Rút tiền Bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động thiệt thòi cả trước mắt và lâu dài

Bị mất việc làm vì dịch Covid-19, chị Hoa, một công nhân đến từ Yên Bái, nằm trong số 226.500 lao động trên cả nước rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tính từ đầu năm 2021 đến nay. Cầm mấy chục triệu đồng trên tay, chị Hoa không biết nên vui hay buồn. Dù sau này sẽ khó khăn khi không tham gia BHXH nữa, không còn lương hưu hay tiền tử tuất 'nhưng biết làm sao được, giờ bao nhiêu thứ phải chi tiêu, tiền học cho con, tiền thuê trọ…', chị Hoa ngậm ngùi.

 Việc rút Bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Việc rút Bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa

"Giờ bí bách quá rồi, rút tiền BHXH là lựa chọn duy nhất"

Ngồi một buổi ở trụ sở BHXH một quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều lượt người đến giao dịch. Khá đông trong số đó là người lao động đến làm thủ tục rút tiền BHXH một lần.

"Từ cuối năm 2020 đến giờ, lượt người đến làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm một lần tăng so với trước đây. Chắc là do tác động của Covid-19 khiến họ gặp khó khăn, mất việc", một nhân viên BHXH chia sẻ với chúng tôi.

Vừa nhận được số tiền hơn 60 triệu đồng sau 10 năm tham gia đóng BHXH, gương mặt chị Trần Thanh Mai (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không giấu nổi sự lo lắng, bất an. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 ập đến, khách sạn nơi vợ chồng chị Mai làm việc bị vắng khách, kinh doanh khó khăn. Cuối cùng, cả 2 vợ chồng chị đều phải nghỉ việc. Chồng chị sau đó xin được một việc làm khác, lương thấp hơn nhưng vẫn có chỗ để làm. Còn chị Mai, chỉ biết ở nhà chạy chợ, nấu hàng ăn sáng bán cho người dân quanh khu dân cư. Nhưng thu nhập của chị bấp bênh, trong khi tiền trả góp ngân hàng hàng tháng vẫn không được thiếu ngày nào.

Không còn cách nào khác, chị Mai nghĩ đến cuốn sổ BHXH mà chị đã tham gia được 10 năm nay. Suy nghĩ, đắn đo, hỏi ý kiến người thân, cuối cùng chị đành mang nó đi để làm thủ tục rút "1 cục". "Ai biết về hưu sau này sẽ thế nào. Giờ bí bách quá rồi, rút tiền BHXH là lựa chọn duy nhất của tôi lúc này", chị Mai nói.

Dịch Covid-19 đã tác động đến hàng triệu lao động, khiến họ bị mất việc hoặc thu nhập giảm sút. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều lao động rút BHXH một lần. Ngoài ra, theo Luật Lao động mới, tuổi nghỉ hưu tăng lên, đồng nghĩa với việc thời gian để chờ hưởng lương hưu lâu hơn. Với nhiều lao động, đợi đến lúc được hưởng lương hưu thì quá lâu.

Cần nghiên cứu, sửa đổi những luật liên quan

Theo các chuyên gia lao động, tình trạng rút bảo hiểm một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội.

Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động Ảnh: TTXVN

Đơn cử, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Ngoài ra, nhận BHXH một lần thì người lao động không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, vì người được hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian được hưởng lương hưu.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ở nước ta, số người hưởng BHXH một lần (không tiếp tục tham gia và rút ra khỏi hệ thống BHXH) có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao hàng năm. Trong năm 2020, có 897.000 người xin rút BHXH một lần. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020, số người hưởng BHXH một lần nhiều hơn số người mới tham gia BHXH.

Ông Lê Đình Quảng nhận định, việc người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Bản thân người lao động sẽ rất thiệt thòi về quyền lợi cả trước mắt và lâu dài.

Các chuyên gia đề xuất, thời gian tới cần có những nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, Luật BHXH, chính sách việc làm theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện BHXH thành phố Hà Nội cho biết, so với nhiều địa phương khác, Hà Nội không phải là nơi có quá nhiều người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, xu hướng rút BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng qua từng tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vị đại diện này khuyến cáo, người lao động không nên chỉ chăm chăm nhìn vào số tiền "một cục" khi rút BHXH một lần. Hãy thận trọng, cân nhắc để đảm bảo một tương lai lâu dài cho mình và gia đình.

Trong dự thảo tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một trong những giải pháp đưa ra nhằm mở rộng độ bao phủ của BHXH là điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/rut-tien-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-nguoi-lao-dong-thiet-thoi-ca-truoc-mat-va-lau-dai-20210505121743009.htm