Rút ngắn khoảng cách năng suất lao động

Năng suất lao động (NSLÐ) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 NSLÐ của Trung Quốc và Ma-lai-xi-a, 1/3 của In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin, 1/2 của Ấn Ðộ và Thái-lan. Còn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, NSLÐ của Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% vào năm 2015'.

Góc nhìn

Số liệu từ Báo cáo "Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam" vừa được công bố, một lần nữa cho thấy thực trạng đáng lo ngại về NSLÐ của nước ta đối với ngành sản xuất có tính chất động lực phát triển chính của nền kinh tế.

Kể từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách cũng như chương trình cải cách, nhưng năng suất và mức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng. Việc chưa nhận diện, chỉ rõ những trở ngại chính gây hạn chế năng suất và khả năng cạnh tranh của các ngành, nhất là ở cấp độ tiểu ngành, liên ngành và ở cấp độ DN là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác hoạch định và thực thi chính sách về phát triển DN còn nhiều hạn chế. Các chuyên gia khuyến cáo, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, theo phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất. Sau mỗi giai đoạn tăng trưởng, bối cảnh kinh tế trong nước và nước ngoài đã thay đổi, làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế của mô hình tăng trưởng cũ. Các động lực tăng trưởng giúp Việt Nam đạt được kết quả cao kể từ khi đổi mới đến nay, gồm tài nguyên khoáng sản; lao động giá rẻ,… đang tiến dần đến trần giới hạn. Do đó, vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho Việt Nam là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các DN. Trong đó, nâng cao năng suất của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình, tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm.

Ðể thành công, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với DN tư nhân. Từ đó, có thể xác định các nút thắt kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành để có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Một vấn đề quan trọng khác là cần chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ số lượng sang chất lượng, đồng thời gia tăng liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI; hướng tới phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu. Ðây là vấn đề không chỉ được đặt ra cho câu chuyện nâng cao NSLÐ của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà cần được đặt ra ở tầm chiến lược cấp cao. Theo đó, cần có nền tảng kết nối Chính phủ, DN FDI và DN trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi; phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích DN trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và DN FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40166402-rut-ngan-khoang-cach-nang-suat-lao-dong.html