Rừng vàng ở Tây Nguyên biến mất, đất vàng vào tay ai?

Rừng càng bị mất thì đất rừng - tài sản có giá trị dễ dàng lọt vào tay cá nhân, doanh nghiệp. Hệ lụy rất lớn sau tình trạng này không chỉ là môi trường bị tàn phá, đe dọa nền tảng phát triển bền vững, mà ngay trước mắt là bất ổn an ninh trật tự.

Bên cạnh nguyên nhân yếu năng lực, thiếu trách nhiệm, có lý do rất kinh tế, đó là thông tin càng sai, rừng càng bị mất, thì đất rừng-tài sản có giá trị lại dễ dàng lọt vào tay cá nhân, doanh nghiệp. Hệ lụy rất lớn sau tình trạng này không chỉ là môi trường bị tàn phá, đe dọa nền tảng phát triển bền vững, mà ngay trước mắt, an ninh trật tự ở các địa phương cũng trở nên bất ổn.

Con đường phá rừng vàng biến thành đất vàng ở Tây Nguyên đã diễn ra nhiều năm và là cách thức nghiệt ngã nhất khiến rừng biến mất hoàn toàn, không thể hồi phục.

Con đường phá rừng vàng biến thành đất vàng ở Tây Nguyên đã diễn ra nhiều năm và là cách thức nghiệt ngã nhất khiến rừng biến mất hoàn toàn, không thể hồi phục.

99 ha rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH Đỉnh Nghệ, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, sau hơn 10 năm được giao, nay đã hầu như không còn. Còn lại ở dự án này là những tranh chấp không có hồi kết giữa người dân địa phương từng mua bán đất rừng với doanh nghiệp. Một số người dân trong vùng dự án kể lại nỗi khổ khôn xiết của mình vì các tranh chấp đã chuyển thành xung đột bạo lực, khiến đời sống của họ, trật tự an ninh ở địa phương bị đảo lộn.

Theo ý kiến người dân, "những khu đất Công ty sợ không giữ được thì bán lại. Chính gia đình tôi có mua lại từ Công ty Đỉnh Nghệ từ năm 2013 đến nay. Đến 2015 thì công ty cũ đã sang nhượng lại cho ông Khanh, giám đốc mới. Từ năm 2015 đến giờ, giữa ông Khanh và những hộ mua đất như chúng tôi đã xảy ra rất nhiều tranh chấp".

"Phó Giám đốc Công ty Đỉnh Nghệ, cụ thể là ông Nguyễn Tiến Mạnh bắn hai phát đạn vào chân tôi, một phát vào chân trái, một phát vào đùi phải, làm cho gia đình bị suy kiệt. Tôi là lao động chính trong gia đình, giờ rơi vào cảnh túng nghèo, rất khó khăn. Chúng tôi đang rất lo sợ”, một người dân cho biết.

Khi rừng biến mất, đất vàng đang vào tay các cá nhân, doanh nghiệp

Dự án của Công ty TNHH Đỉnh Nghệ chi là 1 trong số hàng chục dự án gây mất rừng, mất an ninh trật tự vì tranh giành đất đai ở tỉnh Đăk Nông, và là một trong số cả trăm dự án tương tự ở khu vực Tây Nguyên.

Nếu như những năm trước, rừng bị mất, hầu hết đất rừng biến thành đất nông nghiệp hoặc đất ở, giá khoảng vài chục triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng mỗi héc ta, thì 2 năm trở lại đây, giá trị đất tăng lên gấp hàng chục lần nhờ làn sóng đầu tư điện mặt trời diễn ra ồ ạt, cơ hội phục hồi rừng càng thấp, áp lực lên rừng càng nặng. Như tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, sau khi những trang trại điện áp mái được xây dựng hàng loạt, mỗi trang trại có giá vài tỷ đồng mỗi MW, thì cả những lô đất nguồn gốc lâm nghiệp ở huyện cũng đang được chào bán với mức giá trên 100 triệu đồng/sào, tức trên 1 tỷ đồng/ha.

“Còn 4-5ha liền kề nhau, người ta không có điều kiện làm sổ đỏ thì còn ở giữa đó. Giá thì hơn 100 triệu đồng một sào, cao nhất là 150 triệu đồng/sào. Nếu ai có nhu cầu là bán hết”, người dân chia sẻ.

