Rút kinh nghiệm đại hội điểm, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán

Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước là Đảng bộ cấp trên cơ sở, có 34 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 14 Đảng bộ cơ sở, 10 Đảng bộ bộ phận, 4 chi bộ cơ sở và 6 chi bộ trực thuộc với trên 1.500 đảng viên.

Hoạt động của kiểm toán viên. (Nguồn: TTXVN)

Hoạt động của kiểm toán viên. (Nguồn: TTXVN)

Trong hai ngày 5-6/5, hai đại hội Đảng bộ bộ phận thuộc Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước đã diễn ra, gồm: Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI tại Hà Nội và Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước khu vực VII tại Yên Bái.

Đây hai đơn vị tiêu biểu được lựa chọn để tổ chức Đại hội điểm của Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành dự và chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu tại hai Đại hội Đảng bộ cơ sở, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước là Đảng bộ cấp trên cơ sở, có 34 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 14 Đảng bộ cơ sở, 10 Đảng bộ bộ phận, 4 chi bộ cơ sở và 6 chi bộ trực thuộc với tổng số trên 1.500 đảng viên.

Hai đơn vị lựa chọn Đại hội điểm đều là tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền, là tập thể đoàn kết, nhất trí, cộng sự cao, khắc phục khó khăn, quan tâm thưc hiện tốt nhiệm vụ được giao; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể.

Đặc biệt, đây là hai đơn vị nhất thể hóa giữa tổ chức Đảng và chính quyền, Bí thư đồng thời là Kiểm toán trưởng.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm toàn diện trên các mặt công tác, có nhiều nét sáng tạo trong việc triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đảng tạm thời, công tác kiểm tra, giám sát và phát triển đảng.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI đã đạt được kết quả toàn diện trên mọi mặt công tác. Giai đoạn 2015-2019 đơn vị đã thực hiện 60 cuộc kiểm toán, tổng số kiến nghị kiểm toán là 43.909 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước là 20.662 tỷ đồng, kiến nghị khác (tăng giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, kiến nghị xử lý về xây dựng cơ bản...) là 23.247 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI có 25 kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản; 86 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách. Đặc biệt, chuyển 3 bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng số thực hiện kiến nghị kiểm toán giai đoạn 2015-2018 là 35.515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92,21%.

Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI xác định mục tiêu công tác nhiệm kỳ 2020-2025 là tiếp tục xây dựng Đảng bộ bộ phận Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI trong sạch, vững mạnh; kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Kiểm toán Nhà nước gồm 13 kiểm toán khu vực, trong đó Kiểm toán Nhà nước khu vực VII có trụ sở tại Yên Bái, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trên địa bàn 6 tỉnh Tây Bắc: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Là đơn vị còn mỏng về lực lượng cán bộ, công chức so với kế hoạch biên chế đã được duyệt (số lượng cán bộ, công chức ít nhất trong 13 Kiểm toán Nhà nước khu vực), lại thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc địa hình phức tạp, phạm vi rộng, giao thông khó khăn và có quy mô thu ngân sách thấp so với các địa phương trên toàn quốc nhưng Kiểm toán Nhà nước khu vực VII có kết quả xử lý tài chính khá tốt...

Vượt qua tất cả, đơn vị đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, với kết quả kiểm toán cao cùng nhiều phát hiện quan trọng ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chấn chỉnh những bất cập công tác quản lý đối với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước của địa phương; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách, quản lý tài chính, ngân sách đầu tư...

Cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội đối với đồng bào khó khăn vùng sâu, vùng xa...

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết: Qua quá trình tổ chức hai Đại hội điểm, có thể thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy cấp trên, cấp ủy các đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Đảng-Đoàn thể đã làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội theo quy định.

Sau khi thực hiện các quy trình nhân sự theo quy định, Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước tổ chức duyệt, cho ý kiến cụ thể để định hướng việc xây dựng văn kiện và đề án nhân sự Đại hội; tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, vướng mắc tại đơn vị.

Văn kiện Đại hội được xây dựng đảm bảo chất lượng, có tính khái quát cao, đánh giá cụ thể về những kết quả đạt được cũng như nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế cần khắc phục. Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành đã đi sâu, làm rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, nhất là những khuyết điểm, hạn chế trong nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, các đại hội đều coi trọng toàn diện các nội dung, tránh khuynh hướng quá coi trọng đến công tác bầu cử, xem nhẹ công tác chuẩn bị và thảo luận văn kiện tại đại hội.

Đặc biệt, Đại hội chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự, nâng cao chất lượng cấp ủy viên. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải tuân thủ đầy đủ quy trình năm bước, đảm bảo thực sự khách quan, công tâm, dân chủ. Nhân sự cấp ủy khóa mới phải thật sự chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đảm bảo đổi mới không dưới một phần ba so với đầu nhiệm kỳ.

Cấp ủy khóa mới tại nhiều đơn vị được Đại hội bầu với tín nhiệm rất cao, qua đó thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự của cấp ủy, đảm bảo người tham gia cấp ủy có uy tín, phẩm chất và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; chú trọng chuẩn bị nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đảm bảo theo đúng cơ cấu, số lượng, nâng cao chất lượng đại biểu.

Ngoài ra, cấp ủy thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; thực hiện song trùng mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức Đại hội; chú trọng việc trang trí, khánh tiết đại hội theo đúng hướng dẫn, đảm bảo trang trọng...

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành, những bài học kinh nghiệm rút ra từ Đại hội điểm là cơ sở để Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo, tổ chức thành công các đại hội đảng bộ, chi bộ thuộc Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025./.

Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/rut-kinh-nghiem-dai-hoi-diem-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-kiem-toan/638709.vnp