Rút cáo buộc, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn không dễ cứu được ông Flynn

Bộ Tư pháp rút cáo buộc với ông Flynn nhưng thẩm phán Emmet Sullivan phụ trách vụ án chưa chấp nhận, nói trước mắt sẽ lên lịch nhận góp ý pháp lý về vụ việc.

Bộ Tư pháp Mỹ chưa thể nhanh chóng được chấp nhận rút các cáo buộc hình sự với ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump, theo trang tin Politico.

Kiến nghị rút cáo buộc với ông Flynn được Bộ Tư pháp gửi đến thẩm phán Emmet Sullivan phụ trách xét xử vụ này vào ngày 7-5. Trong văn bản gửi thẩm phán Sullivan, Bộ Tư pháp nói không tin tưởng cuộc phỏng vấn của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với ông Flynn là “điều tra hợp pháp”, cũng như không nghĩ lời khai của ông Flynn là chính xác.

Thẩm phán: Chờ nghe các góp ý pháp lý

Thông thường, các thẩm phán có thể thực hiện theo các kiến nghị của Bộ Tư pháp nhưng cũng có thể từ chối thực hiện kiến nghị. Theo đó, thẩm phán Sullivan hoàn toàn có thể không làm theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và xúc tiến tuyên án với ông Flynn.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn có thể sẽ không dễ dàng thoát tội dù Bộ Tư pháp rút cáo buộc. Ảnh: NYT

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn có thể sẽ không dễ dàng thoát tội dù Bộ Tư pháp rút cáo buộc. Ảnh: NYT

Ngày 12-5, thẩm phán Sullivan, được biết là người có tính độc lập rất cao trong công việc, đã cho thấy ông chưa sẵn sàng hành động theo ý Bộ Tư pháp, thay vào đó ông sẽ lên lịch nhận các bản góp ý từ các bên khác nhau có liên quan đến vụ việc.

“Vào thời gian thích hợp, tòa án sẽ có lịch nhận trình mọi bản góp ý về các vấn đề pháp lý (liên quan đến vụ ông Flynn - PV)” - thẩm phán Sullivan thông báo chiều 12-5.

Ông cũng nói thêm rằng “với đặc điểm của vụ việc”, ông trông chờ sẽ có nhiều bên quan tâm và tham gia góp ý.

Thẩm phán Emmet Sullivan. Ảnh: LAW.COM

Thẩm phán Sullivan không nói ông có hay không việc lên kế hoạch tổ chức một cuộc điều trần về bản kiến nghị bất thường của Bộ Tư pháp yêu cầu từ bỏ vụ án Flynn đã kéo dài hai năm rưỡi. Tuy nhiên, theo Politico, từ thông báo ngày 12-5 cho thấy ông có kế hoạch chấp nhận các tranh luận, ít nhất là tranh luận bằng hình thức văn bản.

Phía ông Flynn: Không có chỗ cho bên thứ ba

Ý kiến thẩm phán Sullivan đưa ra nhanh chóng gặp phản ứng từ các luật sư bào chữa cho ông Flynn.

“Vụ án là một tranh chấp giữa chính phủ Mỹ và một bị cáo. Không có chỗ cho bên thứ ba can thiệp vào tranh chấp này, và chắc chắn không thể chiếm được vai trò của các luật sư chính phủ” - luật sư Sidney Powell đại diện ông Flynn gửi văn bản phản ánh lên tòa cuối ngày 12-5.

Theo luật sư Powell, các bản góp ý pháp lý không được cho phép trong các vụ việc hình sự thể theo quy định tòa án địa phương và tiền lệ của tòa tối cao.

“Trò hề công lý này đã tước mất hơn 3 năm cuộc đời một người vô tội và cả gia đình ông ấy. Không thể cho phép trì hoãn thêm nữa hay có thêm thiệt hại nào nữa với ông ấy” - luật sư Powell viết trong văn bản gửi tòa.

Luật sư Sidney Powell (trái) và ông Michael Flynn (phải). Ảnh: NYT

Trước khi thẩm phán Sullivan ra thông báo, các luật sư đại diện ông Flynn đã gửi đến tòa một thông báo ngắn xác nhận ông ưng thuận với việc vụ án ông được hủy bỏ.

“Ông Flynn đồng ý việc hủy vụ án đáp ứng quyền lợi của công lý và yêu cầu vấn đề này được giải quyết ngay lập tức, không có thành kiến” - luật sư Powell viết.

Ông Trump và ông Obama vào cuộc tranh cãi

Việc Bộ Tư pháp bất ngờ rút mọi cáo buộc hình sự với cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vài ngày trước đã dẫn tới hàng loạt diễn biến tranh cãi. Mà trung tâm của làn sóng tranh cãi này là sự cáo buộc qua lại giữa cựu Tổng thống Barack Obama và đương kim Tổng thống Donald Trump.

Ngày 10-5, trang tin Yahoo News rò rỉ một đoạn ghi âm lời ông Obama trong hội nghị qua điện thoại với các cựu quan chức thời chính phủ của ông. Trong hội nghị này, bên cạnh chỉ trích phản ứng chống COVID-19 của chính phủ ông Trump là “một thảm họa thực sự”, ông Obama còn cáo buộc việc Bộ Tư pháp rút cáo buộc với ông Flynn đã “đặt quy định luật pháp vào rủi ro”.

Cũng ngay trong ngày này, đáp trả lại, ông Trump đăng hàng loạt phát ngôn trên Twitter cáo buộc ông Obama đứng đằng sau cuộc điều tra nghi ngờ đội tranh cử của ông thông đồng với Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump cáo buộc ông Obama “đã dùng những tuần tại nhiệm cuối cùng của mình” để phá hoại chính phủ của ông. Theo lời ông Trump thì ông Obama đã phạm “tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ, tới lúc này”.

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, ông Trump gắn ông Obama với cụm từ Obamagate (một cách làm liên tưởng tới vụ bê bối Watergate dính tới Tổng thống Richard Nixon).

Ông Obama (phải) và ông Trump (trái) bắt tay trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vài ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, tháng 11-2016. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Flynn là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump, nhưng bị ông sa thải không lâu sau khi có thông tin ông nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về liên hệ giữa ông với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Ông Flynn cũng thừa nhận đã khai dối với nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về vụ việc.

Ông Flynn đã nằm trong diện khoanh vùng điều tra phục vụ công tác phản gián của FBI trong hầu hết năm 2016, và sau đó bị FBI chú ý sát hơn sau khi ông công khai bác bỏ mình có bàn bạc chuyện trừng phạt của Mỹ lên Nga với Đại sứ Nga Kislyak sau khi ông Trump đắc cử. Thời điểm này, ông Flynn chưa tham gia chính phủ mới của ông Trump. FBI có được một số đoạn băng ghi âm hội thoại của ông Flynn cho thấy sự thực ngược lại lời ông này nói.

Sau thời gian hợp tác với cuộc điều tra của FBI, đến tháng 1, ông Flynn bất ngờ rút lại lời nhận tội. Thời gian sau đó, ông Trump từng nói có thể ân xá và đưa ông Flynn trở lại Nhà Trắng. Và với động thái rút cáo buộc của Bộ Tư pháp vừa rồi cũng như lời Phó Tổng thống Pence nói ông không xem chuyện ông Flynn nói dối mình thì hoàn toàn có khả năng ông Flynn sẽ quay lại Nhà Trắng.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tham-phan-khong-tu-bo-vu-ong-flynn-du-bo-tu-phap-rut-cao-buoc-912309.html