Ruộng bậc thang vùng Cordillera

Ruộng bậc thang là hình thức canh tác độc đáo ở vùng Đông Nam Á, là kiểu canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi với một hệ thống thủy lợi khá tinh vi nhằm cung cấp nước cho sự sinh trưởng của cây lúa. Loại hình canh tác ruộng bậc thang tồn tại ở các nước Đông Nam Á trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Phillippines.

Các ruộng bậc thang vùng Cordillera của Philippines là một công trình nhân tạo cổ có lịch sử từ 2000 đến 6000 năm được tìm thấy trên các núi thuộc tỉnh Ifugao.

Các ruộng bậc thang này được tổ tiên những người dân bản địa sinh sống tại đây tạo nên. Các ruộng bậc thang này có độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển và có diện tích 10.360 km2.

Đây là di sản thế giới đầu tiên được công nhận với tư cách là cảnh quan văn hóa, bao gồm 5 địa điểm là: ruộng bậc thang Batad, ruộng bậc thang Bangaan (bao gồm cả ở Banaue), ruộng bậc thang Mayoyao, ruộng bậc thang Hungduan và ruộng bậc thang Nagacadan, tất cả đều nằm ở tỉnh Ifugao, thuộc Vùng Hành chính Cordillera, Philippines.

Với dân số xấp xỉ 120.000 người sống rải rác trong một vùng rộng lớn lên đến 1.120 km2, nơi có địa hình gồ ghề, lởm chởm núi đá và nhiều mưa bão. Người dân tộc Iflugao vẫn sinh sống và canh tác trên các thửa ruộng bậc thang mà họ chính là người sáng tạo, là chủ nhân của chúng.

Trong hoạt động nông nghiệp truyền thống của mình, tộc người Iflugao có sự liên hệ rất chặt chẽ với cây lúa cũng như những nghi lễ ma thuật, cúng bái xung quanh cây lúa.

Ruộng bậc thang vùng Cordillera Philippine là di tích duy nhất tại Philippines không bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa thuộc địa. Đồng thời hệ thống các ruộng bậc thang này cũng là minh chứng quan trọng trong việc xác định những kiến thức khoa học vượt bậc của người xưa trong việc áp dụng sản xuất.

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO đã công nhận các ruộng bậc thang tại Philippines là Di sản văn hóa thế giới năm 1995.

Minh Châu

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/ruong-bac-thang-vung-cordillera-182042.html