S-125 Pechora cổ điển 'lột xác' khi được nâng cấp theo công nghệ S-300PMU-1

Các công ty quốc phòng Belarus cho thấy họ đang rất quan tâm tới thị trường nâng cấp tên lửa phòng không S-125 Pechora khi liên tiếp giới thiệu những bản hiện đại hóa đáng chú ý.

 Trên thị trường vũ khí thế giới đang nổi bật hai bản nâng cấp dành cho tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora ra đời từ thời Liên Xô đó là Pechora-2M của Liên doanh Oboronitelnye Sistemy (Nga/Belarus) và Pechora-2TM của Công ty Tetraedr (Belarus).

Trên thị trường vũ khí thế giới đang nổi bật hai bản nâng cấp dành cho tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora ra đời từ thời Liên Xô đó là Pechora-2M của Liên doanh Oboronitelnye Sistemy (Nga/Belarus) và Pechora-2TM của Công ty Tetraedr (Belarus).

Trong hai bản hiện đại hóa trên thì Pechora-2M là biến thể di động đặt trên xe việt dã bánh lốp MZKT-8022 6x6, còn Pechora-2TM vẫn sử dụng bệ phóng cố định.

Tổ hợp Pechora-2M của liên doanh Nga/Belarus có độ cơ động cao hơn Pechora-2TM do Tetraedr tiến hành, nhưng nó cũng có nhược điểm là cơ số đạn mang theo chỉ được 2 quả, đồng thời sau nhiều năm thì đã tỏ ra lạc hậu.

Trước tình hình trên, công ty Alevkurp của Belarus đã giới thiệu một biến thể khác ưu việt hơn có tên gọi S-125-2BM Alebarda, đây thực chất là phiên bản tự hành hóa của Pechora-2TM và được coi là bản nâng cấp của Pechora-2M.

Chương trình hiện đại hóa S-125-2BM Alebarda được triển khai từ năm 2011. Nguyên mẫu được giới thiệu trước công chúng vào tháng 7/2014 trong khuôn khổ cuộc triển lãm quân sự MILEX-2014 diễn ra ở Minsk.

Khác biệt lớn nhất giữa hai gói nâng cấp Pechora-2BM với Pechora-2TM cùng do Belarus tiến hành là các thành phần như bệ phóng, radar điều khiển hỏa lực, cabin chỉ huy đều được đặt trên khung gầm xe đầu kéo bán tự hành

Quan trọng nhất là tổ hợp S-125-2BM Alebarda được ứng dụng một số công nghệ áp dụng trên S-300PMU-1, khiến hai hệ thống này có thể phối hợp tác chiến cùng nhau.

Nhà sản xuất cho biết hệ thống S-125-2BM Alebarda có cự ly tiêu diệt mục tiêu tối đa là 32 km ở trần bay 20 km, thời gian triển khai thu hồi khoảng 25 phút.

Bên cạnh việc "số hóa" các linh kiện theo công nghệ analogue thế hệ cũ, Công ty Alevkurp còn bổ sung cho Alebarda cả thiết bị trinh sát quang điện tử với kênh hồng ngoại giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến.

Đài radar SNR-125 nâng cấp của tổ hợp S-125-2BM nhờ tích hợp ăng ten mảng pha quét thụ động tiên tiến mà cự ly phát hiện tiêm kích hạng nhẹ cỡ F-16 được nâng cao tới con số 70 km, trong tương lai khoảng cách này sẽ còn kéo dài thêm.

Việc sử dụng khung gầm xe đầu kéo rơ moóc do Belarus chế tạo trong nước giúp giảm đáng kể giá thành so với đặt trên xe MZKT-8022, bên cạnh đó còn tăng cơ số đạn mang theo lên thành 4 quả.

S-125-2BM Alebarda có thể sử dụng mọi loại bệ phóng với bất cứ loại tên lửa "ngoại đạo" nào miễn là cùng thuộc phân nhánh S-125 cơ bản, không phân biệt đã qua nâng cấp hay chưa.

Việc tái lập trình quy trình để thiết lập các lệnh điều khiển sẽ gửi tới quả tên lửa chỉ trong vài phần nghìn giây, sau đó chúng có thể được kết nối với trạm điều khiển chiến đấu.

Với các thuật toán dẫn đường tiên tiến, nhà sản xuất còn tự tin tuyên bố rằng thậm chí chỉ với tên lửa cũ thì S-125-2BM vẫn đạt tới cự ly tác chiến tương đương S-125-2M của Nga.

Công ty Alevkurp còn cho biết họ sẵn sàng trợ giúp công nghệ để khách hàng có thể tự tiến hành nâng cấp những tổ hợp S-125 của mình lên chuẩn S-125-2BM, do vậy đây là phương án mà Việt Nam rất nên quan tâm.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s125-pechora-co-dien-lot-xac-khi-duoc-nang-cap-theo-cong-nghe-s300pmu1/787944.antd