Rước họa từ thuốc nam của ông lang bà mế

Nhiều người dùng thuốc nam trôi nổi để chữa bệnh khớp, hiếm muộn, cam… đã bị ngộ độc chì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bệnh nhân điều trị thải độc chì tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: ẢNH THÚY ANH

Sau 2 tháng uống thuốc nam chữa bệnh đau khớp gối, chị Nguyễn Thanh H. (30 tuổi, ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, tổn thương thần kinh. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân H. nhập viện điều trị vào cuối tháng 3 với bệnh cảnh chính là thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, không thể tự nghiêng mình được.

Người nhà bệnh nhân H. cho biết, khoảng 5 tháng trước nhập viện, chị H. bị đau 2 bên đầu gối nên mua thuốc nam về uống. Sau 2 tháng uống thuốc, chị H. bắt đầu có biểu hiện bị yếu chân tay, xanh xao, sụt cân và tình trạng ngày càng tăng nặng nên được gia đình đưa đến bệnh viện. “Thuốc mua của một thầy lang cách nhà khoảng 7 cây số, do người quen mách. Thầy lang cho uống thuốc bột và viên có màu hồng cam”, người nhà chị H. cho hay.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong mẫu thuốc nam bệnh nhân H. uống có hàm lượng chì 2,95%, cao gấp nhiều lần mức cho phép. Nồng độ chì trong máu lên đến 188,79 microgam/100 dL trong khi nồng độ cho phép thấp hơn 10mcg/dL. Bệnh nhân được xác định ngộ độc chì do dùng thuốc nam dài ngày gây tổn thương thần kinh nặng nề và teo cơ.

Các bác sĩ cho biết, sau gần 3 tuần điều trị thải độc chì và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân H. đã có thể đứng dậy, tự đi lại được. Tuy nhiên, việc thải độc chì cần điều trị lâu dài, dùng thuốc thải độc kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.

Nhiều trẻ nhỏ ở Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định… được gia đình đưa đến khám, điều trị ngộ độc chì tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai do dùng “thuốc cam” mua từ người bán thuốc dạo, ông lang, bà mế không có nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng.

Trung tâm này cũng từng điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Nh. (22 tuổi, ngụ tại Ninh Bình) bị ngộ độc chì sau khi dùng thuốc nam với mục đích tăng khả năng có thai. Chị Nh. cho biết, sau 8 tháng lập gia đình chưa có thai, được bạn giới thiệu, chị đến nhà ông lang L. ở cùng huyện bắt mạch và kê thuốc dùng 3 loại thuốc trong đó một loại thuốc dạng lá để sắc uống và 2 loại viên.

Sau khoảng 10 ngày dùng thuốc, chị bị đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng nên đến khám tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai và được các bác sĩ kết luận bị ngộ độc chì (nồng độ chì máu 59,02 mcg/dL). Hai người khác cùng quê với chị Nh. cũng uống thuốc nam của ông lang L. là các chị Hoàng Thị M. và Ninh Thị V. cũng bị nhiễm độc chì, phải điều trị thải độc.

Nói “không” với thuốc nam trôi nổi

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chì là chất cực độc, khó thải loại, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu vào gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, liệt thần kinh mắt, suy thận…”.

Các bác sĩ đặc biệt lưu ý, chì hoàn toàn không có tác dụng làm tăng khả năng có thai mà ngược lại gây giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Chì từ máu của mẹ dễ dàng sang bào thai và gây độc cho thai nhi. Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn cũng bị ngộ độc chì, đồng thời mẹ dễ bị sảy thai, đẻ non. Kim loại này đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ bào thai. Việc dùng thuốc nam có chì để tăng khả năng có thai là phản khoa học và gây hại cho bệnh nhân.

“Các trường hợp nhiễm chì dự định sinh con cần được kiểm tra sức khỏe hết sức kỹ lưỡng và chỉ nên mang thai khi chắc chắn nồng độ chì trong máu đã giảm về mức an toàn. Quá trình điều trị giải độc phải mất nhiều tháng”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng (còn gọi là hồng đơn) không nhãn mác lưu hành bất hợp pháp khiến nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì. Kết quả xét nghiệm một số mẫu “thuốc” các gia đình cho con uống cho thấy có nồng độ chì cao. Tùy mức độ, trẻ nhiễm độc chì sẽ bị thiếu máu nặng, còi cọc, tổn thương thần kinh, chậm phát triển trí não. Chì tập trung chủ yếu ở xương. Với người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%, do đó rất khó thải độc.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để phòng nhiễm độc chì, người dân không tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mế bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh, không xác định được thành phần hoạt chất trong thuốc. Nên đưa trẻ có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, co giật... đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thông báo cho y tế địa phương có bệnh nhân ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để có biện pháp ngăn chặn.

Nam Sơn

Nam Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/ruoc-hoa-tu-thuoc-nam-cua-ong-lang-ba-me-826913.html