Rừng trà - Biển tri thức

Trên bản đồ ngành trà thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm năm nước dẫn đầu về nguồn nguyên liệu xuất khẩu trà công nghiệp. Còn nếu nói về những gốc trà cổ có tuổi đời trên trăm năm, Việt Nam là quốc gia chiếm giữ số lượng và trữ lượng hàng đầu thế giới. Tìm đến từng vùng trà cổ thụ luôn là câu chuyện đầy thú vị, bởi ngoài khám phá phong vị trà đặc trưng từng vùng miền, đó còn là hành trình tìm về cả một vùng văn hóa.

Cây trà, tên khoa học là camellia sinensis, búp và lá được hái để chế biến trà. Việt Nam là một trong những cái nôi của cây trà, hiện có gần 300 giống trà. Trong đó, trà shan là giống bản địa vì là cây mọc hoang trong rừng, được người dân phát hiện, hái, sử dụng và nhân giống. Trà shan rất thích hợp với điều kiện khí hậu sương mù, biên độ thời tiết ngày đêm chênh lệch lớn. Người Pháp đã lấy giống này đi trồng ở nhiều nơi, trong đó có Sri Lanka. Trà shan sống khỏe, lá to, búp dày, chất lượng tốt nên được người mê trà đặc biệt ưa dùng. Vùng trà shan do người Mông, Dao, Tày, Thái, Nùng... khai thác nên mang những nét văn hóa rất độc đáo.

Lễ cúng cây trà tổ của người Mông ở Suối Giàng (Ảnh: Nguyễn Đình)

Trà uống sương, đón gió, tắm nắng...

Chúng tôi lên xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nơi đây có bản Trà Đáy, được coi là thủ phủ của cây trà cổ Pà Cò. Bên chén trà ngát hương, ông Sùng A Tô (80 tuổi) kể: “Tôi sinh ra đã thấy những gốc chè to 2, 3 người ôm rồi. Cũng không biết cây chè đã có ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các cụ nói lại thôi. Chuyện xưa có con chim đại bàng từ đâu bay đến, ăn quả rồi nhả ra một hạt rất lạ. Hạt cây đó rơi xuống đất, lớn lên thành cây. Dân đem lá cây nhấm thử, thấy tinh thần sảng khoái, từ đó mà truyền nhau lấy lá về vò uống”. Lá cây đó chính là trà shan tuyết.

Xưa kia, cả vùng Pà Cò rộng lớn này là “tà sùa” (bãi trà). Còn dãy núi Pà Háng là “tẩu sùa” (núi trà). Trà mọc thành rừng, mênh mông bát ngát suốt từ Trà Đáy xuống Xà Lĩnh. Cây trà mọc ken dày đến nỗi có thể di chuyển hàng cây số trên những tán trà mà không cần đặt chân xuống đất. Có những gốc trà to bằng thùng phuy khiến cho nhiều người đi giữa những cây trà mà cứ tưởng lạc trong rừng gỗ. Rừng trà ngày ấy chiều rộng chỉ chừng 1km nhưng trải dài đến hàng chục km, có đến hàng nghìn, hàng vạn cây trà. Bà con cứ hái búp, lá cho vào chảo gang sao, thậm chí chặt cả cành trà gác trên gác bếp dùng dần. Khách đến nhà người Mông trước nhất phải được mời uống trà. Lúc mệt mỏi, uống chén trà nóng, tinh thần sảng khoái. Trẻ con Mông sinh ra vẫn dùng lá trà cổ thụ xát vào da thịt để giữ màu da và giúp cho bàn chân, bàn tay đi rừng, leo núi dạn dày.

Chúng tôi chuyển hướng về xã Tà Sùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Xã toàn người Mông cư trú, nằm gọn trong những đồi trà quanh năm sương mù bao phủ. Vùng đất này có một đặc sản riêng là những gốc trà shan tuyết cổ thụ sinh tồn ở độ cao 1.500-2.300 mét so với mực nước biển. Chốn quanh năm mây phủ, nơi thổ nhưỡng có độ ẩm cao và khí hậu trong trẻo, mát lạnh tạo nên một hương vị đặc biệt cho cây trà mà không nơi nào có được. Theo tiếng Mông, “tà sùa” là bãi trà, tên xã được đặt theo nghĩa ấy. Bây giờ, “tam sao thất bản”, người ta cứ quen viết là Tà Xùa.

