Rút bớt đối tượng được đề xuất xóa nợ thuế

Tại bản dự thảo mới nhất của Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất xóa nợ, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, đối tượng đã thu hẹp so với dự thảo công bố lần đầu.

Lần này, Bộ Tài chính đã thu hẹp đối tượng được xóa nợ thuế. Ảnh: Minh Tâm

Theo đó, điều 83 dự thảo luật này đề xuất khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp cho người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự và tổ chức; doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể hoặc mở thủ tục phá sản. Bên cạnh đó còn có người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh; người nộp thuế bị cơ quan quản lý thuế đề nghị hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đồng thời với điều khoản về khoanh nợ, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho nhiều trường hợp tại điều 85.

Thứ nhất là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai là chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Thứ ba là các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất, ngoài Bộ trưởng Bộ Tài chính như luật hiện hành, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn có Thủ tướng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan. Tùy vào số tiền xóa nợ mà thẩm quyền xóa nợ thuộc lãnh đạo các cơ quan trên.

Lý giải về đề xuất này trong tờ trình trình Chính phủ về dự thảo luật, Bộ Tài chính cho biết, luật hiện hành quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày. Quy định này áp dụng với cả người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký; doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán…

Quy định này dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31-12-2017 tăng lên đến 10.465 tỉ đồng. Về bản chất, đây là nợ ảo nhưng cơ quan thuế vẫn tốn chi phí, nhân lực trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Do đó, cần khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng nêu trên để làm giảm số nợ ảo.

Như vậy, so với đề xuất tại dự thảo công bố lần trước, đối tượng được đề xuất xóa nợ thuế, khoanh nợ đã thu hẹp khá nhiều. Tại dự thảo lần trước, cơ quan thuế còn đề xuất xóa nợ các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, các liên minh hợp tác xã, tỉnh ủy, thành đoàn, tỉnh đoàn đã giải thể...

Xóa nợ thuế là đề xuất đã được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua. Bình quân mỗi năm một lần, cơ quan chức năng lại đề xuất xóa nợ thuế với nhiều hình thức khác nhau, từ dự thảo nghị quyết đến dự thảo luật sửa đổi. Tuy nhiên, các đề xuất này đều bị giới chuyên gia cũng như lanh đạo Chính phủ không thông qua.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276603/rut-bot-doi-tuong-duoc-de-xuat-xoa-no-thue.html