Rừng thông Mang Yang đang 'chảy máu' nghiêm trọng

Tình trạng phá rừng thông lấy đất sản xuất diễn ra âm thầm nhiều năm nay, giờ đây ở huyện Mang Yang (Gia Lai) lại rộ lên và trở thành điểm nóng khó giải quyết. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu việc phá rừng này có hay không sự tiếp tay của cán bộ địa phương?

Một cây thông bị chặt hạ. Ảnh: Quốc Dinh

Một cây thông bị chặt hạ. Ảnh: Quốc Dinh

Đua nhau phá rừng

Cơn sốt giá tiêu ngày một tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhu cầu đất trồng tiêu của người dân trở nên nóng bỏng. Đặc biệt, cơn sốt chanh dây thu lãi lớn gần đây đã khiến nhiều người dân đổ xô đi tìm mua đất trồng tiêu, chanh dây để đổi đời. Trong khi đất sản xuất ngày một hiếm, người dân chỉ còn hướng về rừng, vậy là cuộc "đổ bộ" lấn chiếm đất rừng thông tại xã Đak Djrăng (Mang Yang) lại rộ lên. Người dân từng ngày, từng giờ, chặt, đốt, phá dần những hàng thông đang xanh tốt để chiếm dụng, dù biết rõ đó là đất rừng. Thay vì phải lén lút, chặt hạ cây vào ban đêm như trước, nhiều hộ dân vô tư thuê người đến khu vực đất rừng thông để cùng "xí phần", rồi ra sức đốn chặt cây rừng.

Làm một chuyến thị sát tại hiện trường, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt cây thông bị chết khô và đốn hạ không thương tiếc. Có cây bị người dân chặt ngang gốc ngã đổ, cây thì bị gọt đẽo quanh thân. Người dân địa phương đang lấn chiếm rừng tại khu vực rừng thông thuộc xã Đak Djrăng xuất hiện ngày một nhiều. Tại một khoảnh rừng thông vừa bị chặt hạ, một vài cây thông bị chặt đổ rạp xuống khoảng đất trống chưa kịp dọn đi, nơi khác tiếp tục là vài ba cây thông đang bị người dân ra sức gọt, chặt để cây chết dần trong nay mai. Ngay giữa phần đất vừa mới được dọn cây rừng này, chủ đất mới đang cho người đào giếng, kéo điện. Điều đáng nói, khu vực rừng thông bị người dân lấn chiếm nằm cách trụ sở UBND xã Đak Djrăng chưa đến cây số về hướng Bắc.

Tại xã Đak Jơ Tar, huyện Mang Yang, khu vực rừng thông nằm dọc theo Quốc lộ 19 (đoạn giáp ngã ba đi xã Ayun) cũng chịu chung số phận, khi bị người dân chặt phá. Tình trạng trên diễn ra suốt thời gian dài, những cây thông tại khu vực này bị người dân thay dần bằng trụ bê tông, trồng cây keo dậu để trồng tiêu. Dọc theo dãy rừng thông đang bị xâm hại là những rẫy cà phê được trồng xen và chờ để mở rộng từng gốc khi mỗi một cây thông chính thức bị hạ xuống.

Khi được hỏi về nguồn gốc đất, một người đàn ông chừng 40 tuổi đang đào giếng dừng tay cho chúng tôi biết: “Đất trống thì để làm gì, người trước chặt bán lại cho người sau . Ông chú tôi mua lại chẳng đáng bao tiền, nay giao đất lại cho tôi. Hiện nay, người đàn ông này đang tiến hành đào giếng, kéo điện để chuẩn bị trồng chanh dây.

Việc phá rừng thông để lấy đất sản xuất ở đây không mới. Vào thời điểm tháng 10-2013, rừng thông hàng chục năm tuổi cũng như hàng ngàn cây sao xanh trên địa bàn huyện Mang Yang đã bị dân ngang nhiên phá bỏ chiếm rừng làm đất rẫy. UBND tỉnh Gia Lai, chính quyền huyện Mang Yang vào cuộc yêu cầu các phòng chức năng trong huyện rà soát mới khám phá ra nhiều điều bí ẩn. Vụ lấn chiếm đất rừng, được huyện cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân tại các tiểu khu 496, 499 và 501, xã Đak Djrăng, vẫn chưa có hồi kết, thì mới đây, các vụ xâm hại, chặt phá rừng thông và cấp sổ đỏ mới trên phần đất của Nhà nước quản lý lại tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Cây thông bị người dân đẽo, gọt vỏ chờ khô để hạ nhằm lấn chiếm đất tại xã Đak Djrăng (Mang Yang). Ảnh: Quốc Dinh

