Rút quân Syria: Đến lượt người Pháp nói nhiều lời

Tổng thống Pháp tuyên bố quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì lực lượng tại Syria và Iraq cho dù Mỹ có rút quân khỏi đây.

Hôm 17/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria và Iraq bất chấp việc Mỹ có rút quân hay không tại những quốc gia này.

Ông Macron cho rằng vụ tấn công khủng bố gần đây tại thành phố Manbij (Syria) khiến 4 bĩnh sĩ Mỹ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nhóm khủng bố IS chưa bị đánh bại tại Syria và Iraq.

"Pháp sẽ tiếp tục tham gia và các hoạt động quân sự ở đây cùng với liên quân chống khủng bố quốc tế trong thời gian tới, ít nhất trong năm 2019. Pháp muốn xác nhận rõ ràng rằng IS sẽ không còn là mối nguy hiểm, và không một người dân nào chịu tổn thất từ chúng thêm nữa" - ông Macron khẳng định.

Tổng thống Pháp phát biểu trong cuộc họp trước tướng lĩnh quân đội ở Toulouse hôm 17/1

Tổng thống Pháp cho biết thêm: "Việc Mỹ thông báo rút quân không có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ mục tiêu chiến lược của mình là loại bỏ phiến quân IS".

Pháp đang có khoảng 1.000 quân tại Syria, hiện diện tại các tỉnh Deir Ezzor, Homs. Họ cũng duy trì một số căn cứ nhỏ gần thung lũng sông Euphrates ở thành phố chiến lược Hajin. Đa phần binh sĩ Pháp hoạt động cùng với các phiến quân của Dân chủ Syria (SDF) tại các căn cứ này. Họ hoạt động độc lập và không liên quan đến các căn cứ của Mỹ.

Tuy nhiên, những tuyên bố của Pháp đã cho thấy quan điểm của Paris về vấn đề đi hay ở của 1.000 quân này tại Syria cũng đang có nhiều thay đổi. Hồi cuối tháng 12/2018, ngay sau khi ông Donald Trump tuyên bố rút quân, Tổng thống Macron đã nổi giận vì sự thiếu tôn trọng đồng minh này và tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại Syria.

Nhưng đến đầu năm 2019, hôm 10/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian của Pháp cam kết Paris sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria bởi họ đã không còn lý do ở lại.

"Chúng tôi hiện diện ở Iraq và cả Syria, nhưng quân số là rất ít, chủ yếu để hỗ trợ người Mỹ. Giờ người Mỹ tuyên bố rút đi, chúng tôi chẳng còn lý do nào để ở lại. Chúng tôi sẽ rút ngay lập tực khi nhà nước Syria thúc đẩy các tiến trình chính trị. Điều này sẽ phụ thuộc thêm vào trách nhiệm của Nga, Pháp không có trách nhiệm ở vấn đề đó" - Ngoại trưởng Le Drian cho biết.

Tổng thống Pháp trong một cuộc thị sát tập trận của lính đặc nhiệm nước này

Và đến ngày 17/1, Tổng thống Pháp nói điều ngược lại. Tuy nhiên, sự bất nhất trong quan điểm của Pháp đang cho thấy họ cũng buộc phải nói đi nói lại nhiều lời bởi những diễn biến tại Syria đang rất phức tạp.

Đầu tiên phải kể đến việc rút quân kiểu Mỹ. Cũng trong ngày 17/1, Tổng thống Trump đã phải lên tiếng tái khẳng định rằng ông thề sẽ đưa binh sĩ ở Syria về nước. Sở dĩ có tuyên bố này bởi quân đội Mỹ vẫn liên tiếp gia tăng củng cố các căn cứ quân sự ở Raqqa, Deir Ezzor, Kobani... Các hoạt động không kích của Mỹ vẫn được gia tăng để hỗ trợ SDF chiếm đóng thêm nhiều vùng lãnh thổ.

Bản chất các Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cũng đang không hiểu Nhà Trắng đang toan tính điều gì tại miền Đông Syria. Ngoài ra, Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn cấp cao John Bolton liên tiếp công du Trung Đông và trấn an tinh thần đồng minh về việc Mỹ sẽ ở lại.

Dù hoạt động độc lập với các căn cứ của Mỹ, nhưng quân đội Pháp ở lại Syria vẫn đang lại cho Paris nhiều lợi ích. Cùng với SDF, Pháp bảo vệ cho các mỏ dầu được nhóm này chiếm đóng và cùng chia sẻ lợi ích từ việc bán dầu. Ước tính mỗi ngày, các công ty của Pháp và Mỹ kiếm khoảng 1 triệu USD từ những mỏ dầu Syria ấy.

Nước Pháp đang là một mắt xích quan trọng trong tiến trình giải pháp chính trị Syria cùng với Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoài ra, còn một cơ sở nữa để Pháp tự tin có thể tồn tại được ở Syria mà không có sự hiện diện của Mỹ. Những gì Washington thể hiện cho thấy họ không quan tâm đến lợi ích đồng minh. Cái ô quân sự của thế lực này đã không còn hiệu nghiệm, và ở thế yếu, Paris buộc phải tự tìm cách xoay sở để bảo vệ lợi ích của mình.

Bằng chứng ở việc từ đầu năm 2019, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin đã liên tiếp có các cuộc điện đàm được cho là "cởi mở" và "dàn xếp được nhiều vấn đề". Trong khi đó, rất có thể việc Paris ủng hộ tiến trình giải pháp chính trị cho Syria như Ngoại trưởng Pháp tuyên bố là một phần trong thỏa thuận để quân đội Pháp tiếp tục hiện diện ở quốc gia này.

Ngoài ra, Paris và SDF cũng đã xúc tiến các cuộc đàm phán và quân đội Pháp cũng đưa ra các cam kết về việc tiếp tục hậu thuẫn SDF, tối thiểu là về vấn đề vũ khí và nhu yếu phẩm. Paris vẫn để ngỏ khả năng tăng cường chiến đấu cơ và thay Mỹ thực hiện các hoạt động yểm trợ không quân.

Như vậy, người Pháp đã tìm cách tồn tại được ở Syria bằng việc thỏa thuận với Nga, thay vì Mỹ. Sự khôn khéo của Pháp đã mang lại lợi ích cho quốc gia này, nhưng thêm một lần nữa ông Macron ghi một điểm xấu trong mắt Washington.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/rut-quan-syria-den-luot-nguoi-phap-noi-nhieu-loi-3373116/