Rượu thủ công bí quyết gia truyền rất ngon, sao lại cấm?

ĐBQH băn khoăn, rượu thủ công ở Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, Gò Công... rất ngon sạo lại cấm?

Ngày 12/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Hai nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận tại phiên họp là việc cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức, các quy định hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn. và chấm dứt sản xuất rượu, bia nấu thủ công.

Theo báo cáo giải trình mà Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, sau khi họp thẩm tra, Thường trực Ủy ban này đề nghị được giữ nguyên các quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức và quy định cụ thể việc hạn chế quảng cáo sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ.

“Các sản phẩm rượu, bia trên 15 độ cồn sẽ tác động có hại rất lớn đến sức khỏe người dân nên việc hạn chế quảng cáo các sản phẩm này là cần thiết”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, thực chất chỉ có bia và rượu vang là dưới 15 độ, còn lại các loại rượu khác đều 30 - 40 độ. Do đó, nếu cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ thì các loại rượu tây, rượu trắng sẽ bị loại ra ngoài.

“Như vậy là phân biệt đối xử, không công bằng”, ông Chiến nêu quan điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn, dự thảo quy định không quảng cáo rượu, bia trong khung thời gian từ 19 - 21 giờ trên các báo hình, báo nói nhưng hiện nay, bóng đá thế giới quảng cáo bia, rượu ngay trên áo các cầu thủ rất nhiều.

“Nếu cấm quảng cáo bia, rượu như thế này thì người dân sẽ không được xem bóng đá nữa à?”, báo Thanh niên dẫn lời ông Định nói.

Về đề xuất quy định cấm sản xuất rượu thủ công, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận xét: "Nhiều loại rượu thủ công với bí quyết gia truyền có chất lượng rất ngon. Hay gà đồi, gà chạy bộ... ngon lắm, ai cũng thích. Vả lại rượu thủ công còn là bí quyết công nghệ của người dân, dòng họ từ nhiều đời, nhiều năm nay sao lại cấm? Có cấm là cấm sản phẩm làm bậy, có chất độc gây mất an toàn cho người sử dụng".

Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng luật nên cấm sử dụng chất độc, chất cấm để sản xuất rượu, bia chứ không thể cấm rượu, bia truyền thống được.

Đặc biệt nếu luật quy định cứng cấm rượu truyền thống mà chỉ để rượu công nghiệp thì lại nảy sinh phức tạp như vấn đề nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp như vừa qua.

"Rượu truyền thống thường ngon hơn rượu công nghiệp. Như rượu thủ công ở Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, Gò Công... rất ngon sạo lại cấm", báo Người lao động dẫn lời ông Bình bày tỏ.

Cũng theo ông Bình, dự luật không thể bắt buộc các cơ sở nấu rượu làng nghề phải có cán bộ chuyên ngành, phải tốt nghiệp cao đẳng, đại học... Còn để đảm bảo chất lượng của rượu thủ công thì quy định đặt ra buộc cơ sở sản xuất đăng ký chất lượng...

"Như vậy là đẩy khó cho người dân và không khả thi. Dự luật nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Thậm chí nhiều nước còn cho phép trong địa bàn cụ thể được quảng bá đặc sản của địa phương, trong đó có rượu để thu hút khách du lịch", ông Bình đề nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính khả thi và tính thực tiễn trong cuộc sống. Đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu thật kỹ, nếu Luật này nếu làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất rượu, bia và hoạt động kinh tế của các nhà đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Những nội dung trong Luật này liên quan đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia nên phải bảo đảm đúng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết với Quốc tế.

Đồng thời, Luật này cũng tác dụng rất lớn đến tập quán, văn hóa tiêu dùng của cộng đồng, xã hội nên phải tiếp cận một cách đa chiều, đa ngành để xử lý tốt các vấn đề thương mại, văn hóa tiêu dùng và quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo phù hợp với thực tiễn của nước ta.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ruou-thu-cong-bi-quyet-gia-truyen-rat-ngon-sao-lai-cam-3378108/