S-300PM đánh chặn sát đất và xa như S-400

Cùng với việc được trang bị đạn đánh chặn tầm xa tương đương S-400, hệ thống S-300PM còn sở hữu khả năng diệt mục tiêu sát mặt đất.

Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định nâng cấp cho phép các tổ hợp S-300 và S-400 mang đồng thời nhiều loại tên lửa khác nhau.

Các tổ hợp sau khi cải tiến có thể tấn công các mục tiêu tầm rất gần hoặc tầm xa và chuyển đổi lập tức tên lửa cần sử dụng dựa trên tình huống chiến đấu thực tế.

Việc quyết định cải tiên các tổ hợp phòng không nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ tiên tiến đa năng có thể bắn hạ mọi mục tiêu, nguồn tin cho biết.

Hệ thống S-300 với cấu hình đặc biệt.

Hệ thống S-300 với cấu hình đặc biệt.

Kế hoạch nâng cấp theo kế hoạch sẽ được thực hiện đầu tiên với phiên bản S-300PM. Hệ thống sẽ được trang bị tên lửa đánh chặn cỡ nhỏ 9M96 để diệt mục tiêu tầm gần và tăng khả năng đánh chặn tầm xa (gần 400km) với đạn 48N6 và 40N6.

Ở cấu hình hiện đại hóa, sẽ có 1 trong 4 ống phóng được hoán cải để trang bị được 4 đạn 9M96. Hiện 9M96 được phát triển với 3 phiên bản khác nhau.

Trong đó, 9M96 có tầm bắn tối đa 120 km. Tỉ lệ bắn hạ đối với tên lửa đối phương là gần 100%, còn đối với máy bay hay máy bay không người lái là 90% và 80%.

Qua hầu hết các cuộc thử nghiệm đã chứng minh, tên lửa có thể đạt trần bay 56 km, giúp nâng cao đáng kể khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm trung và gần.

Trong khi đó, phiên bản 9M96E2 có thể bắn hạ mục tiêu bay ở khoảng cách tương đương 9M96, khoảng 120km. Nhưng điều làm nên sự đặc biệt của phiên bản này là nó có thể bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào ở trân bay chỉ từ 5 mét đến 30 km.

Khả năng bắn hạ tốt nhất đối với các mục tiêu bay nhanh và cơ động cao ví dụ máy bay tiêm kích. Tên lửa sử dụng đầu đạn định vị bằng radar. Và phiên bản thứ 3 là 9M96E tầm trung (40 km), trần bay 20 km. Đầu đạn định vị radar chủ động.

Với cách triển khai của người Nga giúp những hệ thống S-300PM có thể dễ dàng đối phó với những mục tiêu có trần bay từ 5m cho tới hàng chục km.

Nguồn tin quân sự Nga khẳng định, phiên bản đặc biệt này không được xuất khẩu dù trước đó, trong quá trình đàm phán mua, cả Trung Quốc và thổ Nhĩ Kỳ đều ngỏ ý muốn mua 9M96 và các phiên bản. Vậy tại sao Nga không xuất khẩu loại tên lửa này?

Giới chuyên gia cho rằng, người Nga đang rất thực dụng khi muốn giữ thị phần cho tổ hợp phòng không thế hệ mới khác là S-350E Vityaz, hai loại đạn tên lửa trên chính là vũ khí trang bị cho hệ thống này, nếu mua được tên lửa 9M96 và 9M100 tích hợp trên S-300 hoặc S-400 thì đối tác sẽ không cần thêm S-350E nữa.

Ngoài ra, việc không bán đạn tầm trung còn có tác dụng nữa là sẽ buộc đối tác phải lựa chọn thêm các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp đi kèm S-400 như Pantsir-S1 hay Tunguska-M1, đây thực sự là cách bán hàng khá cao tay của người Nga.

Nhưng theo những thông tin được tiết lộ, cả Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đều không mua bất kỳ hệ thống tên lửa được coi là "vệ sĩ" nào nói trên để bảo vệ cho những tổ hợp S-400 họ mua từ Nga.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/s-300pm-danh-chan-sat-dat-va-xa-nhu-s-400-3420509/