Toàn xã Tà Sùa hiện có hơn 125ha trà, trong đó có khoảng 75ha đang cho thu hoạch. Trà mọc chủ yếu ở các bản Tà Sùa A, Tà Sùa C, Mống Vàng, Chung Chinh, Bẹ. Trong số này có khoảng 1-2ha, tương đương 400-500 cây trà cổ từ 400-500 năm tuổi, tán rộng, thân xù xì màu bạc cao 10-15m, bán kính thân từ 10-40cm, tập trung ở các bản Mống Vàng và Chung Chinh.

Thưởng trà ở đỉnh Khoan La San cao 1.864m so với mực nước biển, nơi đặt cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều tra vùng trà Tà Sùa. Kết quả cho thấy, trà Tà Sùa lá gân nhiều, màu xanh vàng, rãnh răng cưa dọc lá sâu, chóp lá nhọn là giống trà chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định. Ngoài ra, chất tanin từ 38,1-40,5% và chất hòa tan cao 49,1-50,2% đã tạo nên hương thơm, vị dịu ngọt. Các nhà khoa học đã tuyển chọn và đánh số 60 cây trà đầu dòng, có tuổi đời trên trên 200 năm, tập trung ở bản Chung Chinh và bản Mống Vàng. Đây là những cây trà có chất lượng tốt nhất.

Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 75.000ha trà shan tuyết cổ thụ, tập trung ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Trong đó, những vùng trà nổi tiếng là Suối Giàng, Phình Hồ (Yên Bái), Tà Sùa (Sơn La), Lũng Phìn, Bó Đướt, Cao Bồ, Thượng Sơn, Phìn Hồ… (Hà Giang), Phja Đén (Cao Bằng), Tủa Chùa (Điện Biên), Pà Cò (Hòa Bình), Mẫu Sơn (Lạng Sơn).…

Dẫn chúng tôi đi xem cây trà đường kính thân 2 người ôm, cây to nhất trên nương của gia đình, ông Mùa A Lầu, 84 tuổi, ở bản Mống Vàng, kể: “Từ ngày bé đi chăn trâu tôi đã thấy cây này to thế rồi. Tập quán canh tác của người Mông phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, không bón phân, không phun thuốc. Bà con dân bản rất quý cây chè Tà Sùa, bởi chính cây chè đã đẩy lùi các căn bệnh hiểm nghèo của người dân. Cả xã tới nay chưa có ai mắc phải bệnh hiểm nghèo”.

Chúng tôi chuyển hướng về xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao 1.400-2.200 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 200C, sương mù giăng mắc, đất trời Suối Giàng mát mẻ quanh năm. Khí hậu tuyệt vời ấy sản sinh ra cây trà shan tuyết. Cây trà lâu năm cao đến cả chục mét, đường kính thân 2-3 người trưởng thành ôm mới kín, cây càng già thân càng trắng và mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, cành cây tỏa ra rất rộng, lá xanh ngát.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, người ta đã thống kê có tới gần 40.000 cây trà shan cổ thụ có độ tuổi 200-300 năm, còn những cây từ trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Theo thống kê mới nhất, diện tích trà shan tuyết hiện nay ở Suối Giàng là 393ha, trong đó diện tích cây trà cổ là 293ha, còn 100ha do bà con trồng mới. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là trà tuyết.

Hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh nên trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng trà trên cả nước. Thế nên có người ngỡ ngàng: “Tôi đã đi qua 120 nước có trà trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây trà lâu năm như ở Suối Giàng. Phải chăng đây là cội nguồn của cây trà? Trà ở đây độc đáo, trong bát nước trà xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của trà trên thế giới” (ông K. M. Djemmukhatze, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, ghi trong sổ lưu niệm của UBND xã Suối Giàng năm 1960).

