Ruột, túi mực và nước thải hôi thối xối xả thẳng ra biển, Đề Gi kêu cứu

Nhiều năm nay, hàng chục cơ sở sản xuất mực xà xả thải thẳng ra biển Đề Gi (Bình Định) khiến vùng này đứng trước nguy cơ 'biển chết'.

Xem clip:

Ông Nguyễn Tiện, người dân ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cho biết, ven biển Đề Gi có hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến mực xà.

Những cơ sở này hình thành hơn 10 năm nay, song không có bể chứa xử lý nước thải và được xả thẳng xuống biển thông qua những đường ống được đấu nối sẵn nằm lộ thiên sát biển.

Các cơ sở chế biến mực xà tự phát, gây ô nhiễm môi trường biển

Các cơ sở chế biến mực xà tự phát, gây ô nhiễm môi trường biển

Đến nay, vùng biển Đề Gi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, mùi thối bốc lên nồng nặc. Môi trường không khí vùng biển cũng ô nhiễm do việc phơi mực xà tự phát của người dân.

Ven biển Đề Gi hiện có hơn 30 hộ dân sinh sống bằng nghề sản xuất, chế biến mực xà.

Từ tháng 2 - 8 âm lịch hằng năm (cao điểm vào tháng 4 - 5), bình quân mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất, chế biến từ 2 - 4 tấn mực, số lượng sẽ tăng gấp đôi nếu vào chính vụ.

Mực xà phơi ven biển Đề Gi phát sinh mùi hôi nồng nặc

Nước thải phát sinh từ việc chế biến mực

“Ruột, túi mực và nước thải không qua xử lý hằng ngày được các cơ sở xả thẳng ra biển. Lâu dần, lớp cát dưới biển bị phủ dày bởi lớp bùn đen hôi tanh do nước, chất thải lâu ngày tích tụ”, ông Tiện than vãn.

Do môi trường nước bị ô nhiễm, nên người dân khi xuống biển tắm, hoặc lặn bắt san hô, thủy hải sản luôn bị ngứa nên lượng khách đến tham quan cũng thưa dần...

Lớp cát dưới biển đông đặc rong rêu, nước thải, chất thải

Không thể cấm người dân sản xuất

Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, việc xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, chế biến mực xà từ các cơ sở ven biển Đề Gi, nhất là đoạn qua thôn An Quang Đông và An Quang Tây là vấn đề khá nan giải. Xã không thể cấm các hộ sản xuất, kinh doanh vì đây là kế sinh nhai của họ.

Lâu nay, địa phương chỉ vận động bà con giảm quy mô sản xuất; đồng thời, yêu cầu chủ sản xuất phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải phát sinh, không được xả thẳng ra biển Đề Gi để hạn chế ô nhiễm, nhưng kết quả không khả quan.

“Trước mắt, xã đã làm việc với các chủ sản xuất yêu cầu mua sắm, trang bị các thùng nhựa để chứa các phế phẩm phát sinh trong quá trình chế biến mực xà; nghiêm cấm hành vi vứt, xả chất thải ra mặt đầm Đề Gi.

Về lâu dài, xã vận động các cơ sở chế biến mực xà vào cụm công nghiệp Cát Khánh để hoạt động sau khi hạ tầng cụm chế biến này hoàn thành”, ông Tiến cho biết.

Ống nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường biển Đề Gi

Ngoài ra, biển Đề Gi còn bị “tra tấn” bởi nạn xả nước thải từ các ao tôm nuôi trên cát. Các hộ nuôi tôm đã dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp ra biển.

Những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản, lộ thiên....

Đang xin hướng xử lý

Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Trần Bá Đăng cho biết, hiện nay xã đang thống kê cụ thể số hộ, diện tích ao nuôi để báo cáo lãnh đạo huyện, xin hướng xử lý.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát nhìn nhận, việc xả thải từ cơ sở chế biến mực xà và ao tôm đang tác động xấu đến môi trường ở biển Đề Gi.

Huyện đã có thông báo, chỉ đạo UBND xã Cát Khánh kiểm tra và đề xuất hướng xử lý những cơ sở sản và chủ hộ nuôi tự phát nhằm sớm có phương án khắc phục.

Hà Vân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/ruot-tui-muc-va-nuoc-thai-hoi-thoi-xoi-xa-thang-ra-bien-de-gi-keu-cuu-647718.html