Ruộng đồng 'khát nước' bên kênh thủy lợi hàng trăm tỉ đồng

Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng hệ thống kênh mới cải tạo không cung cấp đủ nước tưới khiến hàng trăm ha đất, ruộng tại cánh đồng Buôn Choah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bị 'khát nước' nghiêm trọng và có nhiều 'bất cập', nên người dân không khỏi bức xúc.

Nhiều bất cập tại kênh thủy lợi hàng trăm tỉ

Mặc dù được đầu tư với nguồn vốn hơn 160 tỉ đồng giai đoạn 1 nhưng hệ thống kênh mới cải tạo ở trạm bơm số 1 và số 3 cánh đồng Buôn Choah (viết gọn là kênh trạm bơm số 1 và số 3, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) không cung cấp đủ nước tưới phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Thực tế này khiến người dân địa phương không khỏi bức xúc vì hàng trăm ha đất, ruộng tại cánh đồng Buôn Choah đang đối diện với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, không thể gieo sạ kịp vụ Đông - Xuân.

Đoạn đầu của hệ thống kênh thủy lợi nước chảy tràn.

Đoạn đầu của hệ thống kênh thủy lợi nước chảy tràn.

Dẫn đến thực trạng này, theo người dân, đáy đoạn cuối kênh trạm bơm số 1 và số 3 cao hơn đoạn đầu kênh khiến nước chảy ngược, chứ không thể dẫn ra các cánh đồng. Thực tế cho thấy, đoạn đầu kênh luôn đầy ắp nước, thậm chí nếu đóng tất cả các cống phía trên thì đoạn đầu kênh nước tràn ra đường, còn cuối kênh nước chỉ về được ít, không đủ tưới tiêu. Mặt khác, trạm số 1 và số 3 đều được trang bị 2 máy bơm mới nhưng do điện yếu nên chỉ bơm được 1 máy.

Không khỏi bức xúc trước thực trạng nói trên, bà La Thị Chấn (trú tại thôn Ninh Giang, xã Buôn Choah) cho rằng, trước đây kênh cũ vẫn dẫn nước tốt, những vụ mùa trước, bà con luôn gieo sạ đúng thời điểm. Năm nay, kênh được tu sửa mới nhưng không dẫn được nước về cuối tuyến, khiến cả trăm ha ruộng “khát nước” trầm trọng.

Tình trạng đồng, ruộng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn khi ông Đinh Văn Làu (trú tại thôn Ninh Giang) cho hay, do mương dẫn không đủ nước nên nhiều lần bà con từng xảy ra mâu thuẫn vì giành nhau lấy nước để gieo sạ. Để tránh xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng hơn, người dân thống nhất thay phiên nhau lấy nước, hôm nay người này lấy thì mai người khác lấy. Chính vì vậy, nhiều người phải thức cả đêm giữa mùa lạnh để lấy nước cứu ruộng lúa của gia đình mình.

Tuy nhiên, đoạn cuối kênh thủy lợi lại không có nước.

Không chỉ kênh dẫn có vấn đề, ông Ân Văn Phong, Trưởng thôn Ninh Giang còn cho hay, trên toàn cánh đồng Buôn Choah có khoảng 13 vị trí tấm đan dẫn ra đồng đã bị đơn vị thi công kênh bỏ đi. Một số đoạn có cống, có tấm đan xuống đồng thì độ dốc rất cao. Do đó, đến mùa gặt, người dân phải dùng đất lấp kênh lại để xe qua. Hết mùa gặt, bà con lại đào đất lên. Còn lại, đa số phải gặt “cuốn chiếu”, người có ruộng gần đường gặt trước, người ở xa gặt sau vì không có chỗ cho máy xuống. Do đó, người dân phải chịu chi phí cao hơn do các loại máy móc phải đi đường vòng.

Vì đâu nên nỗi?

Theo tìm hiểu, cánh đồng Buôn Choah là vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản với diện tích khoảng 600 ha. Đây cũng là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Chính vì vậy, ngày 15/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình thiếu nước sản xuất tại cánh đồng xã Buôn Choah.

Quá trình kiểm tra, đoàn công tác nhận định, việc người dân phản ánh nước đoạn đầu kênh tràn, nước cuối kênh về ít, không đủ để gieo sạ là đúng thực tế. Đồng thời, việc không có tấm đan bắc qua kênh để đưa máy móc ra đồng...

Liên quan đến sự việc này ông Nguyễn Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choah báo cáo tại buổi làm việc cho biết, vào thời điểm này hằng năm, bà con đã xuống giống 100% diện tích (hơn 700 ha lúa, ngô). Tuy nhiên, năm nay còn hơn 200 ha sẽ chậm thời vụ gieo sạ do thiếu nước sản xuất.

Nhiều diện tích lúa của người dân đã dứt nẻ vì thiếu nước.

Đến trưa 22/1, phóng viên liên hệ với lãnh đạo UBND xã Buôn Choah để cập nhật lại tổng diện tích chưa thể gieo trồng cho đến thời điểm hiện nay do thiếu nước. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho biết, hiện địa phương vẫn đang cho thống kê lại nên chưa có số liệu cụ thể.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư) lại cho rằng, đơn vị đã kiểm tra nhiều lần và khẳng định hệ thống kênh nói trên được thi công theo thiết kế. Còn việc người dân phản ánh nước kênh “chảy ngược”, vị lãnh đạo này lý giải: “Do đầu kênh là phía nguồn, khi bơm lên thì nước chưa chảy kịp và tràn ra, không phải “chảy ngược”. Hơn thế, nhu cầu tưới thực tế của bà con vượt xa so với diện tích trong hợp đồng. Do đó, phía trên xả quá nhiều, nước không về đến cuối tuyến kênh”.

Trước tình hình trên, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đề nghị chủ đầu tư phải làm rõ cao trình kênh, nếu sai sót thì phải khắc phục. “Việc nước đầu kênh chảy tràn, cuối kênh ít, không đủ sản xuất là đúng. Do đó cần phải kiểm tra lại cao trình kênh để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo sản xuất”.

Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn công tác đánh giá, để xảy ra việc thiếu nước sản xuất, một phần nguyên nhân do sự phối hợp của các bên liên quan (chủ đầu tư, Công ty TNHH khai thác Công trình thủy lợi) và chính quyền địa phương (UBND huyện Krông Nô, UBND xã Buôn Choah) chưa tốt. Ngoài ra, hệ thống kênh chưa hoàn thành nên còn tồn tại một số bất cập.

Trên cơ sở đó, các bên thống nhất giao chủ đầu tư rà soát lại thiết kế, thông số kĩ thuật, đáy kênh, thành kênh, công suất trạm bơm...làm rõ nguyên nhân chưa đảm bảo lượng nước tưới và có báo cáo cụ thể về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông. Mặt khác, chủ đầu tư cần phối hợp với điện lực thay thế các trạm biến áp tại các trạm bơm, bổ sung các tụ bù tại các trạm bơm. Đồng thời, tạm bàn giao máy móc tại các trạm bơm để phía Công ty TNHH khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông vận hành bơm nước, phục vụ sản xuất.

Được biết, hệ thống kênh trạm bơm số 1, số 3 thuộc Dự án Nâng cấp công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế, Công ty Cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công. Tổng mức đầu tư của dự án gần 200 tỉ đồng. Dự án này dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được gia hạn đến 31/5/2021./.

Nguyễn Chính – Phạm Thảo

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/ruong-dong-khat-nuoc-ben-kenh-thuy-loi-hang-tram-ti-dong-100615.html