Rượu Tết: Đừng để sau thăng hoa là 'thăng thiên'

Đến hẹn lại lên, vào dịp Tết Nguyên đán, lại thêm những danh sách nối dài người chết, kẻ bị thương, người lâm vòng lao lý… do bia rượu quá đà.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông do hậu quả bia rượu.

Gần Tết, tại nhiều địa phương, giao thông trở nên tắc nghẽn và rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra với những người chết, người tàn phế, phương tiện hư hại. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông là người điều khiển phương tiện đã uống nhiều rượu bia, không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu.

Nhiều thanh niên, sau khi quá chén đã tự lao xe xuống hồ, vào cột mốc ven đường tử vong. Nhiều người đi đường dù rất cẩn thận cũng trở thành nạn nhân của các “đệ tử Lưu Linh”.

Dịp Tết, nhiều bệnh viện chật cứng bệnh nhân cấp cứu vì đánh nhau, tai nạn giao thông... do quá chén.

Không thể kể hết được những nỗi đau, mất mát, những gia đình khánh kiệt, những tương lai bị hủy hoại vì bia rượu.

Tết, là dịp các gia đình đoàn tụ, bạn bè gặp nhau, anh em họ hàng hội ngộ, nhiều người tổ chức tất niên, mừng thọ, liên hoan, khao vọng… và do quan niệm về Tết cổ truyền nên lượng bia rượu được tiêu thụ rất lớn.

Rượu bia, từ quan niệm truyền thống, đã trở thành “chất xúc tác” không thể thiếu trong các cuộc vui, liên hoan, gặp gỡ, lễ hội, những dịp trọng đại… Người Việt quan niệm uống rượu thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, uống càng nhiều, tình cảm càng đậm sâu, chân thành.

Mặt khác, một số không ít thanh niên thường thể hiện “đẳng cấp”, sức khỏe, sự thăng hoa… bằng tửu lượng. Nhiều người say sưa kể về “chiến tích” uống, coi như một thước đo đặc biệt của nam tính. Bây giờ nhiều phụ nữ cũng thể hiện “phong cách” bằng cách nốc rượu bia, hút thuốc lá.

Đã có nhiều tình huống xô xát, mâu thuẫn, thậm chí án mạng, vì khích bác nhau trong lúc uống rượu, hoặc người này mời, người kia từ chối.

Cũng như sự đa dạng của đời sống, bia rượu thời nay cũng hết sức phong phú, có từ nhiều nguồn, với nhiều giá thành khác nhau: có rượu bia ngoại, bia rượu nội, tự chế, rượu các vùng miền, rồi rượu ngâm đủ thứ thượng vàng hạ cám trên đời.

Đã có nhiều vụ ngộ độc tập thể gây hậu quả nghiêm trọng, do uống rượu không rõ nguồn gốc, có yếu tố độc hại.

Bất chấp các khuyến cáo của bác sĩ và những bài học nhãn tiền về hậu quả kinh hoàng của tình trạng bia rượu quá đà, rất nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ, vẫn uống rượu bia với tốc độ khủng khiếp.

Làm sao để rượu Tết đủ vui mà không quá đà, cho mọi nhà đều có niềm vui trọn vẹn, đang là trăn trở lớn.

Cái gì đã trở thành thói quen, nếp nghĩ, quan niệm gắn liền với văn hóa là rất khó thay đổi. Thiết nghĩ, người lớn cần làm gương cho thế hệ trẻ, giảm bớt rượu bia, chúc tụng, say sưa; thường xuyên khuyến cáo về những hậu quả của bia rượu, đồng thời pháp luật cần có nhiều chế tài mạnh mẽ hơn, để dần dần thay đổi quan niệm của người dân, xây dựng nếp sống văn minh.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/ruou-tet-dung-de-sau-thang-hoa-la-thang-thien-591671.ldo