Rút viện trợ Afghanistan, Mỹ đòi lại củ cà rốt

Mỹ cắt viện trợ 1 tỷ USD cho Afghanistan sau khi không giải quyết được tranh chấp chính trị, ảnh hưởng đến hòa đàm với Taliban.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Afghanistan ngày 23/3. Trong lần diện kiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, ông Pompeo đã gửi đi thông báo rằng, Washington sẽ cắt viện trợ 1 tỷ USD cho Afghanistan "ngay lập tức" sau khi Kabul không tiến triển trong hòa đàm với Taliban, xuất phát từ các bất ổn chính trị.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong cuộc gặp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong cuộc gặp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ lưu ý tới sự đối đầu gay gắt giữa ông Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah không được giải quyết triệt để dẫn tới hòa đàm với Taliban đổ bể.

Ông Pompeo gọi sự đối đầu chính trị ở chính trường Afghanistan hiện nay đã "làm tổn hại mối quan hệ Mỹ- Afghanistan" và rằng Washington sẽ xem xét hợp tác với nước này cũng như sẽ cắt giảm đáng kể để viện trợ.

"Vì sự thất bại trong lãnh đạo ở Afghanistan đã gây ra mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia Mỹ, có hiệu lực ngay lập tức. Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đánh giá phạm vi hợp tác của Mỹ với Afghanistan" - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố trước chuyến thăm Kabul.

"Hôm nay chúng tôi thông báo điều chỉnh đối với chi tiêu của chúng tôi ở Afghanistan và ngay lập tức giảm hỗ trợ 1 tỷ USD trong năm nay" - ông Pompeo cho biết.

Ngoài chuyến thăm Kabul, ông Pompeo sau đó cũng tới căn cứ không quân al-Udeid ở Doha (Qatar). Chuyến thăm được cho là một nỗ lực cứu vãn thỏa thuận với Taliban của quan chức Nhà Trắng, đồng thời hối thúc lực lượng này thực hiện các nghĩa vụ về trao đổi tù nhân.

Chuyến thăm của ông Pompeo đã trở thành cuộc hội đàm cấp cao nhất đối với lực lượng này. Cuộc họp được tổ chức kín và có thể đã nhắc tới lời thử thách của Washington đối với Kabul.

Sự mạnh tay trong lần cắt giảm viện trợ với Afghanistan có thể khiến cho Kabul trở nên yếu thế hơn nữa trong cuộc đàm phán với lực lượng phiến quân, dẫu đây là một chính quyền hợp pháp được sự công nhận của Liên Hợp Quốc. Trong thỏa thuận với Taliban, Mỹ đã đồng ý với điều khoản: thả 1.000 tù nhân Afghanistan và 5.000 tù nhân Taliban.

Toan tính của Washington cho đến nay càng thể hiện rõ lợi ích thực sự của họ trên mảnh đất này. Mỹ đã "sa chân" suốt 18 năm qua và muốn rời khỏi đây càng nhanh càng tốt, đặc biệt là thời điểm tháng 11 bầu cử đang tới gần.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định chính trị ở Afghanistan cũng như sẽ có thể khiến nước này tiếp tục trở thành "mớ hỗn độn" để các phần tử khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm chiếm.

Bất chấp các cảnh báo từ giới quan sát và thậm chí Mỹ cũng hoàn toàn hiểu được thực tế này, quân đội Mỹ đã rút một phần lực lượng trong kế hoạch 14 tháng rút toàn bộ đội ngũ quân sự khỏi Afghanistan.

Mỹ đang quá ưu ái cho Taliban sau khi sa vào vũng lầy ở Afghanistan.

Tất cả những gì Washington đã thỏa thuận với Taliban chỉ là "tuân thủ đúng cam kết" cho một giải pháp hòa bình ở Afghanistan. Thỏa thuận được giới chuyên gia an ninh gọi là "một canh bạc về ngoại giao" vô hình chung mang lại sự hợp pháp cho Taliban.

Hiện nay, chính quyền ở Kabul là bên chịu cùng lúc các sức ép: thỏa thuận với Taliban, giờ đây đã thêm đe dọa viện trợ của Mỹ và sự đối đầu chính trị với Abdullah Abdullah.

Việc Washington mạnh tay với Kabul lần này một lần nữa cho thấy sự sốt sắng đối với kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Còn nhớ, một bản ghi gồm các cuộc phỏng vấn của Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) được Washington Post công bố hồi cuối năm 2019 đã cho thấy, cuộc chiến đã giết chết 2.300 lính Mỹ và hàng chục nghìn người Afghanistan. Cuộc chiến cũng khiến 20.000 người Mỹ bị thương và tiêu tốn của Washington 1.000 tỷ USD.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/rut-vien-tro-afghanistan-my-doi-lai-cu-ca-rot-3399111/