Rút thời gian thực học cấp THCS, THPT

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2020 do Bộ GDĐT tổ chức diễn ra chiều 30/6. Bộ GDĐT cho biết tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh (HS) để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Không tổ chức dạy học trước khai giảng

Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GDĐT cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thườn gxuyên, thay thế cho Quyết định 2071 đã áp dụng từ năm học 2017 - 2018.

Theo đó, tiếp tục thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9 tới; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.

Đối với trường tư thục, Bộ GDĐT xem xét, sửa đổi thông tư 13 cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GDĐT về thời gian tập trung HS đến trường. Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho HS được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Năm học 2020 - 2021, Bộ GDĐT cho biết sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, hời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Qua đó, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và HS.

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết, dự kiến mốc thời gian kết thúc năm học 2020-2021 muộn nhất là 31/5/2021, nghĩa là sẽ có 38 tuần tính từ ngày khai giảng. Trong đó có 1 tuần là nghỉ Tết nguyên đán và 2 tuần thời gian dự phòng. Căn cứ vào khung thời gian đó, các địa phương xây dựng khung thời gian năm học phù hợp với địa phương mình.

Bộ GDĐT giám sát việc chọn sách giáo khoa

Liên quan đến việc tập huấn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021, ông Trần Quang Nam cho biết: Bộ đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng. Bộ GDĐT yêu cầu việc cung ứng SGK phải đảm bảo đến tay phụ huynh, HS và giáo viên trước ngày 15/8/2020.

Để triển khai lựa chọn SGK theo yêu cầu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương chọn SGK lớp 1, phục vụ kịp thời năm học 2020-2021. Đến ngày 30/5, Bộ GDĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GDĐT báo cáo kết quả lựa chọn SGK của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK đều được lựa chọn. Có 61 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.

Tại một số địa phương, một số SGK có tỷ lệ lựa chọn cao hơn với các sách khác. Báo cáo của Bộ GDĐT lý giải là do tính chất đặc trưng của vùng, miền và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, hai địa phương là Long An và Khánh Hòa có kết quả lựa chọn SGK hơi khác so với các địa phương khác với việc toàn tỉnh chỉ lựa chọn duy nhất một bộ SGK hoặc có thay đổi ở SGK Tiếng Anh là môn học tự chọn của một nhà xuất bản khác.

Ngay sau khi nhận được kết quả chọn SGK, Bộ GDĐT đã có yêu cầu địa phương tiến hành ràt soát lại theo đúng chức năng của mình. Đối với Long An, qua kiểm tra cho thấy Long An thực hiện rất đúng với tinh thần Thông tư 01. Khi các trường gửi kết quả lên Sở, Sở đã thực hiện tổng hợp rất trung thực khách quan kết quả các trường gửi lên. Khi báo cáo Ủy ban, Ủy ban rất trân trọng kết quả và báo cáo với tỉnh ủy. Tỉnh ủy khi đó có đề xuất chọn bộ sách có tỷ lệ cao nhất. Sau đó Bộ GD-ĐT đã có ý kiến và Long An đã điều chỉnh, trả lại kết quả đúng như quy định tại Thông tư 01.

Đối với Khánh Hòa, Bộ GDĐT đã trực tiếp có ý kiến yêu cầu rà soát lại tất cả 194 hội đồng lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh. Tất cả các hội đồng này phải có hồ sơ kiểm tra tỉ mỉ từng khâu, từng bước một. Sau hơn nửa tháng kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa có báo cáo chính thức khẳng định hội đồng các trường đã làm đúng theo tinh thần Thông tư 01. Kết quả được tập hợp là khách quan, trung thực và đúng với những gì diễn ra trong thực tế tại các trường đang triển khai. Như vậy, Khánh Hòa khẳng định kiểm tra đầy đủc ác bước rồi.

“Vai trò giám sát của Bộ GDĐT, ngoài hai tỉnh này, khi các hội đồng đang triển khai chọn sách, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã dẫn đoàn đi kiểm tra. Đến thời điểm này Bộ chưa nhận được báo cáo chính thức nào về việc can thiệp trong việc chọn sách, vi phạm Thông tư 01”- TS Thái Văn Tài khẳng định.

Bộ GDĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. Sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, quy định trách nhiệm của Sở, phòng GDĐT, các nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.

Một trong những vấn đề nóng được đặt ra tại cuộc họp báo là những thông tin xoay quanh việc tồn tại của hệ thống các trường chuyên cấp THCS và THPT hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Sự tồn tại của trường chuyên đã được thể chế hóa trong các văn bản của nhà nước. Theo đó, trường chuyên là dành cho những học sinh có kết quả học tập xuất sắc. Không thể xã hội hóa trường chuyên vì liên quan đến việc bồi dưỡng tài năng và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/rut-thoi-gian-thuc-hoc-cap-thcs-thpt-489757.html