Rút quân khỏi Afghanistan, ông Biden phủ quyết các tướng lĩnh

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, bất chấp khuyến nghị của các tướng lĩnh quân sự, đã ra quyết định rút quân khỏi Afghanistan để kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 20 năm.

Tổng thống Joe Biden vừa ra lệnh rút toàn bộ các lực lượng quân sự Mỹ khỏi Afghanistan. Quá trình này dự kiến hoàn thành vào ngày 11/9.

"Cuộc chiến tại Afghanistan đã kéo dài qua bốn đời Tổng thống Mỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi sẽ không để cho đời Tổng thống thứ 5 phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này nữa", Tổng thống Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Cuộc chiến tại Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của hơn 2300 lính Mỹ và là cuộc chiến tranh dài nhất của nước này.

Quyết định được đưa ra sau khi tổng thống tham vấn các cố vấn và chuyên gia của mình. Tuy vậy, ông Biden được cho là đã đi ngược lại lời tư vấn của các tướng lĩnh hàng đầu quân đội.

 Tính đến năm 2019, cuộc chiến tại Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ hơn 800 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Tính đến năm 2019, cuộc chiến tại Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ hơn 800 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Quyết định chưa từng có tiền lệ

Trước khi quyết định rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden đã những cuộc gặp đầy căng thẳng với các tướng lĩnh của mình tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo Politico, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục duy trì lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Ông đề xuất duy trì các lực lượng đặc nhiệm và huấn luyện để đảm bảo sự hiện diện thường trực của Mỹ trong khu vực. Theo ông Milley, việc này sẽ đảm bảo Afghanistan không rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân.

Theo tướng lục quân đã về hưu Jack Keane, cũng là người muốn giữ các lực lượng quân sự của Mỹ tại Afghanistan, tướng Mark Milley đã đề xuất duy trì khoảng 3.000-5.000 quân tại nước này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley là một trong những người phản đối hành động rút quân của Tổng thống Biden. Ảnh: AP.

Theo Politico, Đề xuất của tướng Milley đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tướng đứng đầu của Bộ chỉ huy các Lực lượng Đặc biệt Mỹ (USSOCOM), Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (US CENTCOM) và chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Tổng thống Joe Biden cuối cùng đã không chọn lời tư vấn của các quan chức tại Lầu Năm Góc và ra lệnh rút toàn bộ quân đội khỏi quốc gia này.

Theo ông Kori Schake, Giám đốc chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện nghiên cứu American Enterprise, Tổng thống Biden cho rằng những rủi ro về an ninh tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân là không đáng kể so với việc tiếp tục cuộc chiến tại đây.

Khi được hỏi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông ủng hộ hoàn toàn quyết định của Tổng thống Biden. Bộ trưởng Austin cũng nói rằng Tổng thống đã cân nhắc kỹ càng trước ra quyết định. Ông kêu gọi các tướng lĩnh hãy thực hiện mệnh lệnh của tổng thống một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Theo đại tá Dave Butler, phát ngôn viên của tướng Mark Milley, tướng Milley đã có đầy đủ thời gian gặp mặt Tổng thống Biden và đưa ra tư vấn của mình.

"Lời khuyên của các vị tướng đã được tổng thống lắng nghe và xem xét cẩn thận trong quá trình ra quyết định nhằm đảm bảo an ninh quốc gia", ông Butler cho biết.

Tuy các quan chức quốc phòng tuân thủ quyết định của Tổng thống Joe Biden, nhiều chuyên gia an ninh và các cựu quan chức quân đội lo ngại quyết định này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Những hậu quả khó lường

Kể từ khi còn là phó tổng thống trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã là một người ủng hộ mạnh mẽ việc giảm sự hiện diện quân sự Mỹ tại Afghanistan.

Tổng thống Biden, người có con trai đã từng chiến đấu ở Iraq, hiểu rất rõ những hậu quả mà những cuộc chiến tranh để lại. Trong cuốn tự chuyện của mình, cựu Tổng thống Obama kể lại ông Biden đã cảnh báo ông không được để các tướng lĩnh quân đội dồn ép trong các quyết định liên quan đến rút quân khỏi các nước Trung Đông.

Tổng thống Joe Biden cùng con trai Joseph "Beau" Biden trong chuyến thăm của ông tới Iraq vào năm 2009. Ảnh: AP.

Quyết định rút quân của Tổng thống Biden đồng thời cũng đến từ thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Mỹ và tổ chức Taliban vào tháng 2/2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Taliban là lực lượng phiến quân lớn nhất tại Afghanistan, kiểm soát một phần lãnh thổ của của quốc gia này. Thỏa thuận lịch sử trên được cho là sẽ đảm bảo hòa bình tại quốc gia Trung Đông, làm tiền đề để Mỹ rút quân.

Tuy vậy, theo tướng David Petraeus, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và nguyên chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan, Taliban không hề có ý định đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.

Theo ông Petraeus, các lực lượng của Taliban nhiều khả năng sẽ mở các cuộc tấn công nhằm vào quân đội chính phủ sau khi quân đội Mỹ rút lui. Điều này có thể đẩy Afghanistan rơi vào bất ổn, biến nơi đây thành nơi trú ẩn cho những tổ chức khủng bố cực đoan như IS hay al Qaeda.

Tướng Jack Keane cho rằng sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại Afghanistan là cần thiết để đảm bảo các lực lượng Taliban tuân thủ thỏa thuận đã ký. Cũng theo tướng Kean, các chỉ huy quân đội Mỹ đều lo sợ Afghanistan sẽ có kết cục giống như Iraq.

Sau khi Mỹ rút bớt quân khỏi Iraq, quốc gia này đã trở thành một trong những nơi khai sinh của tổ chức hồi giáo cực đoan IS. Ảnh: Reuters.

Sau khi Mỹ giảm đáng kể số lượng binh sĩ ở Iraq vào năm 2011, quốc gia này ngay lập tức rơi vào tình trạng bất ổn. Điều này dẫn tới sự hình thành các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ của nước này, tiêu biểu nhất chính là tổ chức khủng bố cực đoan IS.

Theo Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, quyết định của Tổng thống Biden là một quyết định khó khăn. Nhưng theo ông, Tổng thống Biden đã có quá trình xem xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định này.

An Bình

Theo Politico

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rut-quan-khoi-afghanistan-ong-biden-phu-quyet-cac-tuong-linh-post1204868.html