S-300, S-400 và Pantsir-S1 bất lực nhìn 'Vòm sắt' vượt mặt tại Syria, đã đến lúc Nga lên tiếng?

Xung quanh chiến trường Syria đang duy trì các hệ thống phòng không cực mạnh, nếu như S-300 và S-400 được nhắc tới với sự trông đợi lẫn hoài nghi, Pantsir-S1 được nhắc tới với hiệu năng tác chiến không như mong đợi thì Iron Dome của Israel lại nổi lên như ngôi sao sáng khi liên tục đánh chặn thành công các cuộc tấn công từ phía Syria.

Sau khi không quân thực hiện cuộc không kích lớn nhất kể từ khi Syria nhận hệ thống S-300, Damacus liền có động thái đáp trả khi cho pháo phản lực tấn công ồ ạt vào các vị trí đóng quân của Israel trên cao nguyên Golan.

Nhưng cũng như những lần trước đó, hệ thống Iron Dome đã làm việc hiệu quả khi đánh chặn hầu hết các quả đạn được phóng từ phía Syria.

Các radar cực nhạy của hệ thống phòng thủ Iron Dome đã phát hiện chính xác những quả đạn có thể gây ra thiệt hại để đánh chặn.

Trong khi những quả đạn khác rơi vào vùng không người hoặc nằm bên ngoài hệ thống hạ tầng thì chúng để cho rơi tự do.

Việc có thể phân tích từng vị trí rơi của các quả đạn để quyết định đánh chặn cho thấy Iron Dome của người Do Thái cực kỳ thông minh.

Điều này vừa giúp hạn chế tối đa thương vong, trong khi vẫn đảm bảo tính kinh tế khi không phải tốn quá nhiều đạn.

Hiệu quả của Iron Dome không phải từ các cuộc thử nghiệm mà là được đo từ thực chiến.

Israel luôn phải đối mặt với các cuộc tấn công của phiến quân Hezbollah dùng rocket và đạn cối bắn vào lãnh thổ nước này.

Israel đang sở hữu lưới lửa tên lửa phòng thủ cực lớn với nhiều tầng lớp, trong đó Iron Dome là hệ thống phòng thủ tầm thấp sau cùng để đánh chặn tên lửa trước khi chúng lao vào mục tiêu và phát nổ.

Iron Dome là một trong những hệ thống đánh chặn độc đáo nhất thế giới, ngoài đánh chặn các mục tiêu trên, hệ thống này còn đánh chặn được cả đạn pháo.

Không có nhiều hệ thống có thể đánh chặn tốt các loại đạn pháo, đạn cối kể cả Pantsir-S1 của Nga.

Hê thống Pantsir-S1 của Nga về nguyên tắc cũng có thể đánh chặn đạn cối, nhưng thực tế chiến trường Syria, nơi có khí hậu khắc nghiệt nên radar của hệ thống này hoạt động thua kém nhiều so với Iron Dome.

Iron Dome với biệt danh "Vòm thép" được Israel tự nghiên cứu và chế tạo dùng để bảo vệ không phận nước này khỏi pháo phản lực, đạn pháo và đạn cối cũng như các tên lửa của các lực lượng hồi giáo cực đoan đặc biệt là Hezbollah.

Hệ thống được bắt đầu chế tạo vào năm 2005 và ra mắt công chúng vào năm 2011.

Đạn tên lửa của Iron Dome có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.

Mỗi xe mang phóng có cơ số đạn gồm 20 quả tên lửa được đặt trong các ống phóng.

Hình ảnh mô phỏng các thành phần cấu tạo của hệ thống đánh chặn Iron Dome.

Một khẩu đội thường là 3 xe mang phóng sẽ có tổng số đạn trực chiến là 60 quả tên lửa.

Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.

Tên lửa đánh chặn từ Iron Dome được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay khi chúng còn đang bay trên không từ độ cao lớn, để tránh gây sát thương cho thường dân bên dưới.

Điểm mạnh của hệ thống này chính là tốc độ phản ứng nhanh và có khả năng đánh chặn cực kỳ hiệu quả.

Theo phía Israel công bố, kể từ khi được triển khai từ tháng 3-2011 cho tới tháng 11-2012, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 400 quả đạn được phóng ra từ pháo phản lực vào lãnh thổ nước này.

Như vậy, Iron Dome đã vô hiệu hóa tới 90% số lượng tên lửa được phóng đi từ Gaza nhắm vào các khu dân cư của Israel.

Điểm đặc biệt là Hệ thống "Vòm sắt" còn có cả khả năng đánh chặn được cả các loại máy bay bay ở độ cao tối đa lên tới 10 km.

Iron Dome được coi là hệ thống đánh chặn đa mục tiêu tầm gần hiệu quả nhất hiện nay. Điểm yếu của hệ thống này chính là giá thành, mỗi đạn tên lửa có giá tới 90.000 USD quá đắt đỏ để đánh chặn đạn cối nhưng lại là phương án kinh tế nếu dùng để chặn tên lửa đạn đạo.

Dù vậy với những quốc gia có tiềm lực kinh tế thì đây không phải là vấn đề quá lớn. Mới đây Mỹ cũng đã quyết định mua các hệ thống này.

Đứng trước việc Iron Dome đang nổi lên trong khi các hệ thống S-300, S-400 vãn "im lìm lặng lẽ", dù không ít lần chúng có thể danh chính ngôn thuận khai hỏa khiến Nga sẽ phải có hướng đi mới nếu như không muốn danh tiếng của mình ảnh hưởng.

Trước đó Nga luôn quảng bá các tính năng đỉnh cao của hệ thống S-300 và S-400, tuy vậy chưa từng lập công trong thực chiến khiến cho các thông số Nga đưa ra chỉ có tính chất tham khảo.

Môi trường thực chiến ác liệt sẽ là bài đánh giá tốt nhất cho các hệ thống phòng thủ.

Nhiều quốc gia đang muốn mua hệ thống phòng thủ họ sẽ chỉ "xuống tiền" khi nhìn thấy hiệu quả thực tế thay chỉ nằm lại ở chiêu quảng bá của nhà sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng Nga không cho S-400 khai hỏa vì lo ngại tình hình leo thang. Nhưng ít nhất chúng cũng nên khóa mục tiêu bằng radar để cánh báo chiến đấu cơ đối phương. Tuy nhiên điều này không được thực hiện.

Dù rằng Nga đã từng tuyên bố sẽ bắn hạ chiến đấu cơ hoặc tên lửa hành trình đối phương để bảo vệ đồng minh Syria.

Trong khi đó hệ thống được mong đợi sẽ lần đầu thực chiến là S-300 lại tiếp tục im lặng dù Israel tăng cường tầng suất tấn công.

Có lẽ Nga lo ngại binh sĩ Syria sử dụng thiếu nhuần nhuyễn có thể khiến S-300 bị tiêu diệt ngay trận đầu ra quân.

Hiện Nga dường như đang lấn cấn trong việc xử trí các cuộc tấn công của không quân Israel. Giới chuyên gia quân sự sẽ tiếp tục trông chờ và hy vọng vào sự "chào sân" thực tế của các hệ thống đánh chặn từ Nga để cho thấy Nga vẫn là cường quốc sản xuất các loại tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s300-s400-va-pantsirs1-bat-luc-nhin-vom-sat-vuot-mat-tai-syria-da-den-luc-nga-len-tieng/797269.antd