Ruộng đồng khát khô bên công trình thủy lợi hơn 119 tỷ đồng

Hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã hoàn thành thi công và nước đang được dẫn chảy nhưng nhiều diện tích đất canh tác lúa nước của người dân xã Ayun vẫn đang khát khô, dù nằm cách công trình thủy lợi không xa.

Công trình thủy lợi Pleikeo gồm 2 thành phần là Đập đầu mối thủy lợi với kinh phí hơn 41,5 tỷ đồng và Hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi Pleikeo với kinh phí là 77,9 tỷ đồng.

Trong đó, hệ thống kênh có các hạng mục gồm kênh chính, kênh nhánh N1, N2 và công trình trên kênh có chiều dài hơn 15km do Công ty TNHH xây dựng Nghĩa Thành (tỉnh Quảng Nam) làm đơn vị thi công. Đây là hạng mục xuất hiện hàng loạt hư hỏng dù chưa nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Cọc sắt lộ rõ dù công trình thủy lợi đã được xác nhận hoàn thành quá trình thi công.

Cọc sắt lộ rõ dù công trình thủy lợi đã được xác nhận hoàn thành quá trình thi công.

Ngày 30/8, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi một lần nữa đi dọc theo tuyến kênh có chiều dài hơn 15km của công trình thủy lợi này. Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại đoạn kênh mương chạy qua các làng Vương Chép, làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê), một số vị trí hư hỏng đã được đơn vị thi công khắc phục, nhiều vị trí vẫn chưa được khắc phục.

Đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, nhiều diện tích đất canh tác lúa nước nằm gần kênh mương nhưng không thể dẫn nước vào ruộng, nhiều ruộng lúa đất đã nứt nẻ dù kênh mương vẫn đang có nước chảy.

Anh Đinh H’Nơi (trú làng Keo, xã Ayun, huyện Chư Sê) cho biết: Tôi có 4ha đất canh tác trồng lúa nằm bên cạnh kênh mương của công trình thủy lợi. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn tất thì không thể dẫn nước vào ruộng. Nguyên nhân là do thi công mương dẫn nước nằm thấp hơn so với mặt ruộng.

Cũng theo anh Đinh H’Nơi, trong làng có rất nhiều trường hợp giống như mình. Riêng gia đình anh để có nước canh tác, anh phải thuê máy đào hạ thấp mặt ruộng xuống gần 2m, hết 215 triệu đồng. Sau đó, gia đình vẫn phải mượn máy bơm của hợp tác xã để bơm nước vào ruộng.

Đến nay, cây lúa đã gần 2 tháng nhưng rất còi cọc do lớp đất tốt đã bị đào đem đi, giờ chỉ còn đất phèn, không phù hợp cho cây lúa. Đồng thời, nhiều chi phí chăm sóc lúa phát sinh thêm như phân bón, dầu máy bơm nước, công chăm sóc…

Phần cửa vào và cửa ra của một số cầu máng bị nứt nẻ, chưa được khắc phục.

Cũng liên quan đến công trình thủy lợi Pleikeo, ông Đặng Duy Thành (trú làng Keo, xã Ayun, huyện Chư Sê) cho biết: Khi thi công công trình thủy lợi, các đội công nhân thi công có nhờ gia đình nấu ăn, bản thân ông chạy xe thuê cho đơn vị thi công nhưng lại bị nợ lương. Đến nay, các đội công nhân thi công vẫn còn nợ tiền ăn của gia đình hơn 70 triệu đồng, không biết bao giờ mới thanh toán.

Như Báo CAND đã phản ánh, công trình thủy lợi Pleikeo là công trình thủy lợi cấp IV theo tiêu chuẩn công trình thủy lợi. Qua nhiều lần gia hạn thi công và bổ sung vốn, đến nay, công trình thủy lợi Pleikeo có tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng.

Việc hoàn thành công trình thủy lợi nói chung và hệ thống kênh dẫn nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cấp nước tưới cho 400 ha lúa và 100 ha hoa màu cho hơn 800 hộ dân xã Ayun, huyện Chư Sê.

Cuối năm 2019, UBND huyện Chư Sê đã có biên bản xác nhận đơn vị thi công đã hoàn thành 100% khối lượng tại hạng mục kênh dẫn. Tuy nhiên, dù chưa nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng công trình này đã xuất hiện hàng loạt hư hỏng.

Mặt ruộng cao hơn nhiều với kênh mương nên không thể dẫn nước vào.

Cụ thể, một số vị trí cục bộ có hiện tượng rạn nứt chân chim phần bêtông tường kênh và tấm đan đậy nắp kênh. Ngoài ra, một số vị trí tiếp giáp giữa thanh giằng kênh và tường kênh chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng; một số thanh giằng bị đập phá, nứt, vỡ, hư hỏng. Phần cửa vào và cửa ra của một số cầu máng, ống thép bị nứt nẻ, không có tấm nắp. Phần đất đắp phía ngoài phần cửa vào, cửa ra bị xói lở.

Tại một số vị trí cửa vào ống thép còn chưa tháo dỡ ván khuôn phục vụ đổ bêtông. Một số cống, phần gia cố bằng bêtông mái ngoài kênh trên cống tiêu còn bị sụt lún, hư hỏng, hở hàm ếch…

Ruộng lúa khô khát dù nằm cạnh kênh mương dẫn nước của công trình thủy lợi.

Điều này khiến cho nhân dân địa phương bức xúc, nghi ngờ chất lượng công trình cũng như năng lực của đơn vị thi công tại công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Gia Lai được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo xây dựng.

Vị trí dẫn nước vào ruộng đã khô khốc từ lâu.

Anh Đinh H’Nơi phải dùng máy bơm để bơm nước vào ruộng cứu lúa.

Người dân tự chế guồng quay nước để đưa nước vào ruộng.

Chí Hào

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ruong-dong-khat-kho-ben-cong-trinh-thuy-loi-hon-119-ty-dong-609557/