Rừng sản xuất không giúp giảm sạt lở: Bù đắp thế nào?

Giữ rừng nguyên sinh là việc hệ trọng, không có cách nào khác phải tăng cường trồng rừng bằng các loại cây đa dạng.

Trước tình trạng sạt lở đất ở miền Trung tăng đột biến trong thời gian qua, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho biết, thảm thực vật, hệ sinh thái rừng cực kỳ quan trọng, mà đợt mưa lũ lịch sử thời gian qua là một bài học - nếu còn các thảm rừng nguyên sinh thì thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất đã được ngăn chặn phần nào.

Đồng tình rằng phát triển kinh tế là nhu cầu chung nhưng trong những năm qua, tại miền Trung, phát triển kinh tế đã làm suy giảm diện tích rừng và đó là biểu hiện cho thấy việc phát triển không bền vững. Nhiều cánh rừng nguyên sinh đã bị mất đi để thay thế vào đó là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế, nhưng chúng không bù đắp được giá trị của rừng nguyên sinh do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.

"Rừng nguyên sinh có nhiều tầng, thảm thực vật phong phú, giúp đất đá kết dính nhờ tác dụng thẩm thấu từ từ, trong khi rừng sản xuất phía dưới không có thảm thực vật nào khác, việc chống lũ lụt, xói mòn gần như không có tác dụng.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, nhanh hơn dự báo. Dù chúng ta đã có nhiều kịch bản ứng phó nhưng thời tiết, dưới tác động của con người, ngày càng diễn biến phức tạp. Khí thải nhà kính, trái đất nóng lên, hiện tượng nước biển dâng khiến thời tiết nóng nhiều, ẩm nhanh, mưa gió mạnh, đất ở những vùng như miền Trung bị bở ra, không còn kết dính được nữa, gặp những trận mưa lớn, khu vực đó lại ít cây cối thì đất trượt xuống, gây tai họa cho người dân", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh giải thích.

Cho rằng việc phục hồi lại rừng nguyên sinh không phải việc dễ dàng, song vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, giải pháp hiện nay là chỉ có thể tăng cường trồng rừng. Thế nhưng, việc trồng rừng không phải là rừng đơn loại, chỉ có độc một loại cây mà phải đa dạng.

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên sông ở Trà Leng, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Lao động

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên sông ở Trà Leng, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Lao động

"Cần nghiên cứu, khảo sát kỹ địa hình, thảm đất ở mỗi địa phương, mỗi khu vực đó ra sao, thích hợp với trồng cây gì, mà trước hết phải ưu tiên cây bản địa ở đó, tiến tới đa dạng các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đó. Sau khi trồng thì phải chăm sóc, bảo vệ, không phải cắm cây xuống đất để quay phim, chụp ảnh rồi bỏ mặc, mà không ai làm việc đó tốt hơn cộng đồng địa phương. Phải phát huy kiến thức, trách nhiệm của người dân địa phương, bởi bảo vệ rừng chính là bảo vệ cho bản thân mình", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

Từ thực tế tại miền Trung, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, phát triển kinh tế phải có tầm nhìn và gắn với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa ở miền Trung là một ví dụ. Không phản đối tăng cường nguồn năng lượng để phát triển kinh tế miền Trung, song GS Huỳnh lưu ý cần tính toán, cân nhắc phát triển thủy điện nhỏ và vừa ở chỗ nào.

"Phá vài chục hecta rừng để xây dựng nhà máy thủy điện hơn chục MW, nhìn trước mắt là người dân địa phương có điện, nhưng việc phục hồi lại môi trường sau khi công trình hoàn thành lại là việc vô cùng gian nan, phải mất ít nhất 30-40 năm sau mới đảm bảo được chức năng của hệ sinh thái vùng đó.

Điều đáng nói, trước khi đến được thời điểm đó thì thảm họa đã xảy ra. Thành ra phải kiên quyết bảo vệ rừng, đa dạng sinh học dù có chút thiệt hại về kinh tế, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi.

Người dân ở vùng đó có thể không có điện từ thủy điện, song có thể nghiên cứu những nguồn cung cấp năng lượng khác, tùy theo thế mạnh của địa phương, như điện gió, điện mặt trời, hay điện sinh khối... Có nhiều biện pháp để thực hiện việc này, nhất là hiện đã là thời đại công nghệ 4.0, cần phát huy sự sáng tạo của người dân, nhất là thanh niên", GS Đặng Huy Huỳnh phân tích.

Ông cũng lưu ý đến việc giao địa phương phê duyệt các công trình thủy điện nhỏ và vừa đôi khi làm chưa được bài bản, đặc biệt việc đánh giá tác động môi trường, đánh giá các hệ sinh thái cần phải có một cơ sở khoa học, kiến thức nhất định về sinh thái học, cây, con, đất, đá... Đất, đá, cây cối trong rừng theo quy luật tự nhiên, không thể bắt theo ý của mình.

Chính vì thế, muốn phát triển bền vững thì cần học hỏi, tôn trọng quy luật tự nhiên, và có trách nhiệm bảo vệ tự nhiên để từ đó bảo vệ chính mình. Rừng tự nhiên không thể có giá trị kinh tế trước mắt, nhưng nó là tấm áo giáp sự bảo vệ sự sống, tài sản của người dân lâu dài.

Một điểm khác được GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh lưu ý, đó là đất đá ở khu vực miền Trung bị phong hóa mạnh, đất đá mềm, vụn hay kiến tạo khe nứt phát triển dẫn đến sạt lở, rủi ro là rất lớn. Các địa phương cần theo dõi các thông tin dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, viện địa chất, đến các khu vực được cảnh báo để khảo sát, có phương án di chuyển bà con đến nơi an toàn, thực hiện "4 tại chỗ", đồng thời tăng cường tuyên truyền để bà con không chủ quan.

Cùng với đó, chính quyền cần khảo sát, quy hoạch một số khu vực vững chãi, an toàn để làm nhà cao tầng cho người dân tránh trú mỗi khi có thiên tai xảy ra. Việc này có thể tốn kém, nhưng cần phải lo trước, tránh để người dân rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/rung-san-xuat-khong-giup-giam-sat-lo-bu-dap-the-nao-3421712/