Rừng trúc cổ tích

Leo cái dốc dựng đứng như sống mũi ngựa, cứ ngỡ đang ngược lên trời. Lần đầu tiên đặt chân lên rừng trúc Háng Sung ngỡ như lạc vào rừng trúc cổ tích…

 Chiều trong rừng trúc Háng Sung. Ảnh: Thái Sinh.

Chiều trong rừng trúc Háng Sung. Ảnh: Thái Sinh.

Mù Cang Chải đang vào vụ cày cấy, người dân miền núi gọi là mùa nước đổ. Cuối tháng 5, mùa mưa mới thật sự đến vùng đất trên các sườn núi cao. Sau chín tháng mùa khô dài dằng dặc, những cơn mưa đầu mùa dềnh dàng kéo đến bằng những tiếng sấm ì ùng trên các đỉnh núi vời vợi mây ngàn. Người ta ngửa cổ nhìn trời rồi xòe hai bàn tay ra để xem mưa đã rơi xuống chưa.

Ruộng bậc thang trên con đường lên Háng Sung. Ảnh: Thái Sinh.

Khao khát đợi chờ, mà mưa như những kẻ chơi trốn tìm cứ lẩn khuất ở đâu đâu, thi thoảng lại lắc rắc vài hạt như thử sự kiên nhẫn của lòng người. Cả ngàn đời nay, người dân vùng cao Mù Cang Chải chỉ cấy một vụ, họ khao khát đợi chờ những cơn mưa từ trên trời cao xuống.

Mưa mang đến niềm vui và hạnh phúc cho tất cả vạn vật dưới mặt đất, những con trâu được thỏa thuê uống nước, lũ ngựa chạy lồng trên mặt đất đón những hạt mưa lạnh giá rơi từ trên thăm thẳm cao xanh xuống, lũ trẻ con hứng nước từ các mái nhà rồi chúng cởi hết quần áo lao ra đùa nghịch dưới mưa…

Trên núi cao Mù Cang Chải, mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng tư, mở màn là những trận giông lốc sấm chớp ình oàng tưởng như vỡ núi. Chỉ sau vài trận mưa, cây cỏ đua nhau lên xanh, măng lên nhọn đất, mặt đất ẩm dịu trở nên nhuần nhị, đỏ au như những tảng thịt bò tươi.

Năm nào mưa sớm thì năm ấy được cày cấy gieo trồng sớm, mùa màng tốt tươi, năm nào mưa muộn thì năm ấy chẳng mấy khi được ăn. Bởi thế, người dân vùng cao Mù Cang Chải khao khát và ngóng đợi mùa mưa đến sớm, họ gọi là mùa nước đổ.

Chiều nắng dịu, tôi ngồi sau xe Thào A Pủa- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Mù Cang Chải lên khu rừng trúc Háng Sung để tận mắt nhìn thấy khu rừng trúc mà khoảng hơn tháng nay đã khiến thiên hạ điên đảo vì vẻ đẹp hoang sơ của nó.

Đường lên Háng Sung toàn dốc, những cái dốc dựng đứng như sống mũi ngựa, Pủa bảo: Chú bám chặt vào người cháu nhé…Rất may là con đường lên bản Háng Sung đã được bà con đổ bê tông rộng chừng 3 gang tay đủ để một chiếc xe máy đi, nếu gặp người đi xe máy ngược chiều thì người xuống dốc phải dừng lại tấp vào ven đường nhường cho người từ dưới dốc lên.

Đêm qua vừa mưa một trận rất to, đất đỏ quánh lại dính như kẹo kéo, những chiếc xe máy của các hộ dân sống ở đây đều có bộ xích để quấn lốp xe. Vào ngày mưa, xe không quấn xích thì không thể nào leo núi được. Nhìn những vết xích xe máy in trên đường đủ cho tôi biết nhiều chiếc xe máy vừa qua đây.

Quá bất ngờ trước những thửa ruộng bậc thang vào mùa nước đổ trong ánh nắng chiều như giát bạc lấp lánh dưới chân núi và khắp các triền núi, còn nhiều thửa đã cày đang đợi nước để bừa nâu sậm, cạnh đó là những nương ngô xanh mỡ màng, gió lật tung những lá ngô phản chiếu ánh nắng chiều lấp lóa. Một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hồn mà không ngôn từ nào tả hết.

