RỪNG SẼ ÍT CHÁY HƠN, NẾU...

Nếu công tác phòng cháy được chú trọng hơn và nếu công tác quy hoạch trồng rừng được thực hiện bài bản, khoa học, tránh kiểu mạnh ai nấy làm, tràn lan, tự phát…

Vấn đề đặt ra không hoàn toàn mới, nhưng nóng hổi tính thời sự. Đối với giới chuyên gia, các nhà quản lý, lực lượng bảo vệ rừng, đó là những bài học thuộc lòng. Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế, rừng vẫn liên tục bị cháy và thiệt hại trong nhiều vụ cháy là hết sức nghiêm trọng!

Đơn cử, bài học rút ra từ cuộc chiến chống “giặc lửa” cứu rừng vừa diễn ra cam go, khốc liệt trong hơn 48 giờ tại núi Mồng Gà (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Dù lực lượng, phương tiện chữa cháy ở địa phương đã được huy động ở mức cao nhất, lại có thêm chi viện từ tỉnh Nghệ An, nhưng sự tàn phá khủng khiếp của ngọn lửa dưới trời nắng nóng trên 40 độ C, gió Tây cấp 4, cấp 5, không một sức mạnh nào của con người ngăn nổi. Diện tích rừng trên địa bàn hai xã Sơn Long, Sơn Trà gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. Chỉ đến khi đám cháy lan đến địa bàn xã Sơn Bình, nhờ có địa hình thuận lợi hơn và sự nỗ lực của hơn 500 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân, kiểm lâm… và hàng nghìn người dân tiếp sức, đám cháy mới được khống chế, dập tắt.

 Cháy rừng tại núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: qdnd.vn

Cháy rừng tại núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: qdnd.vn

Sau vụ hỏa hoạn, những lỗ hổng, bất cập về công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng và công tác phòng cháy cũng lộ ra. Hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ trên núi Mồng Gà trải rộng khắp diện tích mặt núi, sườn núi, không hề có bất cứ đường băng cản lửa nào. Rừng trồng tràn lan từ đầu đến cuối, từ trên xuống dưới. Không có đường băng cản lửa nên khi cháy, cả rừng biến thành "núi lửa" khổng lồ.

Nếu áp dụng quy hoạch trồng rừng theo khoảnh, ngăn cách bằng các đường băng cản lửa, hậu quả vụ cháy sẽ giảm thiểu rất nhiều. Khi đó, lực lượng chữa cháy dễ dàng khống chế, cô lập đám cháy ở phạm vi cục bộ.

Đặc thù cấu tạo của các dãy núi trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là có độ dốc lớn, địa hình hiểm trở, núi đá nhiều, rất khó để tiếp cận, cơ động phương tiện chữa cháy. Phương tiện tốt nhất để chữa cháy rừng cho đến hiện nay vẫn là sử dụng máy thổi. Nếu có các đường băng cản lửa, thao tác của lực lượng chữa cháy sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Trận cháy rừng khủng khiếp vừa qua làm hơn 96ha rừng trên núi Mồng Gà biến thành tro bụi, là bài học đắt giá để ngành chức năng rà soát công tác quy hoạch tái trồng rừng, công tác phòng, chống cháy, bảo vệ rừng, đặc biệt là yếu tố phòng cháy. Nếu rừng trồng theo khoảnh, trước mùa nắng nóng, các ngành chức năng phối hợp với địa phương tổ chức lực lượng tình nguyện đi phát quang đường băng, thu dọn bì thực vật thì hiệu quả phòng cháy, chữa cháy sẽ tốt hơn.

Mà chả riêng núi Mồng Gà, đa phần các dãy núi có cấu tạo tương tự trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã và đang vướng chuyện này. Nghĩa là rừng cứ trồng dày đặc. Cứ có khoảng trống là trồng cây. Thế rồi cứ theo quy luật, khi rừng được 4-5 năm tuổi, lá khô tạo thành lớp bì thực vật dày cộp là rừng lại cháy. Mỗi lần cháy, tốn bao nhiêu công sức, thậm chí đã có lần phải trả giá bằng cả tính mạng con người, nhưng mọi việc vẫn chưa được khắc phục.

Vụ cháy vừa rồi là trận hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử ở núi Mồng Gà. Bên cạnh việc tôn vinh, khâm phục tinh thần chống cháy rừng như chống giặc của quân và dân cùng lực lượng chức năng, cần có cái nhìn nghiêm khắc và toàn diện về vấn đề quy hoạch trồng rừng, công tác phòng, chống cháy, bảo vệ rừng.

Biết rồi, khổ lắm, nhưng vì chưa làm được thì vẫn phải nói!

LỮ NGÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/rung-se-it-chay-hon-neu-624942