S-300 Syria chính thức trực chiến nhưng vì sao Israel vẫn 'dửng dưng'?

Đại diện quân đội Nga tại Syria mới đây đưa ra tuyên bố rằng kíp trắc thủ tên lửa S-300 người Syria đã nhận được chứng chỉ tốt nghiệp.

Với tuyên bố mới nhất của đại diện quân đội Nga, điều mà giới quan sát trông đợi từ nhiều tháng qua cuối cùng đã trở thành hiện thực, đó là binh lính Syria được trực tiếp vận hành tổ hợp phòng không S-300.

Giới quan sát đang hướng đến những trận đối đầu không khoan nhượng giữa tổ hợp phòng không S-300 của Syria với tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel.

Nga trước kia từng tuyên bố với S-300, lực lượng phòng không Syria đủ sức khóa chặt bầu trời và bắn hạ mọi máy bay chiến đấu nước ngoài xâm nhập trái phép.

Tưởng như với diễn biến mới nhất vừa xảy ra thì không quân Israel sẽ phải tỏ thái độ lo sợ và đưa ra những tuyên bố mang đậm tính quan ngại thì rất ngạc nhiên đó là thái độ của họ vẫn "dửng dưng".

Điều này được giải thích đó là không quân Israel đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với S-300 của Syria từ rất lâu, họ tự tin mình có đủ năng lực để đánh bại tổ hợp vũ khí trên một cách dễ dàng.

Quân đội Israel từng nhiều lần tuyên bố rằng họ thừa khả năng tiêu diệt S-300 của Syria "ngay từ trong trứng nước" nếu vũ khí này được sử dụng để chống lại tiêm kích của họ.

Trong tay Israel đang có nhiều vũ khí theo đánh giá là đủ khả năng đánh bại S-300 khi khoét sâu vào điểm yếu khó giao chiến với mục tiêu bay thấp, lợi dụng địa hình địa vật để xâm nhập trận địa.

Những cuộc tập trận với các lực lượng quân đội có sở hữu S-300 trong biên chế bao gồm Hy Lạp, Ukraine và cả Mỹ đã cho Israel rất nhiều cơ hội để diễn tập với vũ khí và chiến thuật của mình.

Bên cạnh đó không thể bỏ qua thực trạng kíp trắc thủ tên lửa Syria chỉ vừa mới hoàn thành khóa học và nhận chứng chỉ tốt nghiệp, tức là mức độ nhuần nhuyễn trong làm chủ khí tài của họ khó mà bằng được lính Nga.

Ở phía bên kia, các phi công tiêm kích Israel đều là những người lão luyện, thậm chí họ còn có khả năng đối đầu trực tiếp và giành chiến thắng trước khẩu đội S-400 do chính quân nhân Nga vận hành.

Một yếu tố khác cũng cần nhắc tới đó là Nga và Israel vẫn đang duy trì các kênh liên lạc và phối hợp hoạt động với nhau tại chiến trường Syria nóng bỏng.

Nga và Israel được cho là có cùng mục tiêu vào thời điểm này, đó là buộc lực lượng vũ trang Iran đang đóng quân trên đất Syria phải rút hoàn toàn về nước.

Trong khi đó, mục tiêu của những trận không kích do máy bay chiến đấu Israel thực hiện đều nhằm vào vị trí đóng quân của vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Cho nên khả năng đang được nhắc tới là Nga sẽ dùng một vài biện pháp kỹ thuật để chủ động "bịt mắt" S-300 Syria, ví dụ như âm thầm cung cấp mà nguồn điều khiển cho Tel Aviv.

Nhưng dĩ nhiên trên đây mới chỉ là những phân tích đánh giá, còn câu trả lời rõ ràng chỉ có thể đến từ tình hình thực tế tại chiến trường.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s300-syria-chinh-thuc-truc-chien-nhung-vi-sao-israel-van-dung-dung/807726.antd