Cụ Giàng Thị Phênh, chủ nhân khu rừng trúc. Ảnh: Thái Sinh.

Rừng trúc Háng Sung ở xã Mồ Dề được phát lộ khi những chàng trai, cô gái người Mông chụp mấy cái ảnh đưa lên Facebook cá nhân, khiến cư dân mạng phát rồ, họ truy tìm khu rừng trúc đó ở đâu, sao mảnh đất Mù Cang Chải khô cằn sỏi đá lại có khu rừng trúc đẹp như tranh vậy?

Nhiều người không tin, cho đó là những bức ảnh ghép, bản thân tôi đã từng lặn lội khắp núi rừng Mù Cang Chải nay nhìn thấy những bức ảnh chụp rừng trúc nên không khỏi ngạc nhiên.

Cho đến khi điện hỏi bí thư huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên, anh khẳng định bản Háng Sung có khu rừng trúc như thế thì tôi mới thật tin.

Chiều nay thì tôi đã có mặt trong khu rừng trúc đó. Đón tôi là một cụ già ngồi trên chiếc sạp làm bằng trúc, cụ đang vuốt những sợi lanh, tôi có cảm giác cụ đang truốt những tia nắng chiều xiên qua rừng trúc long lanh đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng. Cụ tên là Giàng Thị Phênh năm nay đã hơn 80 tuổi rồi.

Bản Háng Sung, tiếng Mông nghĩa là bản rừng trúc. Người dân vùng cao đặt tên bản, tên đất, tên ruộng… gắn với một vật hay sự việc đặc trưng của vùng đất đó. Cạnh bản Háng Sung là bản Màng Mủ, đơn giản bản ấy có nhiều cây màng mủ. Xã Chế Cu Nha là xã bản nhà cháy. Ở xã này có bản Trống Tông, nghĩa là bản có khu rừng nhiều gỗ lớn…

Biết chúng tôi đến thăm khu rừng trúc, nên cụ nhiệt tình dẫn chúng tôi khắp khu rừng. Cụ không nói được tiếng Kinh, thông qua Thào A Pủa tôi biết rằng cụ chính là chủ nhân của khu rừng trúc này.

Cụ Phênh kể rằng khi cụ sinh ra đã thấy khu rừng trúc này rồi, lúc cụ lẫm chẫm biết đi mẹ cụ địu cụ tới khu rừng để lấy măng.

Mẹ đặt cụ trong chiếc gùi đan bằng những cật trúc rồi treo lên gốc cây trong rừng, cụ đứng lên cằm vừa đúng miệng gùi, mẹ cụ vừa hái măng vừa hát, cụ ô a gọi mẹ lần quanh gùi nhìn theo hướng mẹ. Khi 7-8 tuổi thì bàn chân cụ đã đi khắp khu rừng trúc, không một mét vuông nào là không in vết chân cụ.

Cụ không đếm được rừng trúc có mấy trăm ngàn cây, nhưng cụ biết được từng cây, cây nào bị gió bẻ cụt ngọt, cây nào bị sâu đục thân, nhìn từng cây cụ biết tuổi của chúng…

Mùa đông năm ấy, hình như cụ mới 9- 10 tuổi, tuyết phủ trắng trời, rừng trúc trắng màu tuyết phủ, nhiều cây ngoài bìa rừng không chịu nổi tuyết đổ rạp xuống, sau khi tuyết tan nhiều cây héo úa rồi khô xác.

Cuối mùa khô năm ấy lửa cháy rừng ngùn ngụt, cả rừng trúc bị thiêu trụi đất như bị nung đỏ. Mấy ngày sau khi đám cháy rừng đã tắt, đất dưới chân đã nguội cụ mới chạy ra xem khu rừng trúc, tất cả đã thành tro than.

Cụ quỳ xuống vốc nắm tro lên đôi bàn tay đen đúa ấp lên mặt khóc nức nở. Khu rừng trúc cung cấp cho dân trong bán Háng Sung cây để làm nhà, rào vườn, củi đun, đan lát… bây giờ thì cả khu rừng trúc đã biến khỏi mặt dất, nhiều gốc cây không cháy hết dựng lên như chông.