Xà xẻo đất công

Năm 2008, sau hơn 30 năm tồn tại, Công ty Chè Ayun làm ăn thua lỗ và trở thành "con nợ" của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Gia Lai và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa với tổng số tiền lên đến hơn 22 tỷ đồng. Ngày 9-2-2009, UBND tỉnh có công văn đồng ý cho phép Công ty Chè Ayun làm thủ tục phá sản. Do vướng mắc trong quá trình kê biên tài sản và những lý do khách quan khác, mãi đến năm 2013, Công ty Chè Ayun mới hoàn tất các thủ tục phá sản theo quy định. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự đã bán đấu giá vườn cây và tài sản trên đất cho công nhân gồm: Vườn xoài, vườn chè kinh doanh cũ, vườn chè cao sản mới và cà phê cho hơn 220 hộ, với hơn 250ha. Diện tích đất còn lại của công ty thuộc quyền quản lý của Nhà nước… Ngày 13-9-2013, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 136/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty Chè Ayun và giao cho UBND huyện Mang Yang quản lý. Diện tích thu hồi hơn 1.102ha, trong đó, tại địa phận thị trấn Kon Dơng (Mang Yang) gần 500 ha, địa phận xã Đak Djrăng hơn 600ha.

Khu vực đất Nông trường chè Ayun (cũ) thuộc thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng bị người dân xà xẻo, lấn chiếm hàng trăm héc-ta. Nghiêm trọng hơn, những nơi bị lấn chiếm lại được UBND huyện Mang Yang cấp sổ đỏ. Cán bộ địa phương lại thông đồng với người lấn chiếm đất công để xác nhận, lập hồ sơ. Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành điều tra, xác minh để có biện pháp xử lý các sai phạm nói trên. Cụ thể, ngày 4-11-2015, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai Gia Lai, chi nhánh huyện Mang Yang để phối hợp điều tra. Qua đó, có 48 hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thu thập.

Trong số 48 hồ sơ đơn vị cung cấp cho Công an tỉnh để điều tra thì có hộ được cấp sổ đỏ với diện tích lên đến 15,5ha, hộ trung bình thì khoảng gần 6ha, còn hộ ít nhất là 2.028m2. Có trường hợp cùng một tên nhưng được UBND huyện Mang Yang ký cấp 4 sổ với những diện tích to, nhỏ khác nhau.

Ông Huỳnh Thế Mạnh, Bí thư Huyện ủy Mang Yang cho biết: Những năm qua, trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra tình trạng khiếu kiện về đất đai cũng như nóng về tranh chấp đất sản xuất. Riêng vấn đề báo chí phản ánh, tôi vẫn chưa nắm rõ. Tuy nhiên, huyện đang tập trung cao điểm giải quyết dứt điểm các vụ lấn chiếm đất rừng, chặt phá thông lấy đất sản xuất. Với các hộ mới lấn chiếm, Huyện ủy sẽ họp và chỉ đạo các cấp xử lý kiên quyết.

Có hay không sự tiếp tay?

Theo điều tra ban đầu từ Công an tỉnh Gia Lai, trong số 48 hồ sơ được huyện cấp, có 3 sổ đỏ gồm: Số BH142701, cấp ngày 22-8-2011 với diện tích cấp hơn 15,5ha; số BH167897 diện tích cấp gần 6ha; số BH167898 diện tích cấp hơn 3ha. Cả 3 thửa đất này thuộc thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng và nằm trên diện tích đất Công ty Chè Ayun quản lý và phải thu hồi theo Quyết định số 136/ QĐ-UBND ngày 13-9-2013 của UBND tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Công an tỉnh cho biết, hồ sơ số BH 167897, BH 167898 "có nghi vấn" do cán bộ địa chính xã và Trưởng thôn Linh Nham thực hiện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng nằm trên diện tích đất thuộc thôn Linh Nham và đồi 744 vẫn còn nhiều sổ đỏ do ông Nguyễn Như Phi, Phó Chủ tịch ký, cấp (nay ông Phi là Chủ tịch UBND huyện Mang Yang). Trong đó có các thửa BA 546967 diện tích hơn 13ha, BA 546966 diện tích hơn 26,8ha. Riêng Giấy chứng nhận số H01095 với diện tích được cấp hơn 41ha lại thuộc về một người mang hộ khẩu ở tận quận Long Biên, TP Hà Nội sở hữu...

Sổ đỏ thì rành rành, tuy nhiên tất cả diện tích trên đều nằm trên phần đất đang được UBND tỉnh Gia Lai bàn giao cho huyện Mang Yang quản lý. Để công tác điều tra thuận lợi cũng như hạn chế các sai phạm tiếp theo, cơ quan điều tra đã đề nghị UBND huyện Mang Yang chỉ đạo phòng chức năng tạm dừng các thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế...

Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/rung-thong-mang-yang-dang-chay-mau-nghiem-trong/