực 92N6 của S-400 đều phải yêu cầu đặt lên thật cao nhằm tránh bị cản trở tầm nhìn.

Lúc này các đài radar trên chẳng thể nào để cho hoạt động ngay trên khung gầm xe tải việt dã MZKT-7930 nữa mà sẽ yêu cầu phải tách ra và lắp đặt trên cột ăng ten hỗ trợ 40V6.

Thao tác tách các đài radar của S-400 ra khỏi xe MZKT-7930 rồi lắp đặt trên cột radar 40V6 và dựng lên vững chắc sẽ yêu cầu khoảng thời gian có thể lên tới 45 - 90 phút, gấp 9 - 18 lần con số mà Nga quảng cáo.

Tiếp theo là vấn đề tầm bắn của S-400, Moskva giới thiệu rằng tổ hợp phòng không này có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa 400 km, tuy nhiên phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ chỉ có đạn đánh chặn 48N6E3 tầm xa 240 km mà thôi.

Ngay cả tên lửa đánh chặn tầm siêu xa 40N6 có tầm bắn 400 km thì cũng chỉ đang trong trạng thái thử nghiệm, chưa biết bao giờ Quân đội Nga mới chấp nhận đưa nó vào biên chế chứ chưa nói đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.

Khả năng đánh tầm cao chưa được như giới thiệu nhưng khả năng bắn hạ mục tiêu bay thấp của S-400 cũng chẳng được như những gì vẫn quảng cáo, minh chứng rõ nhất đó là nó không được tích hợp thêm đạn 96M6.

Tên lửa 96M6 từng được thử nghiệm với cấu hình gắn 3 ống phóng nhỏ bên cạnh ống phóng to, nhưng sau đó đề xuất này đã bị loại bỏ.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do Nga muốn giữ thị phần cho S-350 Vityaz, một phần vì đài radar của S-300/400 bị chứng minh không thực sự hiệu quả khi đánh tầm thấp.

Đối với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo bay ở độ cao lớn, trần bay 27 km của tên lửa 48N6E3 bị cho là quá thấp, không thể với tới, cho nên S-400 chỉ tiêu diệt được chúng khi đã bước vào giai đoạn cuối.

Ở giai đoạn công kích, tên lửa đạn đạo Mỹ thường đạt độ cao 50 - 60 km và vận tốc trên Mach 5, trong khi tên lửa đạn đạo DF-17 của Trung Quốc thậm chí còn ấn tượng hơn khi bay cao 80 - 90 km và tốc độ là Mach 10.

Tên lửa 48N6E3 bị phàn nàn là không thể vươn tới độ cao cũng như vận tốc của đối tượng mà nó cần đánh chặn như đã liệt kê ở trên.

Do vậy nếu triển khai sát biên giới nhằm ngăn chặn sớm tên lửa nhằm vào New Delhi hay Mumbai thì S-400 sẽ chỉ biết đứng nhìn mà thôi.

Vấn đề tiếp theo là khả năng giao chiến với nhiều mục tiêu cùng lúc, trạm chỉ huy của S-400 theo giới thiệu có khả năng bám bắt 100 mục tiêu và điều khiển 6 khẩu đội tên lửa từ cự ly 40 km

Nhưng radar điều khiển hỏa lực 92N6 của S-400 với công nghệ kỹ thuật số mới nhất và các bộ vi xử lý tiên tiến cũng chỉ có thể điều khiển 12 tên lửa ngắm bắn 6 mục tiêu cùng lúc mà thôi.

Điều này có nghĩa là nếu muốn đạt thông số thiết kế của trạm chỉ huy thì mỗi tổ hợp S-400 của Ấn Độ phải mua kèm thêm tới vài đài radar hỏa lực 92N6 nữa.

Với những nhược điểm đã nêu, vị Đại tá - chuyên gia quân sự Ấn Độ khẳng định rằng tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf mà nước này sắp mua không phải chiếc đũa thần vạn năng như nhiều người vẫn tưởng.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s400-nga-ban-cho-an-do-bi-chi-trich-tinh-nang-thua-xa-quang-cao/785635.antd