Rượu cần trong đời sống và tâm thức của đồng bào Thái Thanh Hóa

Rượu cần là loại rượu lên men từ ngũ cốc. Khi ủ lên men không chưng cất như các loại rượu khác mà chỉ cần lấy nước suối trong cho vào chĩnh thì lượng ngũ cốc lên men đó sẽ chiết xuất ra rượu, chất rượu có trọng lượng nặng hơn nước nên lắng xuống phần đáy chĩnh, vì vậy khi uống phải dùng cần để hút.

Cần rượu làm bằng cây trúc loại nhỏ, có khoan lỗ ở gốc và thông các mắt để khi hút thì rượu từ dưới sẽ thông lên tới đầu cần. Rượu cần từ lâu đời đã trở thành đồ uống khá phổ biến đối với bà con sống trên địa bàn miền núi. Riêng đối với đồng bào Thái tỉnh Thanh thứ đồ uống này luôn chiếm vị trí quan trọng và đã trở thành “văn hóa rượu cần”. Rượu cần được dùng trong nghi lễ, làm vía, trong đám cưới, mừng nhà mới, mừng được mùa, đón khách quý và trong việc tang đưa tiễn linh hồn người chết. Rượu cần không chỉ với nghĩa hẹp là sinh hoạt văn hóa ẩm thực mà rộng hơn đó còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng để mọi người cộng cảm, nhân lên niềm vui và chia bớt nỗi buồn cho mọi người.

Truyền thuyết của đồng bào Thái xứ Thanh xưa kể rằng: Rượu cần do một người con dâu hiếu thảo vào rừng tìm được thứ lá lạ, khi về đến nhà tình cờ để lá lạ đó bên cạnh một số loại hạt cây, củ, quả thì trở nên một thứ men có mùi thơm, ngọt. Thứ men đó được hòa với nước suối ban mai sẽ trở thành loại rượu ngon tuyệt vời. Người con dâu hiếu thảo đó nếm thử rồi dâng thứ nước lạ cho bố chồng đã già yếu uống, thì lạ thay ông lão bấy lâu ốm yếu, tiều tụy, sau khi uống thứ nước mà ông chưa từng gặp trong đời bỗng dưng cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái lạ thường. Cô đã truyền dạy cách làm rượu cho dân làng. Kể từ đó, rượu cần đã được phổ biến rộng rãi, mọi người đón nhận, yêu thích và trở thành đồ uống không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Thái.

Rượu cần luôn có mặt trong đời sống và sinh hoạt của mỗi người ở các bản làng người Thái. Rượu cần gắn liền với chu trình sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ, gắn liền với vòng đời người và các lễ thức của họ. Kể từ lúc đứa trẻ ra đời, khi làm lễ thôi nôi, lớn lên và trải qua các lần làm vía, đến khi lấy vợ, lấy chồng, cần rượu lại vít cong trong những ngày lứa đôi ngập tràn hạnh phúc và rồi đến lúc phải từ giã cõi đời trở về với mường Ma, men rượu đã nhạt chỉ còn lại vị chát đắng đưa tiễn linh hồn người quá cố. Mỗi người Thái dù nam hay nữ, dù trẻ hay già đều quý rượu cần. Thời gian đi qua biết bao lời ca, điệu khặp đã nói về thứ rượu đặc sắc này: ... Nước ở suối nguồn xa/ Rót vào chĩnh thành ra rượu ngọt/ Người già hóa ra người trẻ/ Tay nắm tay nghiêng ngả cả sàn...

Và những lời ca như một sự đúc kết và để truyền lại về cách thưởng thức rượu cần:... Đi thuyền xin có người cầm lái/ Đi bè xin có người cầm chèo/ Đường xa qua nhiều nương phải có người dẫn lối/ Uống rượu xin có người cầm sừng khéo nâng/ Xin mời chào khéo thử/ Xin mời ả khéo tay/ Xin mời gái út hay cười hiền nết/ Đến múc nước lên chĩnh to tràn đầy/ Vít cần mời mọi người cùng uống...

Trong cuộc sống đời thường, sinh hoạt văn hóa rượu cần kết hợp với lời khặp và âm nhạc khua luống, trống chiêng, khèn bè làm vui bản, vui mường, khiến khách xa lòng lưu luyến mãi: Rượu tôi rượu quý, rượu yêu/ Con dâu làm để cạnh bồ thóc/ Con yêu làm ủ cạnh sọt bát/ Khách quý đến nhà tôi mới mở/ Mến khách quý yêu tôi mới mời/ ...Rượu nhà tôi ngọt hơn mật ngọt/ Rượu nhà tôi nước suối ban mai/ Mời ngài uống vì tình vì nghĩa/ Nếu có say thì cũng vì nhau...

