S-300PMU2 bắn rơi máy bay UAV hiện đại Mỹ, cái tát và sự thức tỉnh?

Dù Iran tuyên bố họ đã dùng tổ hợp phòng không tầm trung Raad (Sấm sét) do nước này tự phát triển để bắn hạ chiến đấu cơ không người lái của Mỹ, tuy nhiên một số ý kiến của giới quan sát nghi ngờ rằng chính S-300PMU2 mới là hệ thống được sử dụng.

Chiếc MQ-4 Triton của Hải quân Mỹ bị bắn hạ rạng sáng 20-6 khi đang bay trên không phận làng Kuh Mubarak thuộc tỉnh Hormuzgan ở Iran - tỉnh áp sát với Eo biển Hormuz.

Tại thời điểm bị bắn hạ, MQ-4 bay ở độ cao lên tới 18km.

Hãng tin Tasnim News của Iran cho biết, vũ khí được IRGC sử dụng để bắn hạ UAV Mỹ là tổ hợp phòng không tầm trung Raad (Sấm sét) do Iran tự phát triển.

Raad là một trong những khí tài phòng không hiện đại nhất của Tehran, có đặc điểm chiến đấu tương tự hệ thống tên lửa Buk-M2EK do Nga phát triển.

Tuy vậy, nhưng theo truyền thông Nga, với độ cao của vụ đánh chặn lên tới 18km, hiện chỉ có hệ thống S-300PMU2 của Iran mới đủ khả năng đòn đánh gọn gàng và nhanh nhẹn như vậy.

Trước đó hệ thống đánh chặn S-300PMU2 của Iran đã được âm thầm triển khai sát các bở biển nơi đang có những chiến hạm và tàu sân bay của Mỹ.

Vì vậy giả thiết S-300PMU2 của Iran đánh chặn UAV trinh sát hiện đại của Mỹ không phải không có cơ sở.

Giới quan sát nhận định, việc Iran công bố hệ thống phòng thủ nước này tự phát triển có thể là muốn gửi thông điệp rằng các hệ thống vũ khí của họ phát triển hoàn toàn có sức mạnh đáng gờm.

Hiện Iran vẫn đang chịu một số giới hạn nhất định về cấm vận vũ khí, vì vậy họ không dễ dàng gì để có được các hệ thống vũ khí hiện đại từ Nga.

Bản thân hệ thống phòng thủ S-300PMU2 Iran mua từ Nga cũng phải trải qua nhiều trắc trở, có những lúc Tehran từng tuyên bố từ bỏ mua hệ thống này để phát triển các hệ thống phòng thủ trong nước.

Hiện ngoài S-300PMU2, Iran được cho là đã phát triển thành công một hệ thống đánh chặn tương đương sau khi việc Nga chậm chuyển giao hệ thống này.

Với những căng thẳng hiện tại có thể biến thành xung đột, việc ngầm phô diễn các hệ thống vũ khí đánh chặn tự phát triển được cho là thông điệp ngầm gửi tới Mỹ.

Quay trở lại hệ thống phòng thủ S-300PMU2, đây được coi là hệ thống phòng thủ hiện đại nhất của Iran.

Nước này đã đặt mua hệ thống phòng thủ hiện đại từ nhiều năm trước, tuy nhiên do những phản ứng từ phương Tây Moscow đã phải chậm chuyển giao hệ thống này.

Nga bắt đầu chuyển giao S-300PMU-2 cho Iran trong tháng 1-2016. Trung đoàn S-300PMU-2 thứ hai được bàn giao vào tháng 9 cùng năm.

S-300PMU2 là phiên bản nâng cấp từ S-300 được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm: 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3-195km.

S-300PMU2 có khả năng đánh chặn mọi mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau ở độ cao thấp nhất 10m đến cao nhất 27km, đang di chuyển với tốc độ đến 10.000km/h.

Phương tiện quân sự này không những có khả năng bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung, tên lửa hành trình và cả mục tiêu tàng hình.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.

Đây cũng là hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 phổ biến nhất thế giới. Tầm đánh chặn mục tiêu của hệ thống này lên tới 150km.

Ước tính đã có khoảng 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng hệ thống này. Nếu S-300PMU2 thực sự bắn hạ UAV hiện đại Mỹ thì đây là "cái tát" vào sự kiêu hãnh của Mỹ và cũng là sự thức tỉnh trước năng lực tác chiến của các hệ thống phòng thủ do Nga sản xuất.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s300pmu2-ban-roi-may-bay-uav-hien-dai-my-cai-tat-va-su-thuc-tinh/815415.antd