Người Mông ở đây trồng và chăm sóc cây trà theo tập quán từ ngàn đời: Cứ để cây mọc tự nhiên luồn bộ rễ chắc khỏe xuống lớp đất đá ẩm mục mà hút dưỡng chất; vươn cành lá lên trời cao mà uống sương, đón gió, tắm nắng. Bà con tuyệt đối không dùng bất cứ thứ chất hóa học nào để bón trà và phun thuốc trừ sâu bệnh. Chính vì vậy, trà tuyệt đối sạch và an toàn. Trà ở đây ngon là vì có sương mù. Trà ngậm sương mù thành tuyết. Búp trà sau khi chế biến vẫn còn một lớp lông tơ trắng chứa các vi chất có lợi cho sức khỏe. Người Mông ở Suối Giàng quan niệm rằng, trà là một thứ thần dược, họ gọi cây trà là “sùa ziề”, “sùa” là cây thuốc, “ziề” là trà.

Hành trình đi tìm những cây trà shan tuyết còn đưa chúng tôi đến những vùng trà shan tuyết quý giá ở xã Hồng Thái, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang; xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và xã Bình Văn, huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn; dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và xã Tả Giàng Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai); xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yến Bái; xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; các xã Chờ Lồng, Tân Lập, Phiềng Luông, Đông Sang, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Chiềng Sơn, Tô Múa và thị trấn nông trường Mộc Châu của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; xã Công Sơn và xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn… Ở đâu chúng tôi cũng thấy người dân tự hào với với rừng trà shan tuyết cổ thụ. Không phụ lòng trời ban, họ nuôi dưỡng cây trà, hái búp, lá trà để uống, ăn, tắm, chữa bệnh… hằng ngày và chia sẻ báu vật của quê mình với mọi người. Những cây trà quý, những tri thức bản địa phong phú, độc đáo về việc làm trà, sử dụng các sản phẩm từ trà chính là một tài sản văn hóa quý giá.

Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 75.000ha trà shan tuyết cổ thụ, tập trung ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Trong đó, những vùng trà nổi tiếng là Suối Giàng, Phình Hồ (Yên Bái), Tà Sùa (Sơn La), Lũng Phìn, Bó Đướt, Cao Bồ, Thượng Sơn, Phìn Hồ… (Hà Giang), Phja Đén (Cao Bằng), Tủa Chùa (Điện Biên), Pà Cò (Hòa Bình), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)…

Năm mưa thuận gió hòa, trà shan tuyết thu hái được 3 vụ, mỗi vụ không quá 20 ngày. Cụ thể: Vụ xuân vào tháng 3-4 âm lịch, vụ hè vào tháng 5-7 âm lịch, vụ thu vào tháng 8-9 âm lịch, cuối tháng 9 âm lịch trời rét lại khô cạn, cây trà ngủ đông. Trà shan tuyết cổ thụ được thu hái vào ngày trời quang đãng (sau khi sương tan, không mưa) đến trước khi ánh nắng mặt trời lên cao sẽ cho chất lượng búp tốt nhất.

Sống ở điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cây trà shan phát triển rất chậm, trung bình mỗi năm đường kính thân chỉ thêm được… 1mm. Thế nên, một cây trà có đường kính thân 20cm thì chí ít tuổi cũng phải 60-80 năm. Bù lại, cây càng già chất trà càng quý, tuyết của búp càng nhiều thì trà chất lượng càng cao, càng quý. Trà mọc ở độ cao càng cao so với mặt nước biển thì búp, lá càng nhiều lông tuyết và dược tính càng mạnh…

Từ những búp trà shan tuyết, người dân hái trà xanh pha nước uống hằng ngày. Để bảo quản, người ta sao suốt thành trà tuyết hoặc chế biến thành trà nướng, trà lam, trà chít, trà hun khói… Cũng đủ các cung bậc, phẩm cấp của khoa học và văn hóa trà: trà trắng, trà xanh, trà hồng, trà đen, trà bánh, trà duỗi, cao trà…

Theo thống kê, các sản phẩm trà shan tuyết do người Việt Nam chế biến đã lên tới gần 30 loại. Giá 1kg trà shan tuyết thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 60 triệu đồng.

Phong tục độc đáo

Chúng tôi may mắn được tham dự đám cưới của đôi vợ chồng người Mông hoa là anh Thào A Trỏ và chị Giàng Thị Pàng ở bản Đề Chờ Chua A, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Tối hôm đón dâu về, mọi người vui vẻ ăn uống, nói chuyện và hát mừng hạnh phúc của cô dâu chú rể đến tận đêm khuya. Bài hát đối đáp có những đoạn hỏi - đáp về trà:

- Nói cho mình, hai khách bày cỗ

Mình rằng lấy nước lấy củi về đun

Nước trà mới tức thì về tới

Mình rằng mình lấy củi lấy nước về nấu

Nước trà mới tức khắc về ngay

Vậy thì trà mẹ trà bố ở đâu tới

Trà bố trà mẹ ở đâu về?