Trong nghi lễ, người Thái kính dâng rượu và mời các vị thần thưởng thức:... Chắp hai tay tôi xin mời/ Mời các ngài uống rượu siêu để kèm mâm cỗ/ Mời uống rượu chợ để kèm mâm cơm/ Rượu hết, rượu còn để trong chai/ Rót đi, rót lại để cho đủ khắp/ Nâng chén rượu lên môi thì nhấp/ Nâng chén rượu lên miệng kèm ăn.

Những lời mời trên trong lễ cúng thần là mời uống kèm ăn với đồ uống là thứ rượu bình thường. Riêng rượu cần - rượu quý chỉ dùng vào dịp lễ trọng, mời các đấng thần linh tối cao.

Theo quan niệm của người Thái cổ, mọi vật đều có linh hồn “vạn vật hữu linh” do vậy đối tượng thờ của người Thái bên cạnh thờ tổ tiên, những người thân tộc, thờ những người anh hùng có tên và không tên có công trong việc lập mường, dựng bản, diệt trừ ác thú, giúp dân vượt qua gian khó thì đối tượng thờ chính của họ là những hiện tượng của tự nhiên: Trời, đất, núi, sông, rừng cây, mỏm đá, dòng thác, hẻm núi, cánh đồng, ruộng rẫy..., do vậy những tác động của tự nhiên, của thiên thần và nhân thần chi phối tới đời sống của con người thì người Thái đều sùng bái và thờ cúng. Ngoài các nghi lễ và các phẩm vật dâng cúng đã được quy ước phù hợp với đối tượng sùng bái, phụng thờ thì rượu cần được coi là một phẩm vật không thể thiếu trong các cuộc tế lễ. Hãy nghe lời người chủ lễ mời thần Sấm, thần Sông, thần Núi,... về chứng lễ Cầu mưa và thưởng thức rượu cần do bản mường dâng cúng với thái độ thành kính và trân trọng:... Tôi có chĩnh rượu hoa đến mời các thần/ Tôi có chĩnh rượu cần đến mời các đấng linh thiêng/ ... Rượu gạo rất thơm ngon/ Rượu ngô siêu thơm ngọt/ Rượu nếp cái thơm bùi /Mời các ngài ngồi xa xúm lại/ ...Hết người này, người kia lại tới/ Hết người nọ, người khác đến thay... Giờ này rượu nhạt như sương mai/ Tôi mời các ngài bỏ cần quay lưng xấn ra ngồi chiếu/ Để ăn miếng trầu mường dưới mang lên/ Ăn miếng cau mường trên mang biếu.

Rượu cần luôn chiếm một vị trí quan trọng và gắn bó thân thiết trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Thái, được mọi người yêu thích và sử dụng. Rượu cần không chỉ là đồ uống bình thường mà đã được nâng lên thành “văn hóa rượu cần” gắn kết giữa cá nhân với cá nhân, xích lại gần nhau trong niềm vui cộng cảm, mở rộng và liên kết giữa cá nhân với cộng đồng làng xã. Rượu cần với không gian rộng là rừng núi, phạm vi hẹp là ngoài bãi rộng đêm trăng hoặc trong nhà sàn..., môi trường diễn xướng có các nhạc cụ: khua luống, cồng, trống dàm... hỗ trợ với lời khặp thiết tha, bay bổng phản ánh tâm hồn người Thái gần gũi với thiên nhiên, họ luôn mở rộng lòng nhân ái với một triết lý “sống hòa”.

Qua lời mời rượu còn phản ánh tri thức về cuộc sống, cách ứng xử và giao tiếp của người Thái lịch lãm, phong phú, sinh động và giàu nghĩa nhân văn.

Rượu cần - thức uống dân dã đã được thiêng hóa giúp con người đối thoại với thần linh trong một không khí chân thành, cởi mở, dân chủ và bình đẳng. Đối thoại với thần nhưng mục đích chính là hướng tới con người và cõi đời.

Lời mời uống rượu cần trong lễ tế thần mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần gạn đục khơi trong nhằm bảo lưu và phát huy những giá trị tích cực phục vụ cuộc sống không chỉ cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

Hoàng Minh Tường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ruou-can-trong-doi-song-va-tam-thuc-cua-dong-bao-thai-thanh-hoa/120520.htm