Cụ khóc rất lâu, thương rừng trúc bị cháy. Khi ngẩng lên thì thấy cha mẹ cụ đang đứng phía sau, bố cụ bảo: Nín đi con, đến mùa mưa trúc lại mọc lại thôi con ạ…

Bà cháu cụ Phênh trong rừng trúc. Ảnh: Thái Sinh.

Năm ấy nhiều người trong bản Háng Sung đòi gieo lúa, ngô ở khu rừng trúc đã cháy, nhưng bố mẹ cụ không nghe: Nhà tôi có thể nhịn đói nhưng không ai được cuốc đất gieo hạt ở khu rừng trúc này. Rừng cháy thì rừng lại mọc, trúc cho ta cây cối để làm nhà, bắc giàn bí, rào ruộng không cho trâu bò vào phá…phá rừng trúc thì lấy cây gì để làm nhà? Thế là mọi người đành chịu.

Hình như ngày nào cụ cũng ra rừng trúc, đêm trăng sáng cụ đều ra rừng trúc nghe tiếng lá rơi xào xạc, tiếng ve mùa hè ran ran bất tận. Cụ còn nhớ khi cô gái Phênh bước vào tuổi 17, mùa đông năm ấy rét lắm, tuyết rơi đến mấy đêm liền cả núi rừng Mù Cang Chải ngập trong màu tuyết trắng.

Lạ chưa, đêm trên núi màu tuyết trắng hay ánh trăng từ trên trời cao rọi xuống đã soi cho bước chân cô gái Phênh len lén ra khỏi nhà theo tiếng khèn lá của chàng trai đang đi về phía rừng trúc.

Họ gặp nhau trong đêm huyền diệu, khi đó tóc và toàn thân cô Phênh đã trắng toát những bông tuyết trắng. Đêm tuyết rơi ấm áp lạ thường, chỉ khi tuyết tan trời mới trở nên rét buốt.

Hai người quấn vào nhau trong tuyết lạnh, Phênh hỏi: Vì sao anh lại đến khu rừng trúc này. Anh đáp: Vì biết em yêu rừng trúc như yêu cuộc đời mình…Sau đêm ấy chàng trai chờ đến mùa xuân năm sau rủ đám bạn đi xuyên qua khu rừng trúc kéo Phênh về làm vợ.

Cụ Phênh kể chuyện cuộc đời mình gắn bó với rừng trúc với tác giả. Ảnh: Thái Sinh.

Kể cho tôi nghe chuyện tình của mình cụ cười răng đã rụng gần hết. Trên gương mặt của cụ bà hơn 80 tuổi vẫn lưu giữa nhiều nét đẹp của thời thanh xuân, gương mặt thanh tú, sống mũi thẳng, đôi mắt lá răm như lấp lánh nụ cười trong đó.

Trước khi viết bài này tôi đưa vài hình ảnh cụ Phênh và rừng trúc lên trang Fb của mình, một tài khoản có tên là Huệ Lê phải thốt lên: Đẹp tuyệt chú ạ, cụ già này ngày trẻ cũng xinh lắm chú nhỉ?

Thiếu nữ Mông bên rừng trúc Háng Sung. Ảnh: Thái Sinh.

Khi nghe tôi kể chuyện về cụ Phênh, sẽ có người bảo tôi là bịa. Vâng, cũng có thể là bịa, nhưng tôi không thể bịa ra tên cụ, hình ảnh cụ và khu rừng trúc đẹp như tranh, giống khu rừng cổ tích mà chúng ta từng thấy trên phim ảnh và trong các sách báo, thì điều đó còn hay hơn cả những gì mà tôi không thể nào bịa nổi.

Cháu cụ là Mùa Thị Chi, cô bé có gương mặt khá giống cụ, khi nghe cụ kể cứ tủm tỉm cười. Tôi hình dung ra cô bé Chi này, biết đâu mai ngày cô sẽ là người kể tiếp câu chuyện cổ tích về rừng trúc Háng Sung?

Cô bé Mùa Thị Chi. Ảnh: Thái Sinh.

Ai không tin khi tới Mù Cang Chải thì cố lên Háng Sung một lần, con đường lên núi chỉ khoảng 2.500m thôi, lên đó bạn sẽ thấy hay hơn những điều tôi đã kể.

Từ trên bản Háng Sung nhìn xuống. Ảnh: Thái Sinh.

Thái Sinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/rung-truc-co-tich-d265718.html