- Nói cho mình, bà con họ xuân

Trà này ta không hay

Trà gì ta không rõ

Trà này sinh ở đầu nhà

Trà này ta không biết

Trà gì ta không thấy

Trà này sinh ở đầu ngõ

Bố dang chân đạp cành trà

Mẹ vươn tay hái búp trà

Mẹ đem trà về nhà

Mẹ xào đảo trong chảo

Mẹ vò bóp trên mẹt

Đặt lên trên gác bếp

Hơ, sấy, phơi giòn khô

Bố đem trà cho vào siêu đồng

Trà reo reo sôi phụt phụt hơi

Đoạn chuyên trà vào chén

Chén trà xứng khay trà

Rồi mới bảo bà con họ xuân

Mình vui lòng theo ta cùng uống

Đoạn theo ta vào nghỉ trong nhà...

Người Tày ở Lạng Sơn có phong tục “châự nặm” (tiếng Tày có nghĩa là mời uống nước, cụ thể là nước trà). Đây là nghi lễ không thể thiếu được trong đám cưới xưa. Nghi lễ được thực hiện bởi cô dâu và chú rể mới. Cô dâu châự nặm tại nhà chồng, chú rể châự nặm tại nhà vợ. Nghi lễ này được thực hiện khi đám cưới đang tiến hành, khi đã làm lễ gia tiên, cô dâu chú rể đã được tổ tiên, họ hàng chấp thuận, khách dự đám cưới đang vui tiệc. Thực hiện nghi lễ châự nặm phải có một người thân có uy tín trong gia đình dẫn dắt, giới thiệu. Châự nặm theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Bắt đầu từ các cụ bề trên đại diện cho hai họ của gia đình, tiếp đó mời đến bố mẹ đẻ, anh em ruột của bố mẹ đẻ, rồi đến họ hàng, hàng xóm láng giềng thân thiết, ra đến bạn bè… Hiện nay, các đám cưới của người Tày ở huyện Bình Gia, huyện Bắc Sơn, huyện Lộc Bình… của tỉnh Lạng Sơn vẫn thường xuyên diễn ra nghi lễ này. Có nơi, người ta còn làm riêng những ngôi nhà bằng tre nứa để dành riêng cho châự nặm.

Bà Lộc Bích Kiệm - nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Châự nặm thực hiện theo nghi thức rất trịnh trọng. Đi bên cô dâu, chú rể có phù dâu, phù rể hỗ trợ rót nước trà và đáp lời. Khi người đại diện gia đình giới thiệu đến người nào thì phù dâu, phù rể rót chén trà đặt lên khăn tay cho cô dâu, chú rể mời người đó. Chén nước trà được phù dâu, phù rể đặt trên chiếc khăn tay đẹp, gấp tư vuông vắn trên đôi tay cô dâu, chú rể. Cô dâu, chú rể quỳ hoặc cúi khom lưng, hướng về phía trước, hai tay bưng chén trà trịnh trọng dâng mời. Nếu người được mời nước là nam giới sẽ có thêm hai điếu thuốc lá, là nữ giới sẽ có thêm một miếng trầu. Người được mời nước sau khi nhận chén nước sẽ lì xì một món tiền nhỏ gói trong tờ giấy đỏ tặng cô dâu, chú rể cùng với lời chúc phúc thành tâm, có khi bằng “phuối pác” (lời nói), có khi bằng điệu lượn, theo đó nhiều ý nghĩa nhân văn được mở ra. Chính vì thế mà cả hai phía cô dâu, chú rể và người thân được mời trà đều thấy thiêng liêng, hạnh phúc.

Thầy cúng Giàng A Lử cho biết: Người dân Suối Giàng biết ơn trời đất đã cho cây trà quý, nay có một lễ nhỏ xin được dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên phù hộ...(Ảnh: Nguyễn Đình)

Trong đám ma tươi của người Mông trắng ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bài khèn mời cơm sáng cho người chết có đoạn nhắc đến trà:

Hỡi người chết Pù Ka Na

Đã đến lúc bày cơm sáng rồi

Pù Ka Na người hãy dậy đi

Để nhận lấy chín chén trà, chín chén nước, ba chén đầy, ba chén vơi

Kẻo mà ngựa ma lại nhận ăn

Kẻo mà ngựa vằn lại nhận uống

Ngươi hãy mau mau dậy mà ăn sáng đi...

