Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong đấu thầu

Việc ban hành Thông tư 05 để chỉnh sửa, bổ sung một số Điều của Thông tư 04 năm 2017 nhằm hoàn thiện các hướng dẫn về đấu thầu qua mạng, đẩy mạnh việc áp dụng đấu thầu qua mạng ở tất cả các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn xã hội nhưng tính đến hết tháng 8 năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng có bước tiến vượt bậc so với cùng kỳ năm 2019.

Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia (Thông tư 05) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9 tới được hy vọng sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư và các nhà thầu.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh một số nội dung của Thông tư này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những quy định mới trong Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà thầu như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Thông tư 05 nhằm sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Thông tư 04). Theo đó, Thông tư 05 được Cục Quản lý đấu thầu xây dựng dựa trên quan điểm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc triển khai đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Thông tư 05 đã bổ sung mẫu hồ sơ mời thầu áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ vốn trước đây chưa được áp dụng. Quy định này giúp hoàn thiện hơn về khung pháp lý đấu thầu qua mạng. Theo đó, kể từ ngày 01/9/2020, các đơn vị có nhu cầu áp dụng đấu thầu qua mạng cho gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ đều có thể thực hiện được trên hệ thống.

Bên cạnh đó, Thông tư 05 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 04 như bổ sung quy định về đánh giá đối với chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình trong gói thầu xây lắp. Cụ thể, đối với gói thầu xây lắp, nhà thầu có thể đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình hoặc không đính kèm chứng chỉ này trong E-HSDT (hồ sơ đấu thầu), kể cả trường hợp E-HSMT (hồ sơ mời thầu) có yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ này.

Việc nhà thầu không đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. Nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét duyệt trúng thầu. Trường hợp nhà thầu trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình trước khi trao hợp đồng...
Phóng viên: Với quy định mới tại Thông tư 05, theo ông, hoạt động đấu thầu có tăng tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả trong thời gian tới?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Đấu thầu qua mạng được quy định cụ thể tại các Thông tư 04, Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT và Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị đảm bảo dự thầu, đảm bảo thực hiện hợp đồng không được hoàn trả đã tạo một sân chơi công bằng, minh bạch cho các nhà thầu khi đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Việc ban hành Thông tư 05 để chỉnh sửa, bổ sung một số Điều của Thông tư 04 năm 2017 nhằm mục đích hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn về đấu thầu qua mạng, đẩy mạnh việc áp dụng đấu thầu qua mạng ở tất cả các lĩnh vực.

Thực tế triển khai đấu thầu trong thời gian qua cho thấy ngoài việc tăng cường công khai thông tin đấu thầu, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thực hiện đấu thầu của các bên liên quan và toàn xã hội thì việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực như thông thầu, gian lận, giả mạo hồ sơ, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong đấu thầu...

Như vậy, cùng với các Thông tư 04, Thông tư 11 thì việc ban hành Thông tư 05 sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả đấu thầu trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các hành vi tiêu cực vẫn tồn tại và xảy ra tại hầu hết các khâu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu? Xin ông nhận định về vấn đề này?
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Trong năm 2019, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, hành vi tiêu cực trong đấu thầu vẫn tồn tại và xảy ra tại hầu hết các khâu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu như: tình trạng chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức kém cạnh tranh; đăng tải chậm, không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, còn sai sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu dẫn đến kiến nghị trong đấu thầu.

Đặc biệt vẫn còn tình trạng chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, lựa chọn tư vấn đấu thầu mang tính hình thức hoặc buông lỏng quản lý thiếu trách nhiệm, giao phó toàn bộ công việc cho tư vấn đấu thầu dẫn đến một số gói thầu xảy ra hiện tượng thông đồng với nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thỏa đáng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân song chủ yếu do các nguyên nhân chính thiếu quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu; sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và bên mời thầu. Năng lực của nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Kế đến là tại một số cơ quan, đơn vị việc kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa thực sự được coi trọng đúng mức. Bên cạnh đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ; trong đó đề xuất 7 nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn tại trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu trên cả nước và đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chấp thuận.

Các nhóm giải pháp bao gồm: nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đấu thầu; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; tăng cường công khai minh bạch thông tin trong đấu thầu; đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông; tổ chức tốt đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm đấu thầu; thực hiện rà soát, hoàn thiện, bảo đảm hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật đấu thầu và các pháp luật chuyên ngành liên quan...

Phóng viên: Xin ông cho biết, những quy định cụ thể các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Theo quy định tại Thông tư 11, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2020 phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Hiện nay, các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đều có thể đấu thầu qua mạng theo các hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Trong giai đoạn sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu để có thể tổ chức đấu thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa chia lô, chia phần, gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá, gói thầu dịch vụ tư vấn áp dụng loại hợp đồng hỗn hợp.

Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, kết quả áp dụng đấu thầu qua mạng thực hiện như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương: Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều phương diện của toàn xã hội nhưng tính đến hết tháng 7 năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng có bước tiến vượt bậc so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng theo hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh đạt 47.097 gói, chiếm tỷ lệ 82,6% với tổng giá trị gói thầu là 136.474 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,5%, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2019.

So với chỉ tiêu Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, đấu thầu qua mạng đã vượt 135% về số lượng và 200% về tổng giá trị gói thầu.

Như vậy, có thể thấy việc các chủ đầu tư đã nghiêm chỉnh chấp hành lộ trình đấu thầu qua mạng quy định tại Điều 29 Thông tư 11.

Chúng tôi cũng hy vọng, từ nay đến hết năm 2020, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng sẽ tiếp tục tăng mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước thông qua đấu thầu.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rut-ngan-thoi-gian-tiet-kiem-chi-phi-trong-dau-thau/169084.html