Rút ra nhiều bài học quý về sự nghiệp quân sự, quốc phòng

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968: Tầm vóc và bài học lịch sử' tổ chức sáng 9-7, tại TP Vinh (Nghệ An) là hoạt động nhiều ý nghĩa để nhìn nhận, đánh giá sự kiện dưới những góc nhìn, quan điểm khoa học về lịch sử chiến tranh cách mạng. Qua hội thảo nhằm khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự tiêu biểu và quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời rút ra những bài học quý vận dụng vào sự nghiệp quân sự, quốc phòng của Đảng ta hiện nay.

Quyết định chiến lược chính xác của Đảng

Đoàn Chủ tịch hội thảo khoa học gồm các đồng chí: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4; Phạm Đức Châu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị và Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tham dự hội thảo có Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4 và các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng đông đảo nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đã khái quát đặc điểm tình hình, diễn biến và thắng lợi của Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ-ngụy. Đòn nghi binh chiến lược này giành thắng lợi to lớn cả về chính trị và quân sự, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới.

Thắng lợi Đường 9-Khe Sanh 1968 trước hết là ở đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tham luận của mình, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, phân tích: Trên cơ sở nắm chắc tình hình trên chiến trường, cuối tháng 6-1967, Trung ương Đảng nhận định: Địch đã thất bại một bước trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang ở thế bị động. Ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định, tạo chuyển biến nhảy vọt của cuộc kháng chiến. Đến tháng 12-1967, ta xác định có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định thông qua cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Hội nghị lần thứ 14 (tháng 1-1968), Trung ương Đảng thông qua nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ rõ: Cùng với tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam “phải sử dụng tốt nhất LLVT của ta, căng địch ra khắp chiến trường, phải biết điều động lực lượng quân sự của địch ra các chiến trường quan trọng và sử dụng những quả đấm mạnh, đánh quỵ các binh đoàn chủ lực địch, bẻ gãy các cuộc phản kích của chúng”.

 Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng với các đại biểu dự hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng với các đại biểu dự hội thảo.

Thực hiện ý định chiến lược đó, ngày 6-12-1967, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định tập trung bộ đội chủ lực mở Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh. Đây là một quyết định chiến lược táo bạo và chính xác. Đúng như Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định tại Hội nghị khoa học tổng kết các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 3-1986): “Chủ trương chiến lược của Đảng ta hết sức đúng đắn, sáng suốt, là một trong những nét xuất sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong chiến tranh cách mạng miền Nam nói chung, trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 nói riêng”. Trong nhiều tham luận gửi về hội thảo, các tác giả đều thống nhất cho rằng: Đường lối lãnh đạo đúng đắn và sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, tài tình của Đảng là nhân tố dẫn đến thắng lợi trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968, góp phần tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam

Tại hội thảo, tham luận của các nhân chứng và các nhà nghiên cứu quân sự đã tái hiện diễn biến Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh; nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến dịch, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng, khả năng cơ động và thực hành chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu và phục vụ chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường; phân tích tác động, ảnh hưởng của Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh đến thế và lực của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968…

Đại tá, PGS, TS Hoàng Xuân Nhiên, Khoa Chiến lược (Học viện Quốc phòng), dẫn giải: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh diễn ra trên chiến trường chính của các sư đoàn chủ lực, bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng có quy mô tương đối lớn, thực hiện đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự vững chắc của quân Mỹ, bao vây cô lập cụm cứ điểm Tà Cơn gần 6 tháng; giam chân 17/33 lữ đoàn quân Mỹ, kéo thêm được một bộ phận lực lượng tinh nhuệ của địch gồm cả thủy quân lục chiến và kỵ binh không vận ra khu vực Khe Sanh-một vị trí chiến lược rất quan trọng đối với cả ta và địch ở miền núi phía tây Quảng Trị.

Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh còn là nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch. Trên khía cạnh này, các tham luận đã chỉ ra rằng: Đường 9-Khe Sanh không đơn thuần là trận chiến đấu giữa quân và dân ta với quân Mỹ-ngụy, đây còn là nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực đầy cam go, quyết liệt giữa các cơ quan chỉ đạo, tham mưu chiến lược của ta và địch. Rút kinh nghiệm từ thất bại của người Pháp, đế quốc Mỹ muốn thiết lập một “Điện Biên Phủ đảo ngược” ở Khe Sanh, sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội hòng đè bẹp ý chí chiến đấu, khuất phục "hào khí Điện Biên" và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã không thể thực hiện được mục tiêu đó.

Phân tích các tư liệu từ phía bên kia, Đại tá PGS, TS Hoàng Xuân Nhiên đưa ra dẫn chứng thuyết phục: Sau này, khi đánh giá về sự kiện Khe Sanh trong Xuân Mậu Thân 1968, ngay cả các sĩ quan tình báo trong bộ chỉ huy quân sự Mỹ cũng đã thừa nhận, nếu như lúc đó, họ nắm được toàn bộ kế hoạch của cuộc tổng tiến công đi nữa, thì họ cũng sẽ “không thể nào tin được” và không hiểu nổi “bản chất” của hành động này.

Cùng với dẫn chứng nêu trên, các tác giả còn phân tích sâu về nguyên nhân dẫn đến nhận định sai lầm cũng như sự ứng phó bị động của đối phương, nhưng tựu trung, các tham luận bày tỏ sự thống nhất rằng: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nghi binh chiến lược. Do đó, phải gắn tác dụng của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968 trong tổng thể cuộc tiến công chiến lược vào các đô thị mới thấy hết ý nghĩa quyết định của thắng lợi lịch sử này.

Bên cạnh dấu ấn nghệ thuật quân sự, nhiều tham luận gửi về hội thảo còn đề cập sâu sắc tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968. Việc quán triệt và thực hiện tư tưởng liên tục tiến công, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngay từ đầu và trong suốt quá trình tiến hành chiến dịch giữ vai trò hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Bài học cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay

Nhìn một cách tổng thể về Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh xuân-hè 1968, nội dung các tham luận đã tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn các vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng; nghệ thuật khơi dậy, tổ chức và phát huy sức mạnh tổng hợp, nghệ thuật chớp thời cơ và tận dụng thời cơ; về các phương thức tác chiến chiến lược, cách đánh chiến dịch, công tác bảo đảm, xây dựng thế trận vững chắc... Đặc biệt, nhiều kinh nghiệm và bài học được đúc rút ra từ sự kiện lịch sử này, như: Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, chủ động nắm vững tình hình, lựa chọn chính xác mục tiêu, địa bàn chiến dịch và khu vực (hướng) tác chiến chủ yếu; bài học về quán triệt tư tưởng liên tục tiến công, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, xây dựng QĐND vững mạnh; bài học về xác định chính xác phương châm chỉ đạo tác chiến, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật để giành thắng lợi; bài học về tổ chức sử dụng lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường; bài học về phát huy vai trò hậu phương, chiến tranh nhân dân và công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch... Đây chính là tài sản bổ sung quan trọng cho lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam, còn nguyên giá trị nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh: Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh giành thắng lợi vang dội, góp phần quan trọng phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của quân Mỹ. Đây là thắng lợi có tầm chiến lược, phục vụ trực tiếp cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Các tham luận khoa học đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc, cung cấp nhiều tư liệu quý về Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh.

Thượng tướng Lê Chiêm mong rằng sau cuộc hội thảo này, các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu về Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh để các cơ quan bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược này. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đề nghị lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, sau cuộc hội thảo, cần chủ động học tập, tích cực tuyên truyền về Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh và những bài học kinh nghiệm được rút ra, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT - TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/rut-ra-nhieu-bai-hoc-quy-ve-su-nghiep-quan-su-quoc-phong-543519