Một số trong 50.000 ha rừng nghèo kiệt ở tỉnh Gia Lai chuyển thành nông trường cao su.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai đứng đầu về tình trạng rừng vàng biến mất-đất vàng vào tay cá nhân, doanh nghiệp, bởi trong những năm trước, tỉnh cho phép phá trắng hơn 50.000 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng cao su. Nhưng hơn chục nghìn ha cao su trong số đó không phát triển được, chỉ còn lại đất đang dần biến thành tài sản của doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Gia Lai đang xin Trung ương cơ chế để các doanh nghiệp được chuyển đổi hơn 12.000ha đất rừng sang mục đích khác, chủ yếu là đất trang trại trồng cây ăn trái, trang trại điện gió và điện mặt trời. Theo ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thậm chí tỉnh còn đề nghị Trung ương áp dụng quy định đã hết hiệu lực chứ không áp dụng quy định hiện hành, để doanh nghiệp nhận được đất được dễ dàng hơn.

“Hiện nay doanh nghiệp cũng muốn chuyển sang mục đích khác, tuy nhiên, theo Lâm nghiệp mới, chuyển sang mục đích khác thì 1ha rừng phải trồng lại 3ha. Cũng mong rằng, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định cũ, cứ chuyển 1ha rừng thì trồng rừng thay thế 1ha thôi”, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay.

Nhưng trong nông trường cao su là trang trại trồng cây ăn trái.

Con đường phá rừng vàng biến thành đất vàng ở Tây Nguyên đã diễn ra nhiều năm và là cách thức nghiệt ngã nhất khiến rừng biến mất hoàn toàn, không thể hồi phục. Khi doanh nghiệp dễ dàng nhận được rừng, đất rừng để phá, chuyển đổi, mua bán, sang nhượng đã tạo tiền lệ xấu để người dân cũng tràn vào phá rừng, chiếm đất. Việc phá rừng-chiếm đất như vậy, thậm chí diễn ra công khai, thách thức pháp luật. Điển hình trong đó là những trường hợp mà VOV đã phát hiện ở khu vực rừng ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Tại đây, người dân thôn Ea Rớt, xã Cư Pui đã phá 37 ha trong 5 tháng đầu năm. Nhiều diện tích trong đó chưa canh tác, nhưng không đồng ý giao lại để chủ rừng trồng lại rừng.

Và người truyền lại thông điệp này cho cấp trên, là ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui: “Đất bà con lấn chiếm bây giờ bà con bảo đất lâm trường lên trồng là không được. Đề nghị với Công ty lâm nghiệp có phương án trồng lại rừng trên đồi cao. Phương án công ty hỗ trợ thế nào, ăn chia thế nào, nếu tính được phương án thì phổ biến sớm cho bà con. Rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý là khẩu hiệu được đúc thành bia, dựng ở nhiều vùng rừng của 5 tỉnh. Nhưng giá trị vàng của rừng đang lùi bước, và giá trị vàng của đất rừng đang lên ngôi, khiến các nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng càng thêm khó khăn".

Nhưng giá trị vàng của rừng đang lùi bước, và giá trị vàng của đất đất rừng đang lên ngôi, khiến các nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng càng thêm khó khăn.

Hạn hán, lũ quét, sạt lở đất đã chôn vùi thành quả phát triển của nhiều năm, cướp đi nhiều sinh mạng, là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về giá trị đích thực của rừng, nhưng các địa phương đã không coi trọng đúng mức.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nếu rừng chỉ có giá trị môi trường, phòng hộ là chưa đủ. Rừng cần cho lợi ích kinh tế nhiều hơn cùng với những giá trị về môi trường, phải trở thành vàng thật về kinh tế. Chỉ khi tạo được lợi ích kinh tế rừng đủ nuôi sống các cộng đồng xung quanh, thì áp lực đánh đổi rừng mới giảm, bảo vệ-phát triển rừng mới có thể trở nên bền vững./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/rung-vang-o-tay-nguyen-bien-mat-dat-vang-vao-tay-ai-821654.vov