Trà cũng gắn với rất nhiều phong tục tập quán của người Hà Nhì, Cao Lan, Giáy, Sán Dìu… Họ có những bài ca hái trà, bài hát mời trà, dùng trà làm lễ vật để cúng thần linh, tổ tiên... Ở Thái Nguyên thì cứ “ba cây (km) một chợ, năm ngày ba phiên” mở những chợ chuyên bán trà. Trà có dấu ấn đậm đặc trong sinh cảnh, văn hóa của người Việt Nam.

Tour tích hợp văn hóa

Dân làm trà có câu “Đâu có sim, mua ấy đất trà”. Đến các vùng trà, đi đâu chúng tôi cũng gặp cây sim, cây mua mọc um tùm, nở hoa rực rỡ, kết quả to, mọng. Điều ấy chứng tỏ đất ở đó hơi chua, độ pH từ 4,5-6, rất hợp với việc trồng trà.

Trà shan tuyết cổ thụ chứa đựng bao nét đẹp của cộng đồng người Mông, Dao, Tày, Nùng... trong cách chế biến trà, trong phong tục tập quán liên quan đến trà. Ta uống trà không chỉ vì cánh trà đẹp - trắng toát như tuyết, nước trà vàng ươm, hương trà thơm ngát, vị trà chan chát rồi ngọt dịu, bền lâu..., mà người ta còn thưởng thức cả tinh túy của đất trời, cả nét văn hóa bản địa phong phú, độc đáo.

Vùng trà shan tuyết cổ thụ thường nằm trên núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, không gian nguyên sinh và thảm động vật, thực vật hết sức đa dạng. Từ trong lòng núi, những mạch nước ngầm vẫn tuôn chảy suốt bốn mùa. Trên đỉnh núi huyền ảo sương mây, bên bờ sông mang mang khói sóng, múc nước nhóm lửa đun sôi pha trà. Trà vừa ngấm nước sôi đã tỏa mùi thơm ngào ngạt. Nước trà rót ra màu xanh ngát. Nhấp ngụm nước trà nóng vào đầu lưỡi, mùi thơm lan tỏa, vị ngọt nhẹ thơm nồng nàn thấm dần vào các vị giác, tâm hồn thư thái, lâng lâng.

Và đặc biệt nhất, lãng du qua các vùng trà shan tuyết cổ thụ, ta được thấm hồn cốt của người làm ra chúng. Trà shan tuyết cổ thụ chứa đựng bao nét đẹp của cộng đồng người Mông, Dao, Tày, Nùng... trong cách chế biến trà, trong phong tục tập quán liên quan đến trà. Ta uống trà không chỉ vì cánh trà đẹp - trắng toát như tuyết, nước trà vàng ươm, hương trà thơm ngát, vị trà chan chát rồi ngọt dịu, bền lâu..., mà người ta còn thưởng thức cả tinh túy của đất trời, cả nét văn hóa bản địa phong phú, độc đáo. Một búp trà chứa đựng bao nét văn hóa!

Khai thác nét văn hóa của trà shan tuyết cổ thụ, Công ty TNHH Tuổi Trẻ thiết kế các tour trải nghiệm cuộc sống thường ngày và văn hóa của đồng bào bản địa. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc công ty cho biết: “Tháng nào chúng tôi cũng tổ chức ít nhất một chuyến đi cho khách trong và ngoài nước lên tham gia hái trà, sao trà, uống trà, ăn các món ăn chế biến từ trà, tắm trà… với đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Hà Nhì... Qua chuyến đi (ít nhất 2 ngày, dài nhất 30 ngày), du khách thấu hiểu sự vất vả của bà con để làm ra được một búp trà, thưởng thức những món ăn, thức uống chế biến từ trà, thấy được đời sống còn nhiều khó khăn nhưng lạc quan, vui tươi của đồng bào, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm trà cũng như lan tỏa văn hóa trà đến đông đảo mọi người”

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/rung-tra-bien-tri-thuc-526624.html