S-400 biến tên lửa AARGM-ER thành con mồi

Nhận định trên được giới quân sự Nga đưa ra sau khi Không quân Mỹ chính thức mua AARGM-ER - phiên bản tên lửa được coi là khắc tinh của S-400 Nga.

Bản hợp đồng được Hải quân Mỹ ký với Northrop Grumman Corp hôm 31/3. Thông tin về số lượng cũng như trị giá của thương vụ không được tiết lộ nhưng nguồn tin từ nhà sản xuất tiết lộ, việc chuyển giao AARGM-ER sẽ được hoàn thành trước khi kết thúc năm 2020.

Theo Defence-blog, AARGM-ER là dòng tên lửa rất đặc biệt và chỉ cần trang bị chúng, không cần dùng đến tiêm kích tàng hình mà chỉ cần những tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ cũng sức sức khắc chế được cả những hệ thống phòng không tối tân như S-400 Nga.

Tên lửa AARGM-ER.

Tên lửa AARGM-ER.

AARGM-ER nằm trong bộ 3 tên lửa của Không quân Mỹ được thiết kế để đối phó với radar trên hạm và những hệ thống phòng không tối tân như S-400 của Nga. Trong đó, AARGM-ER là vũ khí nhập cuộc cuối cùng sau khi JSOW và tên lửa MALD đã khai hỏa đánh lạc hướng.

Để tăng độ chính xác khi diệt mục tiêu, AARGM-ER được tích hợp hệ thống kiểm soát mục tiêu HCSM, nhằm nâng cao khả năng chính xác và giảm thiệt hại phụ trong quá trình sử dụng. HCSM được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS cùng thiết bị đo quán tính IMU giúp nó có khả năng tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa.

Tên lửa chống radar cao tốc AARGM-ER là một trong những vũ khí quan trọng của Quân đội Mỹ trên chiến trường, nó giúp tiêu diệt hệ thống radar cảnh giới của đối phương, bảo vệ an toàn cho các đợt không kích của Quân đội Mỹ trước hệ thống phòng không của kẻ địch.

AARGM-ER sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối. Nguyên lý chung của loại vũ khí này là, bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát. Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, AARGM-ER là bài toán khó đối với hệ thống đánh chặn đối phương.

Với đòn phối hợp của bộ 3 vũ khí kể trên, Mỹ tin rằng sẽ không có bất cứ mục tiêu nào có thể thoát đòn tấn công dù đó là hệ thống S-400 tối tân của Nga. Tuy nhiên, theo lý giải của giới chuyên gia Nga, việc bộ 3 tên lửa nói trên của Mỹ phối hợp diệt được S-400 chỉ dựa trên lý thuyết.

Hoặc chúng chỉ có thể làm được điều đó khi toàn bộ S-400, hệ thống vệ sĩ Pantsir-S1 và những vũ khí đi kèm đứng yên trong tình trạng không hoạt động. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra với những hệ thống S-400 đang được triển khai.

Chính vì vậy, thay vì là kẻ đi săn, cả máy bay và AARGM-ER có thể trở thành mục tiêu bị bắn hạ trước khi chúng kịp khai hỏa.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-400-bien-ten-lua-aargm-er-thanh-con-moi-3399610/