Rút quân khỏi Syria, Mỹ bị coi là 'đem con bỏ chợ'

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/12 tuyên bố rút quân khỏi Syria bị nhiều nhà phân tích coi là hành động bỏ rơi đồng minh chủ chốt của nước Mỹ ở Syria, đó là Lực lượng dân chủ Syria do người Kurd đứng đầu để chống lại IS.

Một xe quân sự cắm cờ Mỹ ở Syria. (Ảnh: CNN)

Hành động của Mỹ được cho là sẽ bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cuộc xâm lược vào vùng đông bắc Syria nhằm đẩy các lực lượng người Kurd khỏi cuộc chiến chống lại IS ở vùng đông nam.

Dù IS có bị kết liễu hay không, nguy cơ rõ ràng nhất hiện nay là chính cộng đồng người Kurd thiểu số phải gánh hậu quả nhiều nhất từ quyết định của Mỹ.

Các thủ lĩnh người Kurd trong Lực lượng Dân chủ Syria kiềm chế chưa phản ứng gì trước tuyên bố của ông Trump vì vẫn chờ biết thêm thông tin.

Nhưng ông Alan Hassan, một nhà báo người Kurd làm việc tại TP Qamishli, Syria, cho biết cộng đồng người Kurd rất bàng hoàng. “Chúng tôi rất sốc. Không khí ở đây cực kỳ ảm đảm”, báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Hassan.

Các nhà phân tích chỉ trích mạnh mẽ

Ông Asli Aydintasbas, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng đối ngoại châu Âu (một tổ chức tư vấn chính sách có văn phòng đặt tại nhiều thủ đô châu Âu), nói rằng Mỹ đang “tiến đến hành động phản bội lịch sử đối với người Kurd”, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria giữa người Kurd và người Thổ, vì người Thổ vẫn coi người Kurd là mối đe dọa đối với chính phủ của họ.

Ông Joost Hiltermann, giám đốc khu vực Trung Đông của International Crisis Group , một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, nói rằng quyết định của Mỹ có thể trở thành “thảm họa” đối với người Kurd. Theo ông, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, người Kurd sẽ bị bỏ mặc “run rẩy trước gió”.

Khi lực lượng đặc biệt của Mỹ (nay còn khoảng 2.000 người ở Syria) đến để đối phó với IS từ năm 2016, họ đã phối hợp với lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd đứng dầu.

Người Kurd đã chứng tỏ họ là đồng minh hiệu quả nhất của Mỹ trong cuộc chiến. Chỉ trong vòng 1 năm, dựa vào lực lượng Dân chủ Syria và các tay súng người Kurd ở Iraq, Mỹ và các đồng minh đã đẩy IS ra khỏi hơn 99% lãnh thổ mà tổ chức khủng bố này đã chiếm trên cả hai nước.

Nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền năm 2017 với lời hứa rút quân khỏi Syria, số phận của những người Kurd sát cánh với Mỹ đối mặt với triển vọng ảm đạm.

Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 1 năm nay, các quan chức Mỹ đề xuất thành lập lực lượng biên giới gồm 30.000 quân, do người Kurd đứng đầu và Mỹ hậu thuẫn ở vùng đông bắc Syria, sẽ hoạt động trong ít nhất 2 năm để giúp đỡ các đồng minh người Kurd của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của lực lượng mà họ gọi là “đội quân khủng bố” này ở sát biên giới của họ, rồi sau đó kế hoạch đó lặng lẽ chìm xuống. Lực lượng Dân chủ Syria là một nhánh của lực lượng dân quân Y.P.G của người Kurd. Y.P.G là đồng minh của nhóm nổi dậy ly khai P.K.K bị Thổ Thĩ Kỳ coi là kẻ thù.

Vài ngày sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công một căn cứ của người Kurd ở vùng đông bắc Syria. Đó là cuộc chiến giữa hai lực lượng đều được coi là đồng minh của Mỹ. Mỹ chủ yếu chỉ khoanh tay đứng nhìn khi các tay súng người Kurd bỏ cuộc chiến chống IS ở miền nam để bảo vệ những người anh em của họ ở miền bắc.

Cảnh tượng đó giờ có vẻ sẽ lặp lại, nhưng với quy mô lớn hơn

Thứ 6 tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công nữa vào đông bắc Syria để tấn công lực lượng người Kurd ở khu vực mà họ được Mỹ hậu thuẫn. Ông Erdogan cử các đơn vị đặc công đến vùng này, làm tăng khả năng đối đầu với quân Mỹ.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ chỉ tiến sâu 10 dặm vào đất Syria nhưng hầu hết người Kurd ủng hộ lực lượng Dân chủ Syria đang sống ở dải đất hẹp gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, như các thành phố Qamishli và Kobani.

Ông Erdogan có cuộc điện đàm với ông Trump vào ngày hôm đó, và Nhà Trắng nói rằng hai nhà lãnh đạo đã “đồng ý tiếp tục phối hợp để đạt được các mục tiêu an ninh phù hợp ở Syria”.
Mục tiêu của ông Erdogan rất rõ ràng.

“Mục tiêu của ông ấy là đập tan Y.P.G.”, ông Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện chính sách cận Đông ở Washington, nói.

Kiểm soát một phần lãnh thổ Syria sẽ giúp ông Erdogan có tiếng nói khi các bên đàm phán thỏa thuận tiến tới chấm dứt chiến tranh, ông Cagaptay nói.

“Thổ Nhĩ Kỳ muốn có mặt trên bàn đàm phán hòa bình. Bạn không thể bàn về tương lai nếu không có quyền kiểm soát 3-4 triệu dân Syria”, ông nói.

Việc Mỹ đơn phương rút quân mà không thương lượng thỏa thuận nào được coi là từ bỏ tiếng nói của mình trong cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng.

Đối với người Kurd, đồng minh tiềm năng duy nhất còn lại là Damascus. Người Kurd đã có các cuộc thương lượng với chính phủ Syria và đề xuất giúp đỡ chính phủ để đổi lấy quyền tự trị ở những khu vực họ đang sinh sống.

Người Syria coi khu vực của người Kurd là vùng đệm để ngăn cách với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra cũng có những mỏ dầu đáng kể ở những khu vực mà IS đã bị hất cẳng và lực lượng Dân chủ Syria đang chiếm đóng.

Dù sao thì cuộc chiến ở Syria vẫn chưa đến hồi kết. IS vẫn kiểm soát một số khu vực nhỏ quanhthành phố Hajin và một vài nơi khác.

Tuần trước, phát ngôn viên lực lượng liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, Đại tá Sean J. Ryan, ước tính đang còn 20.000 – 30.000 tay súng IS ở Syria và Iraq, dù chủ yếu hoạt động ngầm.

Ông Maxwell B. Markusen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, cho biết chúng vẫn thực hiện khoảng 75 vụ tấn công mỗi ngày.

Dù các chính trị gia Mỹ và Iraq nhanh chóng tuyên bố đã “đánh bại” hay “xóa sổ” lực lượng này, nhưng ông Maxwell cho rằng “IS còn xa mới bị xóa sổ”. Một số quan chức Mỹ cũng thừa nhận điều đó.

Bình Giang
theo NYT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/rut-quan-khoi-syria-my-bi-coi-la-dem-con-bo-cho-1358731.tpo